'Thần y' chữa ung thư - Bài 2: 'Thầy' chê... giải Nobel!

06/04/2019 - 06:00

PNO - Chỉ với một vài loại dược liệu, “thầy” Ngô Đức Vượng "nổ" trị được bá bệnh và không thèm giải Nobel của thế giới!

Thần y chữa ung thư

Bài 1: Bệnh nhân bỏ viện theo 'thầy' chữa ung thư, suy thận

"Tôi chế tạo ra thuốc chữa mọi bệnh ung thư"

Sau khi khám cho các bệnh nhân đến trước, "thầy" Vượng bắt đầu khám cho nhóm 5 người chúng tôi. Vừa bắt mạch, nhìn lưỡi, “thầy” Vượng phán cả 5 "bệnh nhân" này uống quá nhiều nước.

'Than y' chua ung thu - Bai 2: 'Thay' che... giai Nobel!
Loại thuốc ông Vượng bào chế cho bệnh nhân bị ung thư răng (?) uống

Chúng tôi phân vân chỉ uống tối đa 2 lít nước mỗi ngày theo lời khuyên của các bác sĩ. Ông Vượng quơ tay giải thích: "Điều đó là sai! Uống nhiều nước chỉ hại cho thận, cho cơ thể. Thận, gan, phổi, tim của tất cả 5 người đều đang có vấn đề”.

Bác sĩ sản khoa đến tôi chữa hiếm muộn

Ngoài chữa ung thư, “thầy” còn chữa cả bệnh vô sinh, hiếm muộn. Ông Ngô Đức Vượng khoe có  2 vợ chồng là bác sĩ sản khoa đến gặp “thầy” để chữa vô sinh. Theo ông tất cả người bị hiếm muộn do gan, thận có vấn đề. 

Chúng tôi hỏi rõ vấn đề gì thì ông Ngô Đức Vượng không trả lời và lảng sang chuyện khác. Ông kể về các "chiến tích" điều trị bệnh của mình.

“Thầy” Vượng cho biết, ông bào chế ra một loại thuốc bột có khả năng chữa mọi loại ung thư.

Bột chữa ung thư này có thành phần từ 3 loại thảo mộc: quả cà gai leo, cây an xoa và cây tầm gửi trên cây gạo - loại cây rất khó kiếm trong bài thuốc. Tuy nhiên, mỗi loại bệnh ung thư sẽ uống vào mỗi giờ khác nhau.

“Thầy” giải thích: “Mỗi cơ quan nội tạng hoạt động mạnh vào 1 giờ nhất định. Tôi cho bệnh nhân uống thuốc trước giờ nội tạng hoạt động và hiệu quả chữa trị sẽ tăng từ 1,5 đến 2 lần. 

Tôi có tổng kết các trường hợp đáp ứng thuốc. Có trường hợp bệnh nhân bị ung thư gan, bệnh viện nói bệnh nhân sẽ chết trong 2 tháng. Nhưng bệnh nhân đến chữa trị chỗ tôi 1 tháng dù bệnh chưa hết nhưng đã khỏe ra nhờ uống loại thuốc bột đó. Điều này chỉ có mình tôi phát hiện ra.” - ông Vượng tự hào.

'Than y' chua ung thu - Bai 2: 'Thay' che... giai Nobel!
Lọ thuốc bột không nhãn mác được phát hiện tại phòng Chẩn trị y học cổ truyền-phục hồi chức năng Thiên Phước

Ông dẫn chứng: "Một bệnh nhân bị ung thư đại tràng đến khám, uống thuốc sau một thời gian đã hết bệnh. Có bệnh nhân bị u não đến gặp thầy 2 lần khóc lóc. Thầy đã cứu chữa và bệnh nhân đã khỏi". Nhưng khi chúng tôi hỏi bệnh nhân tên gì, ở đâu thì “thầy” trả lời: “Không nhớ, để tìm lại”.

Để chữa ung thư cho bệnh nhân, “thầy” Vượng còn sử dụng một loại dầu chống ung thư. Theo “thầy”, loại dầu này gồm dầu ô liu và dầu mè do một cơ sở khác sản xuất. "Thầy" cho bệnh nhân uống để tẩy sạch ruột.

Chỉ dùng liều duy nhất cho bệnh nhân khi bắt đầu điều trị. “Uống xong, bao nhiêu độc tố như sỏi, sỏi mật đều ra hết. Bệnh nhân sử dụng ra rất nhiều sỏi, sạch ruột” - "thầy" Vượng nói.

Khi phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM thắc mắc với phương pháp chữa ung thư hiệu quả như “thầy” nói, sao không phổ biến rộng rãi cho mọi người biết và bản thân "thầy" có cơ hội… đạt giải Nobel?

“Tôi còn lạ gì về giải Nobel. Cứ đọc quyển sách “Thế nào là văn hóa sức khỏe” của tôi, trong đó, tôi dành nhiều chương giải nghĩa về giải Nobel này. Tôi bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, nặng đến nỗi, trong y văn của thế giới không có trường hợp nào chữa được. Hơn 20 năm trước, tôi nhịn ăn và dùng ý chí để tự chữa bệnh cho mình. Người bình thường không thể làm như tôi” - ông Vượng đáp trả.

'Than y' chua ung thu - Bai 2: 'Thay' che... giai Nobel!
Nhiều bệnh nhân chờ ông Vượng khám tại khu nghỉ dưỡng Thiên Phước

Phát hiện thanh tra, ôm sổ sách bỏ chạy

"Thầy" Ngô Đức Vượng cho biết đã triển khai điều trị nội trú cho bệnh nhân tại cơ sở Thiên Phước gần 1 năm nay. Mỗi bệnh nhân sẽ có 1 quyển sổ bệnh riêng. Ngoài “thầy” Vượng còn có một số người khác phụ việc cho “thầy”.

Khi phát hiện có đoàn thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đến làm việc, một nữ nhân viên tại đây liền ôm sổ khám bệnh và tiền bệnh nhân đóng chạy trốn. Đoàn thanh tra phải liên tục lớn tiếng yêu cầu giao nộp sổ sách để tiến hành thanh, kiểm tra.

Sở Y tế Đồng Nai khẳng định, ông Vượng tự phong là tiến sĩ, bác sĩ y khoa chứ không có bằng cấp chuyên môn. Do không có bằng cấp chuyên môn nên sau khi được cấp giấy chứng nhận lương y; đến năm 2016, ông Vượng mới được Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cấp chứng chỉ hành nghề với trình độ chuyên môn: lương y. Phạm vi hoạt động chuyên môn của ông Ngô Đức Vượng: khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

'Than y' chua ung thu - Bai 2: 'Thay' che... giai Nobel!
Số điện thoại nhân viên phòng Chẩn trị y học cổ truyền-phục hồi chức năng Thiên Phước được dán trên tường

Ngày 20/7/2018, Sở Y tế Đồng Nai cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh cho ông Ngô Đức Vượng số 1561/ĐNAI-GPHĐ kèm theo danh mục kỹ thuật chuyên môn: khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt. Địa điểm hành nghề tại ấp Bình Ý, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Theo hồ sơ đăng ký tại Sở Y tế, đến thời điểm này, ông Ngô Đức Vượng vẫn đang chịu trách nhiệm chuyên môn cho Phòng chẩn trị y học cổ truyền từ thiện Xuân Quang (đặt tại huyện Vĩnh Cửu) từ ngày 20/7/2018.

Trả lời đoàn thanh tra, ông Vượng xác nhận từ sau Tết Kỷ Hợi, ông không còn làm việc tại chùa Xuân Quang mà làm việc tại khu vực nhà nghỉ dưỡng Thiên Phước. Hàng ngày, ông Vượng sử dụng cà phê để truyền bằng đường hậu môn nhằm thanh lọc đại tràng. 

Ông Vượng cho hay, thuốc bột do ông bào chế bán cho cơ sở nghỉ dưỡng với giá từ 50.000 đồng - 200.000 đồng/bịch. Còn giá thực thu khi khám, chữa bệnh tại đây do khu nghỉ dưỡng thu trực tiếp của bệnh nhân, chứ ông không can thiệp.

'Than y' chua ung thu - Bai 2: 'Thay' che... giai Nobel!
Ông Ngô Đức Vượng

Đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho rằng ai có bài thuốc gia truyền, nếu muốn được công nhận và đưa vào sử dụng cho bệnh nhân đều phải được Sở Y tế địa phương phê duyệt, cấp phép sản xuất, nhãn mác hoặc làm thủ tục đăng ký ở Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).

Sau khi cơ quan chức năng cấp phép mới được đưa vào sản xuất và lưu hành. Tuy nhiên, để có sự phê duyệt, cấp phép này không dễ dàng. Người tạo ra các bài thuốc phải kê được thành phần thuốc, chứng minh số ca đã được điều trị khỏi bằng thuốc qua kết quả tổng kết và phải được công nhận theo đúng quy định. 

"Những bài thuốc của ông Vượng chưa có bất kỳ đơn vị chức năng trên cả nước công nhận. Ông Vượng vẫn sử dụng chữa trị cho bệnh nhân là sai”, đại diện Sở Y tế khẳng định.

Riêng khu nghỉ dưỡng Thiên Phước cũng chưa được thẩm định cấp phép, không có giấy phép hoạt động nên không được nhận bệnh nhân điều trị.

'Than y' chua ung thu - Bai 2: 'Thay' che... giai Nobel!
Dụng cụ ông Vượng dùng để truyền cà phê nguyên chất vào hậu môn bệnh nhân

Bác sĩ Lê Quang Ánh - Trưởng phòng Quản lý hành nghề (Sở Y tế Đồng Nai) - cho hay, trong lĩnh vực y học cổ truyền (YHCT) có 3 đối tượng được cấp giấy phép hoạt động: bác sĩ, y sĩ, lương y. Trong đó, lương y không có bằng cấp chính quy, chỉ tham gia một số lớp đào tạo và được cấp chứng chỉ về dược liệu, châm cứu, bệnh lý nội YHCT... Sau đó, lương y được cấp giấy chứng nhận lương y và chứng chỉ hành nghề. Khi có giấy chứng nhận lương y và 36 tháng hành nghề, lương y chỉ được mở Phòng chẩn trị y học cổ truyền. 

Đối với bác sĩ được đào tạo bài bản, dựa trên nền tảng cơ bản là tây y. Đến năm cuối đại học sẽ học chuyên khoa về đông y. Sau đó, bác sĩ phải thực hành tại bệnh viện 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Và 36 tháng, bác sĩ mới được mở phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền.

Cả lương y và bác sĩ đều hành nghề khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền nhưng có sự khác nhau cơ bản. Lương y đơn thuần chỉ sử dụng phương pháp về YHCT đơn thuần: châm cứu, xoa bóp, bấm huyết, thuốc YHCT để khám, chữa bệnh, không được sử dụng thuốc, phương tiện của tây y để thăm khám. Ngoài ra, lương y chỉ được sử dụng kết quả siêu âm, X-quang, CT… tham khảo để chữa bệnh chứ không căn cứ vào những kết quả đó để kết luận bệnh và chữa trị.

Còn bác sĩ YHCT được quyền sử dụng kết hợp đông tây y và các phương tiện khám chữa bệnh của tây y như: ống nghe, máy đo huyết áp, kết quả x-quang, siêu âm… trong khám, chữa bệnh.

Bác sĩ Ánh nhấn mạnh: Nếu lương y có bài thuốc tự bào chế, đóng thành viên, bột cho bệnh nhân sử dụng mà chưa có đăng ký là vi phạm. Vì không ai kiểm chứng được thành phần thuốc, có đủ vị thuốc hay không… Thuốc phải được kiểm nghiệm và công nhân. Các cơ sở tán bột, sắc thuốc và tự đóng gói, dán nhãn đều vi phạm và xử phạt.

Theo BS. Ánh, trường hợp ông Ngô Đức Vượng đang chịu trách nhiệm chuyên môn cho Phòng chẩn trị y học cổ truyền từ thiện Xuân Quang (đặt tại huyện Vĩnh Cửu). Nhưng ông Vượng lại đến huyện Trảng Bom hành nghề thì việc hành nghề ở Trảng Bom là không phép vì giấy phép hoạt động chỉ có giá trị tại cơ cở.

Không có tài liệu nào nói đưa cà phê vào hậu môn điều trị ung thư

Các tài liệu đông y chưa đề cập đến phương pháp đưa cà phê vào hậu môn nhằm thanh lọc đại tràng, chữa ung thư cho bệnh nhân.

Còn việc dùng gạo lức, muối mè chỉ hỗ trợ cho bệnh nhân bị ung thư. Bởi trong gạo lức, muối mè chứa nhiều vitamin B1, giúp giảm cảm giác đau cho bệnh nhân. Do đó, đây chỉ là phương pháp thực dưỡng chứ không thể chữa được bệnh ung thư. 

Ngoài ra, bài thuốc bột sử dụng từ cây tầm gửi trên cây gạo, cây an xoa… để chữa ung thư cũng không có tài liệu nào nói những loại này chữa được bệnh ung thư. Trong cây an xoa, cây tâm gửi trên cây gạo, cà gai leo chỉ có thành phần giải độc là chính, hỗ trợ giảm sự phát triển của tế bào ác tính nhưng rất ít, không đáng kể.

Bác sĩ Nguyễn Phúc Vinh - khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y Dược cổ truyền Đồng Nai.

Đan Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI