1. Nhạc ông Lê Uyên Phương viết ra đã “đo ni đóng giày” cho Lê Uyên hát nên mặc nhiên nhạc Lê Uyên Phương phải do Lê Uyên hát mới hay - tựa hồ một mệnh đề vốn dĩ/phải thế mới đúng cái điệu, mới ra cái chất xôn xao, mê say nhưng bàng hoàng, rình rập thú đau thương, héo hon vì mong manh ấy. Vì thế, người ta chỉ dám rón rén hát, rón rén rưng rức trong cái không gian âm nhạc nồng nàn tình ái hết sức riêng tư đó một, hai bài. Nhiều lắm thời đó, cỡ… Khánh Ly. Lứa sau này ra cả album nhạc Lê Uyên Phương, có ca sĩ Trần Thái Hòa. Trước Thắng, có Thái Thùy Linh. Nhưng dầu thế, so với số lượng ca sĩ cover nhạc tình của các nhạc sĩ khác, người ra cả album về nhạc Lê Uyên Phương không nhiều, nếu không muốn nói là đếm trên đầu ngón tay.
|
|
Biết nói chi đây khi cái con người ấy yêu những tình khúc buồn kể cả khi chưa biết buồn. “Nghe lỏm và yêu” - như Thắng kể: “Giời ơi! Một đứa oắt con 12, 13 tuổi thì hiểu gì chuyện tình yêu tình báo hả giời!”. Nhưng từ chiếc đài Nga cũ kỹ của bố Lập (bố của Thắng), từ rất nhiều băng đĩa nhựa mang từ miền Nam ra đất Bắc một cách thần kỳ, băng qua khói đạn chiến tranh, những năm đầu đổi mới nhiều khó khăn, Thắng đến với nhạc tình và “lọt hố” một cách thật tự nhiên, thật tình cờ. Anh nghe Khánh Ly, Thái Thanh, Thanh Tuyền… ca. Dĩ nhiên, không thể không có nhạc Lê Uyên Phương.
Để rồi, không biết may hay rủi cho cái gọi là số kiếp? Người ta gọi Thắng là MC quốc dân, MC có chất giọng “vàng” trong làng VTV; mấy ông đại gia lấy tiền “đè” người còn Thắng có chất giọng “đè” thiên hạ. Đi đến đâu, chẳng cần nhìn mặt, mới nghe cái giọng cất lên, người ta nhận ra ngay Nguyễn Hữu Chiến Thắng - “gã MC điêu ngoa nhất Việt Nam”. Nghề MC là “cần câu cơm” nhưng thứ khiến anh rút ruột, để tâm, chẳng biết có làm nên cơm cháo gì không mà vẫn lao vào, chẳng cần biết có ngày sau, lại là nhạc tình.
Thắng không biết bản thân có cực đoan quá không khi nhất định không hát bất kỳ ca khúc nào ngoài nhạc tình, khi thây kệ thiên hạ đang sôi sục vì đủ loại trào lưu; còn Thắng chỉ biết thủ thỉ những lời yêu. Để rồi, dù có khi tình ca là những giọt lệ thì vẫn yêu, bởi càng lớn, anh “càng thấy nước mắt thật thà sao mà khó kiếm”.
Thắng nói, ca khúc Việt, “nếu đọng lại trong trí nhớ tồi tàn của Thắng, bao giờ cũng là tình ca”. Tình ca là bờ, cũng là bến; là nơi bắt đầu, cũng là nơi sau rốt. Mỗi bài hát là một tâm trạng, điều đó là hiển nhiên nhưng liệu khi đi hết những bài tình ca, người ta có thể rút ra đáp án cho câu hỏi: Tình là gì? Thắng e rằng không. Viết và hát tình ca cũng như đang trong một cuộc yêu. Không ai lý giải tại sao, khi nào, như thế nào, từ đâu và bao lâu.... Yêu là yêu thôi. Và yêu là hát lên bài tình ca nhỏ.
|
Mỗi ca khúc của Lê Uyên Phương như một trang nhật ký thổn thức còn Thắng là người kể lại bằng tiếng hát |
Vì thế, đừng thắc mắc vì sao, “giọng ca nhỏ” Nguyễn Hữu Chiến Thắng lại “cả gan” làm một album nhạc Lê Uyên Phương. Thứ âm nhạc riêng tư của Lê Uyên - Phương ấy, cái “thứ tiếng nói mới đó, những “chansons de sanglot” (bài hát thổn thức) đó không biểu tỏ gì khác hơn là hạnh phúc ái tình giống như một hòn đảo mịt mù sương trong cơn giông thời đại” (dẫn theo lời nhạc sĩ Cung Tiến), đã trở thành một khối tình riêng - chung. Trong Phương có Lê Uyên và ngược lại; trong Lê Uyên - Phương, có Thắng, có những khán giả mộ điệu âm nhạc Lê Uyên - Phương.
Nói cho cùng, Thắng cũng chỉ là một khán giả vì yêu mà đến, vì yêu mà hát lên tiếng hát khe khẽ bên cạnh cuộc tình của họ. Tình riêng trong biển rộng sông dài của thời cuộc. Cứ hát, dầu không là khuôn vàng thước ngọc, dầu không phải đo ni đóng giày, để tình khúc còn được sống mãi, để kể cho con người, đàn đàn lớp lớp về một bài ca hạnh ngộ của kiếp làm người “vào cuộc đời sỏi đá, biết mình si mê” (Buồn đến bao giờ).
Trong bìa đĩa, anh viết: “Tôi chỉ là kẻ hậu sinh, ngưỡng vọng về miền nhạc Lê Uyên Phương với niềm say mê, hát lên bằng nỗi khờ khạo từ đời sống mình. Và chỉ thế thôi”.
2. Trong album Thắng hát Lê Uyên Phương, Thắng hát sáu ca khúc độc lập, bên cạnh một liên khúc gồm ba bài khác. Đa số là những ca khúc quen như Bài ca hạnh ngộ, Dạ khúc cho tình nhân, Vũng lầy của chúng ta, Lời gọi chân mây, Buồn đến bao giờ. Có một ca khúc ngoài Lê Uyên, chưa thấy ai trình bày thêm là Chiều phi trường.
Mỗi ca khúc của Lê Uyên Phương như một trang nhật ký thổn thức; Thắng là người kể lại bằng tiếng hát. Có sao thì kể vậy. Chẳng cần phải sửa soạn gì nhiều cho cam. Giản dị vậy thôi. Như cách Thắng đặt tên album là Thắng hát Lê Uyên Phương. Như phần hòa âm phối khí được Thiện Bass xử lý khá tối giản; Tuấn Thành “gia giảm” một chút phong vị pop để album không quá cũ mà vẫn gợi ra được không khí thời điểm những tình khúc này ra đời. Một album không có gì sốc hay phá cách. Một giọng hát nam trung, trầm trầm, ấm ấm, tình cảm. Một album lấy chất thô sơ, mộc mạc để trình diện mình.
Không được đào tạo thanh nhạc bài bản, Nguyễn Hữu Chiến Thắng đúng kiểu “tay ngang” bước vào cõi tình. Dầu đã “nhẵn mặt” tại các phòng trà Hà Nội nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ Thắng “dám” nhận là ca sĩ. Anh chỉ nhận: “Đời này kiếp này/ Em chỉ là một con hát/ Chính mình vĩnh viễn rơi lệ trong câu chuyện của người khác” (Tịch Mộ Dung). Đây lại là album cá nhân đầu tay mang theo bao hồi hộp, rón rén của một kẻ lần đầu. Lần đầu - chỉ mang tính chào hỏi. Con đường MC đã định hình xong nhưng con đường âm nhạc của Thắng vừa bắt đầu. Thắng là một người rất mới nhưng đầy ắp tình yêu nhạc tình trên con đường âm nhạc.
Cũng đừng ai hỏi, ra cả một album nhạc Lê Uyên Phương, Thắng muốn chơi trội ư. Thắng biết thân biết phận lắm. Nhưng, cứ cần mẫn trong thế giới ấy, không phải là kẻ trong cuộc, cũng xin là một kẻ ngoại cuộc si mê, chẳng phải vì cái mong cầu nổi tiếng sáng lòa nào. Hát vì lòng mình muốn cất tiếng ca. Hát vì lòng ái mộ. Hát để được là mình.
Thắng là dân Bắc rặt. Trong cái không khí có phần nghiêm ngắn, lắm khi mực thước quá của âm nhạc miền Bắc; âm nhạc Lê Uyên Phương từ miền Nam như một cơn gió dại, phóng khoáng thổi tràn. Việc ra mắt album nhạc Lê Uyên Phương tại xứ Bắc, theo một góc nhìn nào đó, là một điều khá thú vị cho thấy tính không thời gian, không ranh giới vùng miền, lãnh thổ… của âm nhạc.
3. Thắng hay nói, hát để tìm lại nhau. Tìm lại nhau ấy, nói một cách khác nữa, là tìm lại mình. Vì trong âm nhạc, cái tình là thật. Cái tình tự cất mà chẳng có thứ kỹ thuật thanh nhạc nào có thể che đi được.
Công việc làm báo cuốn đi biết bao điều nhưng Thắng vẫn kịp trở thành một con chiên ngoại đạo trước Chúa. Chúa cho Thắng chất giọng dẫn chương trình đi vào huyền thoại và cho Thắng cả một lòng mê hát, mê chơi. Nhiều năm về trước, trong một bài viết chân dung, tôi từng gọi Thắng là “sầu nữ trong thế giới nhạc tình”, nói về cái chút tình mọn nhưng là chút tình không lối thoát trong thế giới âm nhạc ấy. Thắng nói, Thắng chỉ là một con hát mà thôi. May quá, từ đó tới nay, 7-8 năm đã trôi qua, đời còn dễ thương hết biết khi “người về qua sông vẫn còn nhớ giấc đầu”.
Cốc Vũ