Quê tôi, mùa tết cũng là mùa nhiều gió. Ngày xưa, thời còn bà ngoại, đầu năm kiêng cữ quét dọn mà gió thổi lá rụng quá chừng, khiến đi trong vườn như bước trên một tấm thảm xốp.
|
Ảnh minh họa |
Nay thì mẹ xuôi tai theo chị em tôi, đành là có kiêng có lành nhưng kiêng sao cho có lý, chứ để cho nhà cửa vườn tược đầy rác thì chẳng khác nào biến tháng Giêng thành… tháng rác sao. Dù vậy, khu vườn tháng Giêng vẫn ngập lá rụng, vì quét xong dồn đống, chưa kịp hốt vô bao thì gió đã thổi tung tóe.
Tháng Giêng, cầm chổi ra vườn quét lá và lá cứ rập rờn quanh chân. Chị em tôi cười ha ha suy luận, có lẽ hồi đó kiêng cữ chỉ là cái cớ để bà ngoại phân bua cho khu vườn đầy lá mà thôi. Mẹ vội “suỵt”, không phải vì con gái thì không được cười to mà vì mẹ sợ cây chuối giật mình, chính xác hơn là mẹ sợ mấy tàu lá chuối giật mình.
Vậy, còn nồi bánh tét chay để cúng Nguyên tiêu, mà gió thổi lá chuối rách tươm. Chị tôi vốn tỉ mỉ nên nhận phần “mót lá chuối”. Phần tôi đem lá ra sân hong nắng, cho lá mềm hiu hiu, để khi gói bánh không bị gãy. Tôi cũng kiêm luôn nhiệm vụ lau lá.
Nồi bánh tét chay để cúng rằm tháng Giêng không phải cáng đáng thêm những bận bịu đó nên chỉ có một việc là gói bánh. Không khí dịu nhẹ như thể cả nhà được ăn tết thêm lần nữa mà không phải lo toan gì, chỉ tận hưởng thôi. Mùi nếp, mùi đậu thơm thơm. Lá chuối cũng thơm thơm.
Cũng là gói bánh tét mà công việc này khi làm trước tết thì không khí khá chộn rộn, bởi ai cũng tất bật vì nhiều việc dồn lại một lúc. Nào là áo quần, giày dép mới cho con cháu, nào là chợ búa cuối năm đầu năm và dọn dẹp nhà cửa, rồi thì lễ nghĩa hai bên nội ngoại, rồi cúng tất niên, mang hoa ra nghĩa trang thắp nhang cho ông bà đã khuất…
Mẹ thong thả trải từng lớp lá rồi xúc chén nếp trộn với đậu trắng rải đều lên. Thích nhất là khi mẹ lăn tròn đòn bánh xong thì chuyền cho ba cột lạt. Những ngón tay đàn ông mạnh mẽ siết sợi dây lạt thật chặt để khi luộc đòn bánh không bị vô nước, mà nếu siết mạnh quá tay thì đòn bánh sẽ không tròn đều.
Chị tôi vốn được khen khéo tay mà đòn bánh của chị thế nào cũng bị đầu to đầu nhỏ, có khi khúc giữa bị phình ra. Nhìn ba cười con gái (thời nay) vụng về, chị nói vào tai tôi mà cố ý để mẹ nghe: “Ông bà ta nói lạt mềm buộc chặt, nên đâu dễ buộc phải không”. Mẹ liếc nhìn ba, nụ cười thoáng qua môi mẹ đầy ẩn ý. Ba “hừm” một tiếng trong cổ. Cả nhà cười vang.
Nếu không trùng Chủ nhật chị em tôi nghỉ học thì mẹ sẽ bày cuộc gói bánh ngày rằm vào buổi tối để có chị em tôi ở nhà. Sau này, khi đã là người phụ nữ của gia đình, tôi mới hiểu ý mẹ. Giữa gian bếp sạch, sáng loáng, vì tất cả nồi niêu vừa được chà rửa hôm cuối năm; cả nhà tôi bên nhau nghe bài hát mùa xuân, trêu chọc và nhắc lại cho nhau nghe những điều mà ba ngày tết tất bật chưa kịp nói rõ. Chỉ gia đình mình với nhau thôi.
|
Ảnh minh họa |
Đôi khi, thời khắc quây quần riêng tư đầu năm đó bị “phá bĩnh” vì có người họ hàng thăm tết muộn, bởi đi làm ăn xa. Chậu hoa cúc đại đóa trưng trên thềm từ chiều 30 vẫn còn rộ đóa vàng, khiến cho không gian quanh nó bừng lên rực rỡ. Người khách khẽ kêu lên: “Hoa vẫn còn đẹp ghê” và phân bua cho cuộc thăm viếng muộn “tết từ mùng Một tới… rằm”.
Về thành phố học đại học, rồi đi làm; lâu rồi tôi không được gói bánh tét cúng rằm tháng Giêng với mẹ. Lập gia đình, chồng tôi là người nặng tình với quê quán, nên đồng ý ngay với “giao ước” của tôi: năm nay về nội ăn tết thì năm sau về ngoại. Nhưng chỉ được vậy mà thôi, mùng Bốn tết đã lên xe trở lại thành phố để đi làm và vòng quay cuộc sống cuốn tôi đi. Cho tới tối 13 tháng Giêng, ông tài xế xe quen gõ cửa nhà tôi, đưa mấy đòn bánh tét chay mẹ gửi, để kịp sáng mai cúng rằm.
Năm nay, vợ chồng tôi ăn tết bên nội. Mấy đòn bánh tét chay khiến mọi bận bịu thường ngày ngừng lại, cho tôi khóc một trận nhớ nhà. Tôi hình dung ba mẹ bên nhau trong căn bếp tháng Giêng đằm thắm dịu nhẹ. Và trước đó nữa, mẹ giành phần ra vườn rọc lá chuối vì sợ bước chân đàn ông khiến tàu lá chuối giật mình, rách bươm thêm nữa. Mẹ khẽ khàng đi trên thảm lá xốp, mặc cho gió mùa thổi tung xào xạc…
“Mẹ ơi…”, cu Bi gọi to, phụng phịu. À, tôi miên man trong nỗi nhớ mà quên là đã tới giờ kể chuyện cổ tích cho con nghe. Tôi ôm con vào lòng, nhìn quanh căn bếp của mình. Dù về quê, nhưng ngày tết không thể không mua sắm, nên bánh mứt, giò chả vẫn ngồn ngộn. Chúng nhắc nhớ buổi chiều vợ chồng tôi dắt hai con đi siêu thị, chợ tết và tranh thủ cho con đi dạo chơi. Vậy thôi. Có gì để hai đứa con của tôi nhung nhớ không? Hay chỉ là một lần đi siêu thị như bao lần khác?
Bi à, ngày xửa ngày xưa, tôi thủ thỉ, có một khu vườn…
Nguyên Hương