|
Nhiều bất cập trong quy hoạch đô thị TPHCM được bàn luận thẳng thắn trong ngày khai mạc đại hội - ảnh: H.N. |
Dân khổ do quy hoạch ngổn ngang
Quy hoạch là vấn đề khá nhức nhối tại TPHCM, mỗi ngành đều tham gia quy hoạch theo chức năng, dẫn đến tình trạng dự án chồng dự án. Đại biểu Lê Minh Dũng bày tỏ: “TPHCM giàu tiềm năng nhưng công tác quy hoạch không thống nhất nên gặp khó trong khai thác tiềm năng”. Theo ông Dũng, quy hoạch lẽ ra nên được đặt trong tổng thể với quy trình đầu tiên là quy hoạch đô thị, sau đó mới tiếp tục quy hoạch ngành như giao thông, hạ tầng, kế hoạch sử dụng đất và tất cả phải đồng bộ. Khi đó, người dân mới không khổ và công tác kêu gọi đầu tư cũng dễ dàng hơn.
Ông Dũng chỉ ra rằng, các nhà đầu tư đều hỏi về công tác quy hoạch khi muốn đầu tư. Họ quan tâm đến việc có hay không quy hoạch tổng thể, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nhà ở tại một địa điểm nhất định, thậm chí quy hoạch đó phải có sự kết nối giữa các địa phương, nhưng hầu như khó có thể đáp ứng.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Long cho biết thêm, theo quy hoạch, TPHCM dành kênh thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng ngập nước. Sau đó, theo chỉ đạo trực tiếp từ Bí thư Thành ủy TPHCM trong một chuyến thị sát, Quận ủy, UBND quận Tân Bình mới có dự án cải tạo kênh thoát nước. Thế nhưng, dự án đó không giải quyết được việc tiêu thoát nước cho sân bay do bị một số dự án khác chồng lấn mà 5-10 năm vẫn không thể hoàn thành.
“Tại sao chúng ta luôn muốn làm mà không làm được?” - ông Long đặt câu hỏi và nhận định, nguyên nhân chung là, các dự án khi gặp khó khăn, lẽ ra phải tham mưu cho UBND thành phố giải quyết, nhưng các đơn vị cứ đùn đẩy trách nhiệm, không cùng nhau tập trung tháo gỡ.
Liên quan đến tình trạng ngập, đại biểu Nguyễn Bá Thành dẫn chứng thêm, ngay cả khi có quy hoạch chung và tổng thể thì quy hoạch đó cũng không đáp ứng được so với sự biến đổi của thành phố: “Hệ thống thoát nước đã cũ kỹ, lún sụt nhưng ngày đó, khi quy hoạch thì nước thoát qua các khu vực chưa xây dựng. Bây giờ, những nơi đó đã được xây dựng nhiều công trình, dự án khiến nước không thoát được”. Trong khi đó, theo một số đại biểu, muốn thay mới hệ thống tiêu thoát nước cũ kỹ, cũng cần nhiều thời gian vì muốn thay, sẽ “đụng” đến nhiều dự án khác, buộc phải có sự điều chỉnh đồng bộ.
Các đại biểu cho rằng, chính tình trạng chồng lấn trên khiến TPHCM khó tận dụng tiềm năng, nguồn lực, đồng thời còn ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Không ít nơi, dự án chồng dự án khiến hàng loạt nhà dân chịu giải tỏa hai, ba lần; ô nhiễm, kẹt xe, ngập nước triền miên. Theo các đại biểu, TPHCM cần sớm có một quy hoạch tổng thể, đồng bộ và phải có tầm nhìn dài hạn, biết đặt trong bối cảnh tương lai.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân dẫn chứng, trước đây, tuyến đường qua Rừng Sác lớn hơn nhu cầu giao thông thời điểm khởi động dự án nhưng nay, nó đã trở thành con đường huyết mạch, chắp cánh cho huyện Cần Giờ phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của TPHCM.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:
TPHCM cần tiên phong trong giải quyết các bài toán phát triển
TPHCM là địa phương đi đầu triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, quản lý giao thông đô thị… TPHCM cũng là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất của cả nước. Với tiềm năng, lợi thế về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chúng ta tin tưởng rằng, các mục tiêu, chỉ tiêu trình đại hội kỳ này có tính khả thi cao, hoàn toàn có khả năng đạt được.
Tôi xin gợi ý một số vấn đề trọng tâm để đại hội thảo luận, đưa vào nghị quyết.
Thứ nhất, Đảng bộ TPHCM cần nắm bắt vận hội, thời cơ, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là sự năng động, sáng tạo. Thứ hai, cần tập trung làm tốt công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, cần xác lập vai trò hạt nhân phát triển của thành phố, gắn kết chặt chẽ với vùng đô thị TPHCM, cấp vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm kết nối hiệu quả, tạo đột phá phát triển trên các lĩnh vực và phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Thứ ba, TPHCM cần đi tiên phong trong giải quyết các bài toán phát triển đặt ra đối với đất nước và các địa phương, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh, huy động, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực…
TPHCM cần tiếp tục đi đầu trong xây dựng hệ sinh thái, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và giữ vững vai trò là trung tâm phát triển doanh nghiệp của cả nước. Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển mạnh kinh tế tư nhân, các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, hình thành các tập đoàn, các doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm lực mạnh, khả năng cạnh tranh cao trong khu vực. Chú trọng thu hút, chọn lọc các dự án FDI có công nghệ, giá trị gia tăng, thân thiện môi trường, có sức lan tỏa, kết nối cao.
|
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với lãnh đạo TPHCM cùng một số đại biểu dự đại hội khi xem sa bàn ý tưởng quy hoạch đô thị sáng tạo phía đông TPHCM - Ảnh: Ban tổ chức Đại hội cung cấp |
Cán bộ còn chùn tay, không dám quyết
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga phản bác. Bà Nga dẫn chứng, trước đây, TPHCM có rất nhiều cán bộ, lãnh đạo lợi dụng chức vụ để sai phạm trong xây dựng. Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị 23 về lập lại trật tự xây dựng và đã thu được những kết quả tích cực. Công tác nhân sự cũng là vấn đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TPHCM nêu rõ, trong thời gian qua, TPHCM đã xử lý kỷ luật 328 đảng viên, 378 công chức, viên chức vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Một số đại biểu cho rằng, dù tạo được sự đồng thuận của xã hội nhưng sự “thẳng tay” này đã khiến một bộ phận cán bộ không dám quyết, không dám nói và không dám hành động.
Theo đại biểu Phạm Thị Thành, việc áp dụng luật còn chồng chéo khiến cán bộ vi phạm. Bà Thành cho rằng, để cán bộ làm tốt hơn, cần có những cơ chế phát huy mạnh hơn vai trò giám sát, để khi phát hiện sai phạm, sẽ kiến nghị giải quyết ngay.
Theo một đại biểu (xin giấu tên), Đảng bộ TPHCM chủ trương phát huy năng lực của cán bộ, lãnh đạo trẻ, giao người trẻ những nhiệm vụ quan trọng nhưng quy trình cán bộ lại rườm rà và nhiều bước khiến việc thực hiện chủ trương trở nên không hiệu quả: “Muốn làm giám đốc, anh phải đi từ nhân viên, phó trưởng phòng, lên trưởng phòng, phó giám đốc, thậm chí phải điều chuyển nhiều nơi, mỗi vị trí có nhiệm kỳ 5 năm thì khi đạt đến chức vụ có thể phát huy năng lực, người ta đã không còn trẻ nữa”.
Tham dự tổ thảo luận số 1, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong chương trình phát triển nhân lực - văn hóa, có một nhánh là phát triển tài năng trẻ, cán bộ trẻ. Theo ông Nhân: “Năng lực quy hoạch cán bộ của TPHCM tương đối yếu”. Ông Nhân cho rằng, trong công tác cán bộ, để giúp cán bộ phát huy năng lực, ngoài bồi dưỡng, phát triển cán bộ trẻ, sự bố trí, điều chuyển, luân chuyển cán bộ cũng rất quan trọng.
Ông Nhân nêu ví dụ, tháng 7/2020, ông Trần Hoàng Quân - Chủ tịch UBND quận 4 - được điều động về giữ chức Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh. “Một chủ tịch quận nội thành ra làm bí thư một huyện ngoại thành đã lội bờ lội ruộng, đi gặp dân và lắng nghe, nhìn thấy bức xúc của dân trong vấn đề quy hoạch, sau đó về bàn với Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, tìm giải pháp tháo gỡ cho dân” - ông Nhân kể.
Theo ông Nhân, điều tiên quyết là mỗi cán bộ phải nhìn thấy nhu cầu của người dân, khó khăn của người dân và coi đó là trách nhiệm của mình để giải quyết. Người dân cũng có thể chỉ cho cán bộ, lãnh đạo giải pháp để tháo gỡ. “Tự mình thôi, không tìm ra đâu” - ông Nhân nói. Theo ông, việc thực hiện Chỉ thị 23 về lập lại trật tự xây dựng hay Chỉ thị 19 về vận động người dân không xả rác ra đường, kênh rạch là minh chứng về sức dân: “Ngay khi mình làm xong, rời đi thì cũng chính người dân giúp duy trì thành quả”.
Riêng nội dung cán bộ sai phạm khiến có sự chững lại, chùn tay trong công tác, ông Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn nhìn nhận, có sự co cụm này. Tuy nhiên, ông nhận định, mọi quyết định, hành động nếu vận dụng đúng pháp luật thì sẽ không bao giờ sai phạm. Đối với những trường hợp vận dụng đúng luật mà vẫn sai phạm, theo ông Nhân, một phần do tính tiên phong, đặc thù của TPHCM nên muốn làm đúng, sẽ phải chậm. Theo ông, nếu thấy khó giải quyết thì kiến nghị để cấp trên chỉ đạo tháo gỡ.
Theo một số đại biểu, dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng và văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TPHCM vẫn chưa thể hiện được tính dự báo đối với những diễn biến bất ngờ. Chẳng hạn, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế, lao động, thu nhập của TPHCM nói riêng, cả nước nói chung khiến nhiều chỉ tiêu không thể đạt. Từ bài học kinh nghiệm đó, tính dự báo, giải pháp trước tác nhân bất ngờ cần được thể hiện rõ trong các văn kiện đại hội để hạn chế sự bị động và hệ quả.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân:
Chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế để TPHCM phát triển nhanh hơn
Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI diễn ra trong không khí toàn đảng bộ và nhân dân TPHCM đang cùng cả nước nỗ lực, phấn đấu giành kết quả cao nhất trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2015-2020, chào mừng thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
TPHCM cùng cả nước đã đạt được những kết quả rất quan trọng và có ý nghĩa trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, khi thu nhập đầu người của ta thuộc loại trung bình thấp, nhưng Việt Nam thuộc một số ít nước trên thế giới được dự báo phát triển dương năm 2020.
5 năm qua, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thời cơ, đan xen những diễn biến phức tạp trên thế giới và khó khăn trong nước tác động bất lợi, đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã phát huy truyền thống cách mạng “bản lĩnh, kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình”, giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, hoàn thành 11/14 chỉ tiêu trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, trong đó có bốn chỉ tiêu vượt kế hoạch.
TPHCM là địa phương có năng suất lao động cao nhất, gấp 2,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước; công tác quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng, dịch vụ đô thị đạt nhiều kết quả thiết thực; văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển; chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội, có nhiều tiến bộ trong việc chăm lo đời sống cho các đối tượng nghèo, gia đình chính sách, có công.
TPHCM là địa phương đi đầu trong việc tiếp thu ý kiến của nhân dân, báo chí, các kết quả giám sát của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của hội đồng nhân dân, của đoàn đại biểu Quốc hội để xây dựng đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phòng, chống suy thoái, tham nhũng. Thái độ lắng nghe thể hiện qua việc Thành ủy TPHCM đã ban hành Quy định 1374 quy định cấp ủy các cấp phải lãnh đạo và giám sát việc tiếp nhận ý kiến của nhân dân. Qua đó, hơn hai năm qua, cấp ủy đảng toàn thành phố đã tiếp nhận 8.778 thông tin phản ánh và đã xử lý được 8.660 tin, đạt tỷ lệ 98,66% ý kiến phản ánh.
Về tổng thể, 5 năm qua, TPHCM đã giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh hơn, kinh tế tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, văn hóa, chất lượng đời sống người dân được nâng cao. GRDP trên đầu người của TPHCM là hơn 6.300 USD vào năm 2020.
Yếu kém lớn nhất của Đảng bộ TPHCM là chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của thành phố, của hợp tác vùng và hợp tác quốc tế để thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Công cuộc chống tham nhũng, suy thoái đã có tiến bộ nhưng chưa căn bản, chưa đáp ứng yêu cầu của đảng, của nhân dân và đòi hỏi phát triển của thành phố.
|
Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ ngày 14 - 18/10/2020
Theo chương trình dự kiến, ngày 16/10, đại hội nghe báo cáo về công tác nhân sự; thảo luận và biểu quyết số lượng Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI; thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI và tiến hành ứng cử, đề cử nhân sự ban chấp hành khóa mới. Tiếp đó, đại hội nghe báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận về dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; báo cáo tổng hợp thảo luận về văn kiện Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM; đoàn chủ tịch đại hội họp về công tác nhân sự và văn kiện Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, báo cáo kết quả làm việc về các trường hợp ứng cử, đề cử nhân sự Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI.
Ngày 17/10, Đoàn chủ tịch đại hội báo cáo những vấn đề quan trọng còn có những ý kiến khác nhau, những vấn đề cần tiếp thu, bổ sung vào nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM. Đại hội biểu quyết thông qua danh sách bầu cử Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI và tiến hành bầu cử. Sau đó, đại hội nghe công bố kết quả bầu cử Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI; bầu và công bố đại biểu Đảng bộ TPHCM dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tối 17/10, Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI tiến hành hội nghị lần thứ nhất.
Ngày 18/10, đại hội công bố kết quả bầu bổ sung đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (nếu có); công bố kết quả biểu quyết một số chỉ tiêu của Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI; biểu quyết thông qua nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI; ra mắt Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM khóa XI và đoàn đại biểu Đảng bộ TPHCM dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tuyết Dân - Đỗ Hoa