PNO - PN - Tháng Ba, phụ nữ được dành cho một ngày. Chưa kịp đón gì, làm gì cho ngày 8, thì một hung tin ập đến: một cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan vừa bị sát hại dã man ở xứ người.
Em bị chồng giết vào ngày 1/3, bỏ lại hai đứa trẻ mồ côi. Lấy chồng 16 năm, có với nhau hai mặt con, em nhiều lần bị chồng hành hung. Có lần cảnh sát đã phải can thiệp khi em bị chồng đánh bị thương một đường dài trên mặt. Em bị đánh cũng chỉ nhẫn nhịn, ráng chịu, gọi điện về cho gia đình ở Việt Nam chỉ nói: “phải ráng chịu, sống để nuôi con chứ biết sao...”. Thật sự, em đã “ráng” một cách hết lòng: ráng chịu đánh đập để được đi làm, ráng kiếm thêm ít đồng nuôi con. Tội nghiệp em, đến lúc chết cũng còn ráng: nhát dao chém ngang cắt đứt lìa mạng sống, em vẫn ráng chạy thêm ít bước cuối cùng ra đường, kêu cứu, rồi mới gục xuống từ bỏ cõi đời. Máu ướt áo kẻ sát nhân, kẻ là chồng, là cha và cũng là đao phủ. Gã vô nhân tính, say máu người còn dã man lấy mũ bảo hiểm đập lên đầu người vợ đã chết, bảo “cho mày chết luôn”, mặc người xung quanh đòi đưa em đến bệnh viện.
Bàng hoàng bởi tính bi thảm của sự việc và càng buồn hơn nữa trước những gì được phơi bày trong suốt 16 năm trời em lấy chồng, sinh con, nuôi con xứ người. Gã chồng Đài thường xuyên nhậu nhẹt say xỉn, đánh đập vợ. Trước đó mấy ngày, hắn gọi điện về cho gia đình vợ ở Việt Nam dọa nếu vợ về nhà thì hắn sẽ giết, rồi hắn đập hết điện thoại, gia đình không làm sao liên lạc báo cho em trốn đi. Ngay cả khi giết em rồi, bị cảnh sát bắt vì tội giết người, bị cảnh sát bắt gọi điện về thông báo cho gia đình vợ, hắn vẫn ác nhơn thú tính: “con Phụng không nghe lời. Tao giết nó rồi!”.
Mạng người đâu phải cỏ rác mà chà đạp bao nhiêu năm trời rồi muốn giết là giết. Cái chết của em đau đớn không chỉ ở sự dã man tàn bạo của kẻ gọi là chồng, mà còn ở chỗ nó như thể một định mệnh: sống như vậy trước sau gì rồi cũng chết, chết tức tưởi, chết mòn mỏi, chết oan uổng, cái chết được báo trước và không thể tránh khỏi. Cuộc sống địa ngục dưới gót chân chà đạp của chồng. Bao nhiêu phụ nữ Việt làm dâu ở xứ Hàn, xứ Đài hay ngay cả trong nước đang sống cuộc đời như thế? Những vết bầm giập trên thân thể do những trận đòn của chồng, những hành hạ dai dẳng cả tinh thần lẫn thể xác, những ngõ cụt của tương lai, sự tăm tối mù lòa chịu đựng… tất cả đều vẫn đang ẩn mình trong im lặng, nén nhịn, không dám nói, không dám lên tiếng. Cho đến khi giọt nước tràn, cái chết làm cho mọi người sững sờ, bàng hoàng thương xót, thì mọi chuyện đã không còn có thể thay đổi, sửa chữa gì được nữa rồi. Sẽ còn bao nhiêu cái chết như vậy nữa xảy ra nay mai? Sẽ còn bao nhiêu kiếp đàn bà bị vùi dập, chà đạp nữa?
Sao giữa thời bình, giữa một xã hội văn minh, lại vẫn có những kẻ sát nhân dã man như thế? Có thể sống “vì con, nuôi con” sao, trong một hoàn cảnh đày ải và hiểm nguy như thế? Câu trả lời, đau đớn thay, vẫn quanh quẩn ở những câu chuyện đã nói đi nói lại bao nhiêu lần. Cái quan niệm “lấy chồng thì phải theo chồng” vẫn là một cái bóng nặng nề đổ che suốt cuộc đời nhiều chị em. Họ nhẫn nhịn, chấp nhận để chồng đánh đập, xúc phạm thân thể, thành chuyện thường như cơm bữa. Nhẹ thì bị bầm giập, thương tích; nặng thì mất cả tính mạng. Ngẫm ra “một sự nhịn” lại thành “chín sự chẳng lành”. Vậy mà chẳng biết đến bao giờ chị em mới tỉnh ra, để hiểu rằng mình là con người, mình phải được yêu thương, nâng niu chứ không phải trở thành cái bị cho kẻ làm chồng đánh đá lúc say xỉn, đâm chém lúc có chuyện không vừa lòng... Nếu từ đầu, chị em mình đã quyết liệt không chấp nhận chuyện này, quyết liệt đấu tranh, thì cho dù có đổ vỡ, có mất đi hạnh phúc (giả tạo thôi), cũng không đến nỗi mất cả sinh mệnh. Ráng chịu đựng để nuôi con, nhưng em chết mất rồi, con trẻ cũng mồ côi, em ráng chỗ nào được nữa?
Những kẻ đến Việt Nam tìm vợ, mua vợ và sự rẻ rúng của họ đối với những cô vợ mua được phải được gọi thẳng tên là một nỗi nhục đối với phụ nữ Việt Nam. Vì nghèo, vì ít hiểu biết, vì mơ tưởng một cuộc sống đầy đủ và vì hàng trăm lý do không nói ra hết, chị em đã nhắm mắt chọn con đường làm dâu xứ người, chọn chia sẻ cuộc sống vô giá của mình với một người chồng mình không mấy yêu thương. Nhưng, hy sinh hạnh phúc không có nghĩa là hy sinh cả tính mạng của mình.
Tháng Ba, xin từ chối những bông hồng xa xỉ. Xin lặng lẽ gửi về em một nén nhang. Hoa hồng rực rỡ trong một ngày cũng chẳng che khuất hết sự tối tăm ảm đạm của những phận người. Ở nhiều nước châu Á và trên thế giới, phụ nữ vẫn còn bị đối xử tàn tệ, hà hiếp, áp chế và phi nhân bản. Người ta hay nói vai trò người phụ nữ hiện nay thiết yếu và quan trọng hơn ngày xưa, nhưng có đi vào từng gia đình mới thấy, tiếng nói của họ vẫn còn là tiếng nói thứ yếu. Sẽ là phiến diện nếu chỉ nhìn vào mặt sáng chói, rực rỡ, long lanh của ngày 8/3; chỉ nhìn vào một lớp mỏng phụ nữ được giáo dục, thành đạt, tự chủ, tập trung tại các thành phố lớn. Hãy nhìn thấy những người đàn bà đang ngày một ngày hai tảo tần kiếm sống nuôi con, chịu đựng bạo hành, nhẫn nhục trong mặc cảm tối tăm về thân phận. Hãy dành tặng họ những thứ thiết thực hơn. Hãy thay đổi cách nghĩ và hành động cho việc giữ gìn nhân phẩm và sinh mạng của những người phụ nữ ấy, trước khi nói những lời có cánh trong ngày 8/3…