Tháng Bảy về Cà Roòng

26/07/2024 - 13:07

PNO - Cà Roòng cách Phong Nha 60km, đường khá tốt, quanh co uốn lượn như dải lụa giữa bạt ngàn xanh rừng núi, kỳ thú chẳng kém Hà Giang.

Lối lên đền thờ
Lối lên đền thờ

Nghe đến địa danh Cà Roòng, có người đoán nó ở vùng Tây Nguyên. Ngay cả dân du lịch chuyên nghiệp cũng chưa biết. Với các cựu chiến binh U80, những người từng Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước (Tố Hữu), đây là mảnh đất thiêng, trọng điểm ác liệt nhất của đường 20 Quyết Thắng. Đường dài 125km, từ Phong Nha đến ngã ba Lùm Bùm, cửa khẩu Cà Roòng - Noọng Ma.

Năm 1973, ghé thăm tuyến đường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên dương đường 20 Quyết Thắng là “Kỳ công, kỳ tích, kỳ quan”.

Nằm sát biên giới Việt - Lào, giữa chập chùng núi rừng nguyên sinh, Cà Roòng là túi bom. “Mưa bom, bão đạn” ập đến từng giờ hòng cắt đứt huyết mạch đường Hồ Chí Minh, dập tắt khát vọng thống nhất đất nước. Bất chấp tham vọng điên cuồng của không quân Mỹ, hàng chục ngàn thanh niên Việt Nam dành hết tuổi xuân bẻ gãy mọi mưu đồ đánh phá. Để lại sau lưng gia đình, người thân, giảng đường, nhà máy…; những thư sinh Phù Đổng quyết định đem máu xương tuổi trẻ, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Trẻ em bản Tuộc nhận quà của sinh viên Đồng Hới
Trẻ em bản Tuộc nhận quà của sinh viên Đồng Hới

Anh Nguyễn Đức Quang - Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn Việt, cựu chiến binh Trường Sơn - luôn đau đáu về những đồng đội đã ngã xuống. Anh dành hết tâm huyết, tâm nguyện vào chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” vì “Rất nhiều đồng đội đã chết cho tôi được sống”.

Anh khởi xướng xây đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ATP Cà Roòng. Cà Roòng là địa danh, nơi bà con dân tộc Ma Coong (Bru - Vân Kiều) sinh sống. ATP là viết tắt các trọng điểm - cua chữ A - ngầm Ta Lề - đèo Phu La Nhích. Ngôi đền khang trang, trầm mặc là nơi tưởng niệm bộ đội, thanh niên xung phong, dân công đã hy sinh.

Mấy lần anh rủ tôi về Cà Roòng, mãi lần thứ ba, tôi mới sắp xếp được.

Cà Roòng cách Phong Nha 60km, đường khá tốt, quanh co uốn lượn như dải lụa giữa bạt ngàn xanh rừng núi, kỳ thú chẳng kém Hà Giang. Nhiều đoạn đường đang được nâng cấp.

Hành trình bắt đầu bằng chuyến viếng hang Tám Cô và hang Y Tá. Hang Tám Cô gắn với câu chuyện bi tráng về 8 thanh niên xung phong hy sinh vì đói khát, kiệt sức sau 9 ngày bị bom Mỹ lấp cửa hang, khi chỉ còn 42 ngày nữa ngưng chiến. Năm 1996 mới phá được cửa hang, gom xương cốt. Đền nhỏ, trang nghiêm, lúc nào cũng có hoa tươi và khói nhang nghĩa tình với nhiều câu chuyện không thể lý giải.

Trước hang, 2 cây lim xanh và si rừng quấn quýt như tình yêu chung thủy, sắt son của tuổi trẻ. Cách đó không xa là nhà bia Y Tá, ghi công liệt sĩ y tá Nguyễn Thị Sặng, hy sinh ngày 20/6/1972 và rất nhiều đồng chí, đồng đội khác.

Năm 1968, Ban Xây dựng 67 tổng kết: “Địch đánh Đường 20 Quyết thắng 11.865 trận, mỗi km gánh 3.600-4.200 trái bom. Riêng km 12 hứng 8.800 trái. Chưa kể hàng ngàn trận bom bi, rocket, pháo kích - mỗi ngày 20-36 trận. Tiêu chuẩn lương thực từ 24kg gạo xuống 10kg, rồi 5kg. Nhiều lúc phải nấu cháo loãng gạo mốc với măng nứa rau rừng...”.

Con đường mòn năm xưa giờ trải bê tông tươm tất. Tháng Bảy, hoa mua ven đường nồng nàn chào khách. Trái mua như trái tắc, hoa to ngỡ hoa hồng, tím mê hoặc. Hoa ngũ sắc thì đẹp nao lòng. Núi rừng biên giới hầu như không có đồi trọc.

Hoa mua
Hoa mua

Đền Cà Roòng dựa lưng núi, kiến trúc thuần Việt, diện tích 10,08ha; như đóa hồng khổng lồ dâng tặng trời đất. Cổng chính hơn trăm bậc tam cấp dẫn lên đền. Công trình được khởi công cuối năm 2018, hoàn thành tháng 7/2022, gồm đền thờ, nhà bia, gác chuông, cổng tứ trụ, nhà công vụ…; kinh phí 42 tỉ đồng do Ngân hàng Bưu điện Việt Nam tài trợ.

Đền thờ hình chữ Đinh, rộng 235,6m2; gồm Tiền Tế và Hậu Cung; nền lát gạch gốm, mái lợp ngói vảy mũi hài. Ban thờ trang trọng với các liễn vàng “Giữ gìn cương giới”, “Uy dũng trường tồn”, “Bảo vệ Tổ quốc” và các câu đối cùng nhiều họa tiết chạm trổ sống động; sơn son thếp vàng. Mọi thứ được chăm chút kỹ lưỡng.

Khách dừng chân, đọc dẫn tích, gióng chuông hòa bình, xin phép viếng đền. Không gian thấm đẫm khí thiêng sông núi. Nghe như trong gió nhẹ, lời thì thầm cỏ cây kể về những tháng năm gian khó, sôi động, hào hùng, bi tráng. Đoàn mặc niệm, dâng hương hoa lễ vật; lòng tôi ngập tràn cảm xúc: “Em đến đây viếng đền liệt sĩ/ Thăm các anh chị mà chẳng thấy đâu/ Em gửi những cành hoa còn tươi nhụy/ Nghe như có lời nhắn gửi mai sau/ Em gửi cả lòng em trong đó/ Thương các anh chị đã hiến dâng đời/ Dâng cả trái tim mình cho quê hương rạng rỡ/ Đất nước thanh bình, thương nhớ lắm anh chị ơi!”.

Anh em đồn biên phòng Cà Roòng đón chúng tôi như người nhà. Hôm nay có đoàn khách mười mấy người từ Bình Định ra nên trưng dụng cả phòng lãnh đạo (phòng làm việc, có giường ngủ). Mưa Cà Roòng (mưa Lào) gần giống Sài Gòn, ngày chợt mưa, chợt nắng; đêm dai dẳng.

Hai cha con ở bản Troi
Hai cha con ở bản Troi

Đêm Cà Roòng rất lạ. Trăng hạ tuần “lén” vào cửa sổ làm quen. Tiếng côn trùng xa xôi. Gió lạnh se ngọt dịu, mang cả hương đất trời và núi rừng biên giới. Tôi khoái khoai, bắp luộc, chuối nhưng thích nhất món chân dê núi hầm đậu đỏ, nghe đâu là Viagra Cà Roòng và món canh rau lang với củ hành thái, thêm chút tép sông, ngon lạ lùng.

Buổi chiều, chúng tôi chạy xe máy thăm các bản Tuộc, bản Troi, bản 61 quanh đồn. Bản nào cũng mộc mạc bất ngờ. Dân bản chỉ ăn ngày 2 bữa. 8g ăn sáng, lên rẫy, làm khoai mì. 15g về nhà tắm rửa, 16g dùng bữa chiều và nghỉ ngơi. Lúa nương thu hoạch kém, chỉ còn ít lúa nước. Hằng năm, mỗi người được Nhà nước cấp 40kg gạo.

Hằng ngày, có xe Phong Phú 16 chỗ từ Đồng Hới đi Cà Roòng và ngược lại. Giá vé 150.000 đồng/lượt. Xe đưa đón tận nơi.

Các hộ nhận khoán rừng, có thêm 6-7 triệu đồng mỗi năm. Người già trên 60 tuổi và trẻ mới sinh được phụ cấp hằng tháng. Học sinh mẫu giáo và tiểu học được miễn học phí. Lên cấp II phải ra xã, cấp III ra huyện, được học bổng. Mấy cây mít trĩu quả. Khi chúng tôi hỏi mua, dân bảo chỉ để mời nhau ăn, không bán.

Bản nào cũng có hồ nước công cộng. Phụ nữ ra tắm cứ vô tư để ngực trần. Trẻ 9-10 tuổi vẫn thản nhiên tắm truồng, đùa nghịch. Cuộc sống dân bản vẫn nhiều khó khăn dù Nhà nước hết lòng hỗ trợ. Nhìn đất bazan màu mỡ, tôi ao ước có người giúp dân nuôi ong lấy mật; nuôi cá lăng; nuôi gà đồi; trồng đậu phộng, đậu đỏ và các loại cây ăn trái giá trị cao.

Trên chuyến xe rời Cà Roòng, tôi may mắn gặp vợ chồng anh Nguyễn Minh Anh - chị Nguyễn Thị Tình của Hợp tác xã Vận tải khách Phong Phú. Biết tôi từ Sài Gòn ra, anh mừng hơn gặp tri âm. Anh chọn tuyến Đồng Hới - Cà Roòng vì tuyến khó, không ai nhận. Từ năm 2016 đến nay, anh thay 3 đời xe, kiên trì bám tuyến. Có chuyến xe chạy không, chỉ vợ chồng anh.

Anh hào hứng nói với tôi: “Nếu anh quyết tâm làm du lịch, tôi sẽ chung tay. Khách Sài Gòn, Hà Nội ra; 1 khách tôi cũng chở”. Nghe thật mát lòng.

Nguyễn Văn Mỹ

(Lửa Việt Tours)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI