Nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân tăng cao trong những năm gần đây, giá điện được điều chỉnh nhưng các bậc giá điện vẫn giữ nguyên. Với thang giá điện hiện hành, lượng điện tiêu thụ của một gia đình thường nằm ở bốn bậc cuối nên giá điện trong hóa đơn tăng cao. “Đây là biểu giá điện bất hợp lý” là nhận định của phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).
|
Thang giá bất hợp lý đẩy khoản tiền điện phải đóng lên cao ngất ngưỡng
|
Người dân phải trả mức giá cao hơn mức bình quân
Theo biểu giá điện mới, mức tăng giá điện ít nhất là 8,33%, còn trên thực tế, tiền điện sinh hoạt của nhiều gia đình tháng vừa qua tăng gấp 3 - 4 lần so với các tháng trước. Ngành điện lực đã nêu các nguyên nhân góp phần tăng giá điện, chẳng hạn như do lượng điện tiêu thụ tăng nhằm chống nóng, nhưng các lý do này vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục được người tiêu dùng. Một trong những điều gây tranh cãi chính là việc tính giá điện theo bậc thang như hiện nay.
Từ năm 2013 đến nay, Bộ Công thương quyết định tính giá điện theo sáu bậc tiêu thụ khác nhau: từ 0 - 50 kWh, 51 - 100 kWh, 101 - 200 kWh, 201 - 300 kWh, 301 - 400 kWh, 401 kWh trở lên. Cách tính bậc thang như trên được kỳ vọng sẽ có lợi cho người có thu nhập thấp vì cơ quan chức năng tính toán rằng, nhóm này sẽ sử dụng điện ở mức dưới 100 kWh nên chỉ trả tiền điện ở bậc I và II, thấp hơn giá bình quân. Ngược lại, những gia đình có mức sử dụng lượng điện càng cao thì phải trả giá điện theo mức cao hơn. Hiện nay, giá điện ở bậc thang cao nhất (bậc VI) là 2.927 đồng/kWh.
Theo các chuyên gia, nhu cầu sử dụng điện của người dân thay đổi theo hướng tăng qua từng năm, nhưng 6 năm qua, bậc thang tính giá điện vẫn giữ nguyên. Chẳng hạn như hiện nay, ngay cả người có thu nhập thấp cũng có nhu cầu xem ti vi, sạc điện thoại, dùng điện để nấu ăn chứ không chỉ dùng điện để thắp sáng như trước.
|
Bảng tính tiền điện này thể hiện, điện sinh hoạt của một gia đình thường rơi vào bốn bậc giá cuối - Ảnh: Sơn Vinh |
Trích xuất hóa đơn tiền điện của một gia đình ba người ở chung cư tại Q.Bình Tân
(TP.HCM), chúng tôi nhận thấy, gia đình này tiêu thụ điện từ bậc IV trở đi. Có nhiều sự tác động dẫn đến hóa đơn tiền điện tháng Tư tăng đến 35% như thừa nhận của ngành điện lực, nhưng rõ ràng, cách tính lũy tiến theo thang cũ khi nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao hơn 6 năm trước đã tác động rất lớn đến mức tiền điện phải trả hằng tháng.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long, nếu tổng số điện sử dụng trong tháng Ba và tháng Tư bằng nhau thì đúng là giá điện bình quân chỉ tăng 8,36%, nhưng nếu tính theo bậc thang lũy tiến (hai bậc đầu thấp hơn giá điện bình quân, còn từ bậc III đến bậc VI cao hơn giá điện bình quân) thì giá điện thực tế đang tăng ở mức 40 - 70%. Các bộ ngành đưa ra bậc thang lũy tiến là nhằm đảm bảo an sinh xã hội và hạn chế người dân sử dụng điện do nhu cầu năng lượng lớn nhưng nguồn điện có hạn, đồng thời việc sản xuất điện làm tăng chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Một số ý kiến cho rằng, khi người dân sử dụng điện nhiều, rơi vào bậc có giá điện cao, phải chịu mức giá tăng 40 - 70% là đương nhiên. Tuy nhiên, so sánh sự chênh nhau giữa các bậc thì bậc IV, bậc V, bậc VI có giá điện cao hơn giá điện bình quân quá nhiều, trong khi bậc III và bậc IV cũng tăng 1,34 lần, tức gần 40% so với mức bình quân.
Ông Nguyễn Ngọc Chu - Phó chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam - cho rằng, trước khi tăng giá, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã không đủ dũng cảm để bóc tách thực tế tăng giá điện lũy tiến so với mức cơ sở. Người tiêu dùng ở bậc VI (từ 401 kWh trở lên) phải trả đến 2.927 đồng/kWh, tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng), và tăng đến 15% so với cùng bậc khi chưa tăng giá (chứ không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua). Như vậy, thực chất, mức tăng mới ở bậc III là 10%, bậc IV là 12,7%, bậc V là 14,2% và bậc VI là 15%, khác với mức 8,33 - 8,40% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt. Do đó, phần lớn người dân phải chịu mức tăng lũy tiến ở các bậc là 130%, 163%, 183% và 189% so với mức cơ sở trước thời điểm tăng giá.
Để tạo sự công bằng, hợp lý, cần phải sửa biểu giá điện trên. “Theo quan điểm riêng tôi, có thể chia điện càng nhiều bậc càng tốt, nhưng điều quan trọng là mỗi bậc cách nhau bao nhiêu. Giá ở các bậc không được cao hơn quá nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân” - phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long đề xuất.
Giá thành rẻ nhưng cứ đòi tăng giá bán
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long, “giá điện Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác trong khu vực” là sự so sánh khập khiễng, không đúng. Ông Long viện dẫn, theo số liệu trang Vietstock.vn thì năm 2015, điện Việt Nam có giá bán 7,58 cent/kWh (1 cent = 0,23562 VNĐ), Mỹ có giá bán 10,2 cent/kWh. Khi đó, giá điện Trung Quốc từ 7,5 - 10,7 cent/kWh, Pháp 15,85 cent/kWh, Na Uy 16,58 cent/kWh… Đây là so sánh tuyệt đối, nghĩa là không tính đến điều kiện sản xuất và Bộ Công thương đã lấy sự so sánh giá này để làm cơ sở hoạch định việc tăng giá điện. Tuy nhiên, cách làm này phản khoa học mà lẽ ra, phải dùng phép so sánh chi phí để tạo ra một đơn vị điện năng của từng nước.
|
Người có thu nhập thấp đang “quá tải chi phí” khi giá điện tăng cao Ảnh: Sơn Vinh |
Chẳng hạn, giá điện Việt Nam thấp hơn Mỹ khoảng 0,7 lần nhưng các chi phí để làm ra 1 kWh điện của Việt Nam thấp hơn của Mỹ hàng chục lần. Chẳng hạn, mức lương của kỹ sư điện Việt Nam chỉ cỡ 800 USD/tháng nhưng kỹ sư điện Mỹ lên đến 7.000 USD/tháng, lương kỹ sư tin học lên đến 9.000 USD/tháng. Chúng ta có thể dẫn chứng nhiều chi phí sản xuất khác ở Mỹ và Việt Nam để thấy rằng, để sản xuất ra cùng 1 kWh điện, các khoản chi phí ở Việt Nam đều thấp hơn Mỹ nhiều lần, trong khi giá thành điện chỉ thấp hơn 0,7 lần. Vậy thì giá điện Việt Nam cao hay thấp? Tương tự, giá điện các nước Pháp hay Na Uy chỉ cao gấp đôi Việt Nam nhưng các chi phí khác của họ cũng cao hơn gấp hàng chục lần.
Ngoài chi phí rẻ, hiện nay, ngành điện Việt Nam được thừa hưởng nhiều quyền lợi để có thể kéo giá điện xuống thấp hơn nhiều nữa. Có thể kể, Việt Nam đang dùng nhiều điện từ thủy điện với giá thấp. Số liệu cho thấy năm 2015, lượng điện từ thủy điện của Việt nam chiếm đến gần 35% tổng lượng điện tiêu thụ. Các nhà máy thủy điện lớn ở Việt Nam đa phần được xây dựng từ khá lâu, đến nay, nhiều công trình đã hoàn vốn. Mặt khác, các công trình thủy điện Việt Nam thường dùng nguồn vốn ưu đãi, chi phí bồi thường giải tỏa không cao do một phần là đất công, phần khác nhân dân chấp nhận hy sinh. Theo tài liệu của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, giá thành điện sản xuất từ thủy điện Việt Nam chỉ bằng 15 - 20% giá thành từ nhiệt điện.
Những năm gần đây Việt Nam sử dụng khoảng 30 - 50% nhiệt điện dùng khí đốt từ nguồn khí đốt khai thác tại chỗ của Việt Nam nên có lợi thế rất lớn để giảm giá thành điện. Về mặt truyền tải điện thì EVN cũng được thừa hưởng hệ thống truyền tải có sẵn từ trước ở hai miền với hệ thống các đường dây 220 kV, đặc biệt đường dây kết nối Bắc - Nam 500 kV được đầu tư bằng sức người của cả nước, không phải tính vào giá thành sản xuất như các nước tư bản. Về cơ sở vật chất như đất đai, nhà xưởng thì EVN cũng được cấp. Như vậy, EVN đã làm gì để giá bán điện Việt Nam cao lên gần bằng giá bán điện của Mỹ mà còn đòi tăng thêm?
Chính sách cho người sử dụng điện cũng là vấn đề đáng bàn. Tại Việt Nam, nhà nghèo đóng tiền điện với mức giá như nhà giàu, tỉnh miền núi cũng đóng tiền điện bằng giá như ở thành phố lớn. Nhà có thu nhập 10 triệu đồng/tháng cũng è cổ đóng hóa đơn điện, nước y hệt biểu giá dành cho người có thu nhập 100 triệu đồng/tháng. Như vậy có công bằng và hợp lý không? Tại Mỹ, các tiểu bang đều có chính sách giảm giá, riêng tại California, ngoài chính sách hỗ trợ của chính quyền bang, các công ty điện lực còn có chương trình giảm giá riêng biệt, được áp dụng tùy thành phố. Với khách hàng của Công ty Palo Alto City, người bệnh tật có thể được giảm đến 20% hóa đơn điện, nước và khí đốt; với khách hàng của Công ty Ukiah, người già có thể được giảm tối đa 25 USD/tháng và gia đình thu nhập thấp được giảm tối đa 20 USD/tháng. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện địa phương và tổ chức phi lợi nhuận, người nghèo có thể được hỗ trợ đến 200 USD/năm trong hóa đơn tiền điện không chi trả nổi.
“Ưu thế của Việt Nam như thế nào thì phải tạo điều kiện cho giá hợp lý, chứ không phải so sánh đầu ra rồi nâng giá lên. Điện là lĩnh vực độc quyền, mà độc quyền thì do nhà nước định giá, mà đã định giá thì phải sát với giá thị trường” - phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long nói.
Hơn 13.000 khách hàng có ý kiến về tiền điện tháng Tư
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ ngày 20/3 - 26/4, đơn vị này đã tiếp nhận trên 13.000 ý kiến của khách hàng về tiền điện. Các thắc mắc này đều được ngành điện tổ chức kiểm tra, xác minh và giải quyết kịp thời. Theo hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình, tính đến ngày 26/4/2019, có trên 57% trong tổng số khách hàng tại TP.Hà Nội có mức sử dụng điện tháng Tư tăng trên 30% so với tháng Ba và tỷ lệ khách hàng tương ứng ở TP.HCM là trên 47%.
|
Thanh Hoa - Sơn Vinh