Hoa gạo thường nở vào tháng Ba, loài hoa phân bố chủ yếu ở miền Bắc. Hoa có 5 cánh lớn màu đỏ tươi, gắn với miền quê, con sông, triền đê, mái đình, cổng làng...
Hình ảnh hoa gạo đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, đi vào ký ức tuổi thơ của biết bao người, để mỗi khi đi xa trở về, chỉ cần nhìn thấy cây gạo đầu làng đã cảm nhận được tình quê, hồn quê ở đó.
Vào mùa hoa, cây trút lá rồi nở rộ. Những bông hoa đỏ rực khoe sắc trên cành như dấu hiệu chào đón mùa hè.
Những ngày tháng Ba, cây gạo ở chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) lại nở hoa, tô điểm cho không gian ngôi chùa cổ kính thêm đẹp hơn.
Cây gạo cổ thụ cao khoảng 30m, đường kính gốc cỡ 2 người ôm ở trước chùa Cả.
Hoa gạo nở đỏ rực nổi bật, thu hút mọi ánh nhìn.
Mùa hoa gạo nở cũng là lúc du khách và các tay máy đến chụp ảnh, vãn cảnh chùa. Theo người dân nơi đây kể, trước đây tại chùa Thầy có 5 cây hoa gạo. Nhưng 4 cây đã chết, còn một cây ở mé bên trái chùa, gần cầu “Nhật Tiên Kiều”.
Bạn Đinh Thị Thắm (Phúc Thọ, Hà Nội) đi khoảng 30 cây số đến chùa Thầy để chụp ảnh với hoa gạo.
Chị Đặng Mai Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cùng gia đình đến chùa Thầy trong mùa hoa gạo nở.
Chị Phương chia sẻ: “Tôi rất thích hoa gạo bởi loài hoa này mang vẻ đẹp bình yên của chốn quê nhà. Tôi đến chùa Thầy để tham quan, giới thiệu cho con về loài hoa đã gắn liền với tuổi thơ của bố mẹ, nhân tiện chụp ảnh bộ ảnh với hoa gạo”.
Những bông hoa rụng trở thành “đạo cụ” cho một bức ảnh đẹp.
Tại nội đô, cây gạo không được trồng phổ biến, thế nhưng mùa hoa gạo vẫn là một món quà mà tháng Ba đặc biệt dành tặng những người con Thủ đô.
Khung cảnh thành thị ở Hà Nội như được khoác lên một tấm áo mới bởi sắc đỏ hoa gạo.
Hoa gạo được ví là loài hoa gây thương nhớ mỗi mùa tháng Ba phố thị.
Một loài hoa dân dã như chính tên gọi của nó, chỉ có sắc, không hương nhưng khiến người ta nhớ mãi.