Tháng 6, 7, 8 là thời gian nóng nhất từ ​​trước đến nay

06/09/2024 - 17:24

PNO - Ngày 6/9, Cơ quan giám sát khí hậu của EU cho biết, mùa hè năm 2024 chứng kiến ​​nhiệt độ toàn cầu cao nhất từng được ghi nhận, phá vỡ kỷ lục của năm ngoái, và khiến năm nay có khả năng trở thành năm nóng nhất từ ​​trước đến nay trên Trái đất.

California đã hứng chịu đợt nắng nóng vào đầu tháng 9
California (Mỹ) đã hứng chịu đợt nắng nóng vào đầu tháng 9

Dữ liệu từ Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus theo dõi một mùa nắng nóng trên khắp thế giới mà các nhà khoa học cho biết là do biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Samantha Burgess - phó giám đốc Copernicus - cho biết trong một báo cáo: "Trong 3 tháng vừa rồi của năm 2024, toàn cầu đã trải qua tháng 6 và tháng 8 nóng nhất, ngày nóng nhất được ghi nhận và mùa hè phương Bắc nóng nhất cũng được ghi nhận. Chuỗi nhiệt độ kỷ lục này đang làm tăng khả năng năm 2024 sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận”.

Theo Copernicus, nhiệt độ trung bình toàn cầu ở bề mặt Trái đất là 16,820C vào tháng 8, dựa trên hàng tỉ phép đo từ vệ tinh, tàu thủy, máy bay và trạm thời tiết.

Nhiệt độ toàn cầu vào tháng 6 và tháng 8 đã vượt mức 1,50C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp - ngưỡng quan trọng để hạn chế những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Khí thải nhà kính do con người gây ra đang làm nóng hành tinh, làm tăng khả năng và cường độ của các thảm họa khí hậu như hạn hán, hỏa hoạn và lũ lụt.

Nhiệt độ tăng cao hơn vào năm 2023 và đầu năm 2024 do hiện tượng thời tiết tuần hoàn El Nino, mặc dù nhà khoa học Copernicus Julien Nicolas nói tác động của nó không mạnh như đôi khi xảy ra. Trong khi đó, hiện tượng làm mát theo chu kỳ ngược lại, được gọi là La Nina, vẫn chưa bắt đầu.

Báo cáo cho biết, ngược với xu hướng toàn cầu, các khu vực như Alaska, miền Đông nước Mỹ, một số vùng Nam Mỹ, Pakistan và vùng sa mạc Sahel ở Bắc Phi có nhiệt độ thấp hơn mức trung bình vào tháng 8.

Nhưng những nơi khác như Úc - nơi đang là mùa đông - thì một số vùng của Trung Quốc, Nhật Bản và Tây Ban Nha lại trải qua thời tiết ấm kỷ lục vào tháng 8.

Trên toàn cầu, tháng 8/2024 đã đạt đến mức kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu của tháng đó so với một năm trước, trong khi tháng 6 năm nay nóng hơn tháng trước.

Theo các nhà khoa học, nhiệt độ đại dương cũng đang tăng lên mức kỷ lục, làm tăng nguy cơ xảy ra những cơn bão dữ dội hơn. Copernicus cho biết bên ngoài các cực, nhiệt độ bề mặt biển trung bình vào tháng 8 chỉ dưới 21 độ C, mức cao thứ hai được ghi nhận trong tháng đó.

Báo cáo cho biết tháng 8 “khô hơn mức trung bình ở hầu hết các vùng lục địa châu Âu” - lưu ý đến các vụ cháy rừng xảy ra ở các quốc gia như Hy Lạp.

Nhưng những nơi như miền Tây nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại ẩm ướt hơn bình thường, thậm chí có lũ lụt ở một số nơi.

Miền Đông nước Mỹ có lượng mưa nhiều hơn bình thường, bao gồm cả những khu vực chịu ảnh hưởng của bão Debby.

Phó giám đốc Burgess của Copernicus cho biết: "Các sự kiện cực đoan liên quan đến nhiệt độ chứng kiến ​​vào mùa hè này sẽ ngày càng trở nên dữ dội hơn, gây ra hậu quả tàn khốc hơn cho con người và hành tinh, nếu chúng ta không hành động khẩn cấp để giảm phát thải khí nhà kính".

Một số nhà nghiên cứu cho biết, lượng khí thải ở một số quốc gia lớn nhất có thể đã đạt đỉnh hoặc sẽ sớm đạt đỉnh, một phần là do nỗ lực hướng tới năng lượng ít carbon.

Trọng Trí (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI