Tháng 5 để dành mất 3 năm để hoàn thành và tìm đường ra rạp. Hành trình để một bộ phim độc lập Việt tiếp cận với khán giả trong nước trầm kha đúng như cách bộ phim được làm ra. Khó về kinh phí, kinh nghiệm dẫn đến khó về diễn viên và tất cả các bước để có một bộ phim hoàn chỉnh.
Nhưng rồi, mọi trắc trở của Tháng 5 để dành chỉ nên được nhắc đến ở một câu chuyện khác, như cái cách nhân vật Sơn "lát" (Đức Nguỵ) trên phim bật khóc trong buổi ra mắt. Anh mong mọi người đón nhận phim và quan trọng hơn là có những góp ý để ê-kíp tốt hơn trong các sản phẩm tiếp theo. Một thái độ cầu thị đáng trân trọng của ê-kíp và Tháng 5 để dành, thật mừng vì nó tử tế như cách được nhóm làm phim trẻ "nhào nặn" ra.
|
Xuân Hùng trong một cảnh trên phim. |
Tháng 5 để dành được chuyển thể từ tiểu thuyết mạng Ranh giới (tác giả Rain8x - Hoàng Trung Hiếu). Bộ tiểu thuyết nổi lên từ năm 2009, thời Blog 360 hay Yahoo đang thịnh hành. Ban đầu, chính tác giả tiểu thuyết từng ngăn cản ê-kíp làm phim vì sợ nội dung khi chuyển thể nếu làm không khéo, câu chuyện tình yêu, tình dục học đường trở nên phản cảm. Rain8x sau đó được ê-kíp thuyết phục và chính những diễn viên đảm vai cho anh niềm tin, Tháng 5 để dành sẽ làm tốt kịch bản chuyển thể.
Chuyện phim bắt đầu qua lời kể của Hiếu (Xuân Hùng), học sinh lớp 11. Hiếu thiếu thốn tình thương của cha, sống cùng mẹ trong căn nhà dù không khá giả nhưng tương đối đầy đủ. Cậu thích Mai Ngọc (Minh Trang) - cô lớp phó xinh đẹp, học giỏi. Trong một lần được phân công làm báo tường chung, Hiếu và Ngọc cảm mến nhau nhiều hơn và bắt đầu những buổi hẹn hò. Cũng từ đây, những tò mò về các vấn đề của tuổi mới lớn trong cả hai lớn dần, buộc các tình huống xảy ra để hiểu nhau.
|
Những cảnh quay trên phim được thực hiện chỉn chu. Phần phục trang của diễn viên cũng được chuẩn bị phù hợp. |
Tháng 5 để dành lấy bối cảnh khoảng những năm 2000, thời của Đan Trường, Cẩm Ly, Lam Trường... "phủ sóng" thị trường âm nhạc. Bằng chứng, trong phòng của Hiếu, anh chàng dán chi chít hình ảnh của thần tượng và bị ảnh hưởng bởi cách ăn mặc của "anh Bo" Đan Trường. Đi từ căn phòng chật chội của Hiếu ra bên ngoài, không khí làng quê Bắc bộ cách đây gần 20 năm được đạo diễn Lê Hà Nguyên tái hiện chỉn chu. Bộ phim gợi lại những mảng ký ức tưởng chừng đã quên với các thế hệ từng lớn lên trong bài đồng dao mà lũ trẻ của làng thi nhau đọc.
Gần gũi, thơ mộng và đẹp. Những cảnh quay trong Tháng 5 để dành không đơn giản là tái hiện bức trang làng quê mà ở đó, còn có ký ức tuổi học trò của thế hệ 7x, 8x, 9x đời đầu. Nơi của những mộng mơ, nơi cả thế giới thu gọn trong chiếc đầu đọc đĩa CD, tờ báo tường với đầy hình vẽ và thơ tự sáng tác. Và còn đó - thời của những ngây ngô, vụng dại chưa biết tỏ tình là gì, chỉ cần lỡ chạm tay người mình thích thì đêm về mơ mộng, trằn trọc không ngủ được.
Trailer Tháng 5 để dành:
Tháng 5 để dành khơi lại ký ức của nhiều người nhưng đồng thời là kỷ niệm đẹp của ê-kíp thực hiện. Bắt đầu từ việc Đức Nguỵ - khi đó còn học tại trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội yêu thích Ranh giới, muốn chuyển thể thành phim, cho đến việc cậu rủ hội bạn gồm Lê Hà Nguyên, Trịnh Quang Minh, Minh Trang, Xuân Hùng… lập nhóm thực hiện. Tháng 5 để dành là những lần đầu của nhóm bạn trẻ, từ chức danh đạo diễn, biên kịch, quay phim... đa số đều mới chạm ngõ điện ảnh.
Xuân Hùng vào vai Hiếu, Minh Trang vào vai Ngọc với kinh nghiệm diễn xuất bằng không và cả Đức Nguỵ cũng thế... Nhưng bằng sự hồn nhiên, cố gắng và quan trọng là hợp vai, hầu như mọi nhân vật đều thể hiện được nội tâm, tính cách một cách trọn vẹn. Một điểm cộng cho biên kịch khi phân ra các tuyến nhân vật rõ nét, khác với nguyên tác của Rain8x. Chính tác giả cũng thừa nhận tiểu thuyết của anh chưa vẽ được tính cách nhân vật rõ ràng như trên phim.
Clip chia sẻ quá trình thực hiện phim của ê-kíp:
Tháng 5 để dành tồn tại một vài điều khiến khán giả tiếc nuối ở mạch phim. Từ phần giữa phim trở đi, câu chuyện rơi vào dài dòng trước khi đến cái kết. Có thể, câu chuyện về những thay đổi trong tâm lý của Hiếu, Ngọc hay việc cự cãi gia đình nên rút ngắn để đầu tư vào cái kết. Bên cạnh đó, tình huống cao trào gần cuối phim là câu chuyện quen thuộc, thường thấy trong các tác phẩm văn học viết cho tuổi mới lớn. Do đó, đáng tiếc cho cách chuyển tâm lý của biên kịch, chưa tạo được bất ngờ, bùng nổ cảm xúc của người xem.
Âm nhạc của Tháng 5 để dành là một điểm cộng lớn cho phim. Các ca khúc Cơn mưa tuổi thanh xuân, Chiều vắng, Những ngày hè ấy, Con đường đã qua đều được lồng ghép đúng thời điểm, góp phần đáng kể vào việc đẩy cảm xúc của người xem. Trong 4 ca khúc, Những ngày hè ấy do đạo diễn Lê Hà Nguyên sáng tác. Trước tác phẩm điện ảnh đầu tay này, Lê Hà Nguyên được biết đến với vai trò nhạc sĩ.
Tháng 5 để dành ra mắt khán giả ngày 24/5.
Diễm Mi