Tháng Chạp xưa

13/01/2022 - 22:17

PNO - Mỗi năm, vào mùa này, tôi lại ngóng tiếng chim báo hiệu mùa vui, già rồi mà nỗi chờ mong xuân về tết đến trong tôi vẫn còn da diết.

Má tôi người Sài Gòn về làm dâu miền Tây, nhưng má cũng biết nhìn trăng sao đoán mưa nắng. Mùa nước đổ (từ tháng Bảy âm lịch), nhìn màu nước “dự báo” là năm đó sẽ “ngập” nhiều hay ít. 

Bà nội kể, ngày đám cưới cả làng đến coi mặt má. Ai cũng trầm trồ cô dâu thành thị rất đẹp, rất sang. Vậy mà chỉ một thời gian, má đã là một nông dân chính hiệu: chân đất lội ruộng cùng bà nội gặt lúa, tỉa đậu. Giày cườm cao gót, hộp phấn, thỏi son má xếp góc tủ. Mùa nước rút, má biết sàng đất cho mịn, gom phân hữu cơ, xé lá chuối, ghim bầu ươm cây giống cho bí, mướp, cà chua…

Nhiều lần tôi cùng má đi mua cây chuối làm thức ăn cho heo, đến khúc rạch cạn, xuồng không bơi qua được, phải đậu lại chờ con nước lớn. Hai bên bờ rạch, hoa bằng lăng nở tím… Thật khó quên một buổi chiều êm đềm bên má, trong tiếng kêu bìm bịp vẳng lại từ xa…

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

 

Bầy heo lớn lên, cha tôi lấy ghe chở ra chợ Long Xuyên (An Giang) bán. Tháng Chạp trời lành lạnh, sương mù dày đặc không thấy bờ bến. Thay vì xuôi về tỉnh lị, cha lại đi lạc lên phía đình cũ. Một phen hú vía, nhưng thật vui và thú vị, vì được má “cải thiện” một bữa: hủ tíu, bánh mì, cà rem… Những món không có ở quê lúc đó.

Mọi người lên dạo chợ, mình tôi ở lại giữ ghe. Bến sông nhộn nhịp, người lên kẻ xuống gánh gồng hàng hóa. Chợt thấy một người rất lạ, da trắng mà tóc thì vàng hoe, mắt lại xanh lơ, đang ngồi cạp lấy cạp để trái bắp trên bậc đá. Tôi sợ quá khóc điếng lên, len lén quay lại nhìn rồi lại khóc… Vừa kịp má xuống tới, hỏi ra, má nói: “Con sợ thì đừng nhìn họ”.

Thì ra đó là một ông Tây tôi mới thấy lần đầu. Trẻ nhỏ nơi vùng sâu vùng xa thuở đó (năm 1946), khờ ịt hà. Nhớ lại, thấy ngô nghê, ngốc nghếch đến bật cười.

Hai mươi tháng Chạp cũng là ngày Kỳ yên chạp miễu, cầu cho quốc thái dân an. Đêm lạnh, má đánh thức con dậy học bài rồi nhóm lửa nấu xôi. Mờ sáng, người người lần lượt hướng về đình làng, đầu đội mâm xôi đơm rất khéo, tròn, hình chiếc bát úp. Xế trưa cúng kiếng xong, ra về ai cũng được “lại quả” một nửa. Đó là điều mà đứa trẻ nào cũng thấp thỏm chờ đợi từ nhiều ngày.

Lễ hội cúng đình là một ngày đáng nhớ với bọn nhóc chúng tôi: Được ăn uống thỏa thích, được xem học trò lễ múa hát, rước kiệu, chiêng trống vang lừng… Một ngày để cả làng ai cũng cởi mở, hào phóng. Vui như hội!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Hồi đó, hễ trời sang xuân, có con chim tu hú bay về đậu trên cây gáo sau nhà, cất tiếng kêu reo vui vang động cả một vùng. Tôi ghẹo nó, bắt chước tiếng kêu tu hú tu hú. Nó nghiêng đầu nhìn rồi kêu thật to lên. Tôi cố kêu lớn hơn nữa. Nó im lặng, có vẻ tức tối nhìn tôi rồi đập cánh bay vù đi. Tôi nhớ con chim nhỏ, bay đi biền biệt, không thèm trở lại quê tôi. Nó giận tôi hay bị săn bắt rồi?

Mỗi năm, vào mùa này, tôi lại ngóng tiếng chim báo hiệu mùa vui, già rồi mà nỗi chờ mong xuân về tết đến trong tôi vẫn còn da diết… 

Kim Oanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI