Tháng Chạp về nhớ nội

19/01/2025 - 16:23

PNO - Bà nội còn bày cho mẹ cách để có nồi thịt kho tàu mang hương vị đặc trưng.

Nguồn ảnh minh họa: Istock
Nguồn ảnh minh họa: Istock

Bà nội tôi thích đi viếng chùa. Bà thường đi cùng vài người bạn trong nhóm thiện nguyện. Chừng mấy ngày sau bà về và ghé thăm nhà tôi. Mỗi lần ghé, bà thường mang theo quà bánh cho các cháu và kể những câu chuyện về Phật pháp. Tôi hay quấn bà để nghe bà kể chuyện.

Năm ấy, tôi học lớp Năm. Bà nội đã gần 70. Bà hay xức dầu đựng trong một chiếc hộp tròn dẹt màu đỏ có in hình sao vàng mà sau này tôi mới biết đó là dầu cù là. Đôi khi, tôi cũng thấy bà dùng dầu gió xanh. Bà bôi ít dầu lên đầu ngón tay rồi chấm trên đầu lưỡi. Bà nói làm vậy để tránh những cơn đau bụng gió bất chợt. Những chai dầu, hộp dầu be bé là vật bất ly của bà, vì vậy người bà toàn mùi dầu gió.

Hồi đó, cứ mỗi khi vào tháng Chạp, nhà nhà trong xóm tôi lại réo nhau làm kiệu, muối dưa chuẩn bị đón tết. Mẹ tôi chỉ ngâm kiệu chứ không làm dưa muối. Mẹ mua 2kg kiệu về ngâm nước muối pha loãng 1 đêm. Hôm sau, các cô dì trong xóm thấy mẹ tôi ngồi cắt gọt kiệu ngoài hiên nên cũng phụ một tay. Đến chiều, những củ kiệu trắng nõn nà, sạch tinh tươm đã được xếp gọn gàng trong hũ thủy tinh, chờ mẹ nấu nước đường để nguội rồi đổ vào. Tôi hỏi mẹ sao không đem kiệu phơi nắng như mấy người trong xóm, mẹ nói hồi trước mẹ cũng làm vậy, nhưng từ khi được bà nội chỉ cho cách làm này, mẹ thấy đỡ cực hơn mà kiệu làm ra vẫn ngon.

Bà nội còn bày cho mẹ cách để có nồi thịt kho tàu mang hương vị đặc trưng của nội. Bên cạnh nước dừa tươi, nội còn sử dụng nước ngọt xá xị Chương Dương nên nồi thịt kho tàu có hương thơm khó cưỡng, vấn vương mãi trong ký ức của tôi.

Cô Sáu tôi không lập gia đình nên bà nội ở với cô Sáu từ lúc ông nội mất. Dù nội đã lớn tuổi nhưng quán xuyến việc nhà đâu ra đó, nấu ăn rất ngon. Lần nào được ba chở qua thăm nội, tôi đều thấy nội cặm cụi dọn dẹp, lau chùi. Có những lúc cô Sáu sợ nội mệt, bảo nội nghỉ ngơi nhưng nội nói: “Sắp xong rồi, để má làm cho xong”. Ấy vậy mà chẳng bao giờ thấy nội “làm xong”. Ngày nào, nội cũng quần quật với những việc không tên. Dáng người gầy gò, bước đi liêu xiêu cứ hằn lên cuộc đời cơ cực của nội, khắc sâu vào trí nhớ của tôi mãi đến bây giờ.

Những ngày giáp tết năm Canh Thìn 2000, bà nội ngã bệnh khi đang loay hoay nấu nướng chuẩn bị những món ăn dâng cúng ông bà tổ tiên. Nội được đưa vào bệnh viện. Cả đời nội ít khi uống thuốc, cũng chưa từng bệnh nặng phải vào viện. Vậy mà… chỉ vài ngày sau, nội mất. Năm ấy, cả nhà tôi không có tết. Nhà khuyết một dáng ngồi tựa cửa kể chuyện và vui đùa cùng con cháu nên mùa xuân cũng lặng lẽ ra đi. Đó cũng là lần đầu tiên thằng nhóc 11 tuổi, là tôi, thực sự thấm thía ý nghĩa của tình thân.

Tôi còn nhớ, ngày tết, nội không mê bánh chưng, bánh tét mà chỉ thích ăn bánh in hình chữ nhật được gói trong tấm giấy kiếng màu đỏ. Bánh có vị ngọt của đường cát, mùi thơm của vani nên đám cháu của bà cũng thòm thèm. Vừa ăn bánh với bà, vừa được nghe bà kể chuyện, tuổi thơ của tôi vì vậy mà trở nên đẹp, ấm áp và đáng nhớ hơn. Cứ thế, niềm vui từ những lần được gặp bà cùng những câu chuyện mộc mạc bà kể đưa tôi qua những ngày thơ ấu, làm hành trang cho tôi vững bước vào đời.

Hình ảnh người bà hiền hậu, ân cần, chịu thương chịu khó, đầy tình yêu thương cứ thế ở lại trong ký ức của đứa trẻ 11 tuổi ngày ấy. Đó là những hoài niệm được góp nhặt qua trí nhớ, qua những hồi ức của ba mẹ và người thân trong gia đình.

Mỗi năm đến ngày giỗ nội hay dịp tảo mộ, tôi đều sắp xếp thời gian để về bên nội, thắp nén nhang gửi đến nội tấm lòng đứa cháu đã xa nội nhiều năm.

Chiều nay, giữa dòng xe cộ nhộn nhịp trên phố, bắt gặp hình ảnh một người bà dịu dàng dắt cháu qua đường, nhìn nụ cười hạnh phúc của 2 bà cháu, những kỷ niệm êm đềm ngày nhỏ lại ùa về trong tôi. Với tôi, quãng đời đẹp và bình yên nhất là những ngày còn nội.

Một mùa xuân nữa lại về…

Thế Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI