PNO - Trong chương trình “Tháng khuyến mãi tập trung” tại TPHCM (bắt đầu từ ngày 15/6) năm nay, lần đầu tiên, tiểu thương các chợ được mời tham gia. Tuy nhiên, đa phần tiểu thương cho biết họ khó có thể tham gia.
Tiểu thương ngành hàng quần áo ở chợ Bà Chiểu cho biết khó tham gia “Tháng khuyến mãi tập trung” do giá hàng nhập vào cao, sức mua thấp
Tiểu thương khó giảm giá Năm nay, các đơn vị, thương nhân được phép khuyến mãi (KM) lên đến 100% giá trị hàng hóa. Một ngày trước khi đợt KM lớn nhất năm bắt đầu, chúng tôi ghi nhận, chỉ có các trung tâm thương mại, siêu thị lớn triển khai KM cho nhóm sản phẩm điện máy, thời trang, hóa mỹ phẩm, hàng thiết yếu… với mức giảm giá từ 10 - 80%. So với những chương trình KM mà các đơn vị này thường tổ chức, mức giảm giá đợt này sâu hơn và mở rộng ra nhiều nhóm hàng.
Trong khi đó, tiểu thương các chợ truyền thống như Bến Thành, Bà Chiểu, Tân Định, Phạm Văn Hai, Bình Thới cho biết, đã được thông tin về chương trình “Tháng KM tập trung” nhưng họ không tham gia. Từ khi có dịch COVID-19 đến nay, sức mua hàng ở chợ giảm hơn 50% và họ cũng không có cách nào để kéo khách đến chợ. Giá hàng hóa nhập vào lúc này đang tăng cao, họ chỉ cố gắng bán đúng giá chứ không thể giảm giá nhiều được, nên khó mà tham gia chương trình KM tập trung này. Chỉ một số tiểu thương kinh doanh nhóm hàng quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm có bán thêm hàng trên kênh online khá hào hứng tham gia chương trình KM.
Chị Nhi - chuyên bán túi xách ở chợ Bến Thành, Q.1 - cho biết chị có hai sạp bán hàng trực tiếp tại chợ nhưng sau dịch COVID-19, khách đến chợ thưa thớt nên chị cho thuê bớt một sạp, đồng thời bán thêm hàng trên Facebook, Zalo và mở gian hàng trực tuyến trên Shopee. Thường tham gia chương trình KM trên Shopee thấy hiệu quả, doanh số tăng nên chị Nhi cũng sẵn sàng tham gia “Tháng KM tập trung” cho cả khách mua online và khách mua trực tiếp.
Tuy nhiên, chị Nhi cho biết chị chỉ có thể giảm giá từ 10 - 20% chứ không thể cao hơn bởi mức lợi nhuận trên một món hàng chỉ khoảng 30%, nếu giảm giá nhiều sẽ không có lời: “Tiểu thương chúng tôi nhập hàng theo kiểu mua đứt bán đoạn chứ không được trả lại hàng tồn hay được nhà sản xuất hỗ trợ. Với những mẫu sản phẩm cũ, tôi chấp nhận bán giá vốn, giảm giá 30 - 50% để thu hồi vốn rồi nhập hàng mới”.
Tiểu thương ở hầu hết các chợ truyền thống cho biết, mãi lực yếu, nhiều sạp chịu lỗ trong thời gian dài nên khó có thể thăm gia khuyến mại
Các tiểu thương bán quần áo, giày dép ở chợ Tân Định (Q.1), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) có bán thêm trên kênh online cũng cho biết, sẽ giảm giá 10 - 20%. Riêng tiểu thương các ngành hàng thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, gia dụng thì không tham gia đợt KM tập trung này. Ban quản lý (BQL) các chợ đã phát loa tuyên truyền, vận động tiểu thương hưởng ứng, tham gia “Tháng KM tập trung” nhưng việc tham gia là tự nguyện và tùy theo khả năng của mỗi tiểu thương. Nhìn chung, đa số tiểu thương cam kết bán hàng đảm bảo chất lượng và bán đúng giá niêm yết nhưng không nhiều người giảm giá sản phẩm.
Khuyến mãi ở chợ không hiệu quả
Ông Thái Bình Sơn - Trưởng BQL chợ Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình - cho biết sức mua ở chợ thấp, tiểu thương buôn bán khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao nên tiểu thương khó KM, giảm giá sản phẩm. BQL chợ cũng từng tổ chức KM định kỳ vào tháng Mười hằng năm nhưng hiệu quả kích cầu kém, tiểu thương tham gia ngày càng thưa thớt.
“Trong các đợt BQL chợ tổ chức KM, chỉ tiểu thương các ngành hàng quần áo, giày dép, túi xách tham gia, nhưng một số sạp cũng không KM thực chất nên sức mua cũng không cao. Sức mua của ngành hàng thực phẩm thì đang quá yếu, đa số tiểu thương ra ngoài bán hoặc bán tại nhà. Toàn chợ có hơn 1.688 sạp nhưng hiện chỉ còn khoảng hơn 1.000 sạp kinh doanh. Tiểu thương nào tham gia chương trình KM thì phải KM thực chất, mới mong thu hút khách mua hàng, nếu không làm được thì không nên tham gia. BQL chủ yếu vận động tiểu thương bán hàng đúng giá. Tiểu thương chợ không thể cạnh tranh với siêu thị, cửa hàng tiện lợi bởi không được nhà sản xuất hỗ trợ gì cả” - ông Thái Bình Sơn nói.
Ông Đỗ Quốc Tiến - Phó trưởng BQL chợ Bình Thới, Q.11 - cũng cho biết Phòng Kinh tế Q.11 đã phát động tiểu thương tham gia chương trình KM, nhưng phần lớn tiểu thương than khó giảm giá do giá mua vào tăng. Hơn nữa, họ không bán được hàng, không có lợi nhuận mà giảm giá nữa thì lỗ.
Thừa nhận thực tế trên, ông Hà Ngọc Sơn - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TPHCM - cho biết tiểu thương hưởng ứng “Tháng KM tập trung” chưa nhiều. Sở phối hợp UBND các quận, huyện triển khai KM thêm ở kênh chợ để kích cầu tiêu dùng nhưng cũng không kỳ vọng nhiều bởi sức mua ở chợ đang rất yếu. Riêng các doanh nghiệp sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng đăng ký tham gia chương trình này khá nhiều và mức KM lên đến 100%.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM - nhìn nhận: “Sức mua của người dân TPHCM hiện nay vẫn còn thấp, vật giá tăng liên tục đã tác động lớn đến các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Để kích cầu tiêu dùng, tăng doanh số, các đơn vị kinh doanh, sản xuất sẽ phải cố gắng tiết giảm chi phí đầu vào để giảm giá và giữ giá bán”.
Theo lãnh đạo Sở Công thương TPHCM, “Tháng KM tập trung” góp phần xây dựng TPHCM trở thành trung tâm mua sắm hiện đại, hấp dẫn; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Chương trình năm nay có sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành công thương, du lịch, văn hóa, y tế để đem đến cho người dân nhiều sản phẩm chất lượng, giá ưu đãi, từng bước tạo thành mùa mua sắm thường niên. Lực lượng chức năng sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện KM, đảm bảo chương trình được thực hiện đúng mục đích, có hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thương nhân và người tiêu dùng.
Cú bứt tốc ngoạn mục vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường của VinFast đã truyền cảm hứng để ngày càng nhiều khách hàng tin tưởng, chuyển đổi sang xe điện...
Đón Black Friday, 800 điểm bán trên toàn quốc của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket… thực hiện giảm giá từ 50% trở lên.