Tháng 10, nhớ bông đu đủ đực chưng mật ong

11/10/2020 - 08:34

PNO - Thỉnh thoảng, vừa hái bông đu đủ cho má làm bài thuốc trị ho, ba lẩm bẩm: "may là trăm cây mới có một chứ cả vườn cây đu đủ đực thì có mà đói".

Cả tuần nay, "chuyển trời", rồi mưa, rồi không khí lạnh, hai đứa nhỏ khục khặc ho. Ban đầu, chỉ một vài tiếng trong giấc ngủ, rồi tăng dần, tăng dần thành những tràng ho dài.

Bà ngoại đi ra đi vào, miệng làu bàu "ho chi dữ, tội tụi nhỏ", rồi bảo "tụi bây lo thuốc cho sấp nhỏ, ho nhiều quá tụi nó chuyển sang bị lao (?!) bây giờ". Vậy mà, chiều, con rể ghé tiệm, mang thuốc tây về, bà ngoại "trở mặt", không cho uống vì nóng mà không hết ho. Rồi lập lại lần thứ 1001 câu: "phải chi có cái bông đu đủ đực. Cái bông nớ mà chưng cách thủy với mật ong, ta nói, uống một ngày hết ho luôn".

Bông của cây đu đủ đực mọc thành chùm, có khi thành nhành bông dài.
Bông của cây đu đủ đực mọc thành chùm, có khi thành nhành bông dài.

Bông đu đủ đực là bông của cây đu đủ đực - cây đu đủ có rất nhiều hoa nhưng không kết trái hay nếu may mắn có trái thì trái rất nhỏ, không ăn được. Cây đu đủ đực và đu đủ cái chỉ khác nhau ở dáng bông. Bông của cây đu đủ cái mọc hình tròn, bông của cây đu đủ đực mọc từng chùm quanh thân cây hay những "cây sào" dài nên phải chờ đến khi cây ra hoa mới phân biệt được. Cây ăn trái mà không cho trái nên hầu hết người trồng đều chặt. Hiếm hoi lắm, mới có nhà, nhất là nhà nhiều trẻ con để lại một cây làm thuốc, trị ho. Ba tôi cũng để lại một cây.

Cây đu đu đực ra hoa từ tháng 5-10. Trong thời gian đó, khi nào rảnh rảnh, má lại bứt bông, phơi khô, để dành, dùng quanh năm. Mỗi lần phụ má hái bông, ba lại lầm bầm: "may mà trồng cả trăm cây đu đủ, mới có một cây đực, chứ không, có nước đói".

Bông đu đủ đực
Bông đu đủ đực thường nở từ tháng 5-10 hàng năm

Lầm bầm như vậy nhưng hàng xóm ai xin trong nhà có hoa tươi, ba cho hoa tươi, trong nhà có hoa khô, ba cho hoa khô. Khi nào cây đu đủ đực già cỗi, ba lại loay hoay tìm cây khác để thay.

Bông đu đủ đực có màu trắng, 5 cánh nhỏ, mỏng, nhìn "xinh" như con gái mới lớn. Hái bông đu đủ đực về, lặt cả búp lẫn bông, rửa sạch bụi, thêm ít mật ong, chưng cách thủy khoảng 20 phút, sau đó, vừa ăn xác (bông) vừa uống nước ba lần một ngày là có thể trị ho. Người lớn, thì cứ múc cả hoa và mật mà uống. Trẻ nhỏ, bông sẽ được nghiền nhỏ rồi bị ép uống chung với nước. Bị ép vì dù chưng cùng mật ong, nước thuốc thơm ngát nhưng vị đắng khá gắt, mà trẻ con thì chỉ thích ngọt.

Bông đu đủ đực năm cánh, màu trắng.
Bông đu đủ đực có năm cánh, màu trắng
nnn
Bông đu đủ chưng mật ong có mùi thơm ngọt khiến nhiều người chủ quan rồi bị nhận "quả đắng"

Vì cái vị đắng đó mà lần nào cho lũ con uống thuốc, nhất là những đứa nhỏ, ba má phải vận dụng mọi biện pháp từ năn nỉ, đến quát lớn và cuối cùng là roi. Lũ con để tránh phải uống thuốc, giả vờ ho, càng giả vờ, ba má càng nghĩ bệnh nặng, cành bị ép. Vòng lẩn quẩn ấy khiến căn nhà nhỏ lúc đó "rộn ràng" hẳn. 

Rồi lũ trẻ lớn dần, ra thành phố học tập, xây dựng gia đình. Giờ, giữa phố thị, muốn kiếm một bông đu đủ đực, chắc khó như lên trời. Vậy mà cái sự khó lên trời ấy không làm khó được con rể. Chồng gọi điện thoại cho tất cả người quen rồi chiều hôm sau cũng mang về túi bông đu đủ đực tươi rói. 

Bà ngoại cười móm mém, vừa nhặt bông vừa gật gù đầu khen khiến anh con rể cười tít mắt. Con gái ngồi gần, nghĩ đến chốc nữa, khi chén thuốc bông đu đủ đực chưng mật ong bưng lên, con rể nạt, bà ngoại dỗ, lũ trẻ ri rỉ khóc mà bật cười.

An Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI