Thẳng thắn có tốt không?

16/04/2016 - 20:00

PNO - Em chỉ nói thật, nói thẳng thôi mà, sao mẹ không chịu được điều đó? Chẳng lẽ giờ em phải nói dối, để cho mọi người trong nhà vui?

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em 24 tuổi, chồng em 27 tuổi, vừa kết hôn được hơn một năm, tụi em đang sống cùng ba mẹ chồng. Tính em thẳng thắn, gặp việc gì không ưng ý là nói ra luôn. Hồi chưa cưới, chồng em cũng “kết” em về cái tính này. Vậy mà nay về sống với nhau, anh ấy nói em sao lúc nào cũng làm phật lòng người lớn. Ví dụ, em chưa muốn có con vì còn định đi học tiếp. Lúc ba mẹ nói xa nói gần, em nói luôn với ba mẹ là em uống thuốc ngừa thai thì làm sao có con được, ba năm nữa mới có.

Ba mẹ chồng em không nói gì, nhưng sau đó chồng em cằn nhằn em sao lại ăn nói như vậy. Em rất chán, sao ba mẹ không nói luôn là em đừng uống thuốc nữa, đừng đi học nữa, đẻ con ngay cho ông bà có cháu bồng? Mẹ chồng em có mấy bà bạn hay đến chơi, xét nét, buôn chuyện, mẹ cũng hay nói chuyện bà này bà kia, trong đó có một bà em rất ghét. Em nói với mẹ rằng, bà đấy dở hơi, mẹ đừng chơi nữa. Thế là mẹ giận.

Em đi về trễ, mẹ hỏi, em bảo tại gặp gỡ mấy đứa bạn thân hồi xưa cùng lớp, nói chuyện vui quá, chẳng muốn về. Lại giận. Em chỉ nói thật, nói thẳng thôi mà, sao mẹ không chịu được điều đó? Chẳng lẽ giờ em phải nói dối, để cho mọi người trong nhà vui? Lấy chồng, chứ có phải lấy gia đình chồng đâu, em đang định bảo chồng thôi cứ dọn ra ngoài ở, chứ sống mà phải uốn éo nhiều, mệt lắm.

Tường Khanh (TP.HCM)

Thang than co tot khong?
Ảnh mang tính minh họa

Em Tường Khanh thân mến,

Nói thẳng, nói thật là điều rất đáng quý. Nhưng nói phải có người nghe, khi lời nói của mình được tiếp nhận, quá trình giao tiếp mới diễn ra thành công. Chứ nếu nói thẳng mà người nghe bỏ ngoài tai mọi điều mình nói, thì cái thẳng, cái thật của mình phí mất. Vậy nên, mình nên điều chỉnh cách nói em ạ, mục tiêu không phải chỉ là cho vừa ý người nghe, mà trước hết là cho chính mình, để tăng thêm giá trị lời nói của mình. Ngoài tính cách rất đáng quý là mình nói chuyện thẳng thắn, nói thật, còn thêm là lời nói ấy lọt lỗ tai người nghe.

Tuổi trẻ nóng, thẳng và ít thận trọng chọn lời. Nhưng, các nghiên cứu cho thấy, người nghe tiếp nhận qua cách nói (46%), giọng nói (21%) và nội dung nói (33%). Vậy, mình có thể điều chỉnh từ cách nói: nói chậm hơn, trả lời từ tốn hơn, nghe hết câu hỏi rồi mới trả lời. Những biểu cảm như nụ cười, ánh mắt nên được chủ động thêm vào khi mình nói, để cách nói của mình hướng đến người nghe.

Đừng xẵng, đừng quăng lời nói ra mà không thèm nhìn mặt người nghe, đừng nói một cách gay gắt, đối đáp trả treo chan chát… Những yêu tố ngôn từ thể hiện tình cảm kính trọng, thương mến trong tiếng Việt như: à, ơi, nhé, nhỉ, nha… nên được sử dụng để làm mềm câu nói. Nói phải có chủ ngữ, nếu thêm vào chủ ngữ ấy những tình thái từ, khiến chủ ngữ trở thành dạng như: ba ơi, má ơi, thưa má, thì cách nói sẽ lễ phép hơn. Nếu sửa được cách nói, em sẽ thấy hiệu quả ngay.

Em đừng băn khoăn “chẳng lẽ phải nói dối…”, không ai bắt mình nói dối, nhưng sự thật, sự thẳng thắn của em cần đóng góp vào hòa khí trong gia đình. Cũng đừng coi đây là một kiểu ép mình, “làm dâu”. Ai cũng phải học, phải tự rèn luyện để hoàn thiện bản thân. Nói năng, trình bày làm sao để người nghe hiểu đúng về mình là việc phải rèn luyện suốt đời em ạ. Mình không tự sửa được thì ở chung hay ở riêng cũng không giải quyết được vấn đề, mình sẽ bị đụng chạm hết người này đến người khác chứ không chỉ riêng ba mẹ chồng. Chúc em thoải mái trong suy nghĩ, nói năng ngày một dễ nghe hơn, đạt được sự hòa thuận đáng quý trong gia đình.

Hạnh Dung

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI