Cán bộ liên tục “không biết”
Hơn bốn tháng sau chỉ đạo “chính quyền địa phương, ngành chức năng sớm vào cuộc, kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép tại cụm cảng Km6, P.Quang Hanh” của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc, chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND P.Quang Hanh, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Ban đầu, ông Hoàng Mạnh Thắng - Phó chủ tịch UBND P.Quang Hanh - khẳng định: “Việc tập kết xít thải, các công trình xây dựng đã được khắc phục hoàn toàn. Trên cụm cảng Km6, chỉ còn lại hai đơn vị là Công ty Kho vận, Cảng của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Công ty cổ phần Vận tải và Chế biến than Đông Bắc, hoạt động theo đúng chức năng được phép là khai thác bến bãi và cảng than”.
Ông Thắng - Phó chủ tịch UBND P.Quang Hanh - cử một cán bộ “vừa mới về được một tuần” xuống hiện trường cùng chúng tôi. Tại hiện trường, hầu hết câu trả lời mà chúng tôi nhận được là “ghi nhận địa điểm rồi về báo cáo”
|
Chúng tôi thông tin: thực tế, tại cụm cảng Km6, vẫn còn nhiều điểm hoạt động của các cá nhân, đơn vị khác, ông Thắng nói: “Chúng tôi sẽ cho anh em xuống kiểm tra. Thẩm quyền và việc kiểm soát cũng là của địa phương”.
Khi cử cán bộ địa chính phường cùng chúng tôi xuống cụm cảng Km6, ông Thắng khẳng định, ông đang “điều” một đồng chí nắm rõ mọi việc.
Thế nhưng, đến cách bìa vịnh Bái Tử Long khoảng 1km, bên trái là các đơn vị đề biển, ghi tên thuộc Tổng công ty Than Đông Bắc, còn bên phải là dải tường xây cao 3m, bảo vệ liên tục đóng, mở cửa cho xe chạy ra, chạy vào, hỏi đó là đơn vị nào, làm gì, ông Hân trả lời: “Người dân đóng gạch hay đóng gì đó. Tôi mới về được mấy hôm. Chúng ta đi một vòng, còn muốn trao đổi cụ thể thế nào thì tôi sẽ báo cáo lãnh đạo, rồi lãnh đạo sẽ trao đổi lại với các anh”.
Ra đến những điểm từng là các bãi tập kết than lậu suốt hàng chục năm, khi chúng tôi nhắc lại cảnh xe tải chở xít kéo đến tập kết để tuyển rửa than mà chúng tôi đã chứng kiến nhiều ngày qua, ông Hân vẫn lặp lại: “Tôi sẽ xác định điểm này rồi về báo cáo lại với sếp”.
Chúng tôi không tin vào sự “mới về nên không biết” của cán bộ địa chính này, vì với những điểm thuộc Tổng công ty Đông Bắc hay thuộc TKV thì khi được hỏi, ông Hân xác nhận ngay lập tức.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Quân - Phó chủ tịch UBND P.Cẩm Phú - cũng cử một cán bộ “vừa mới về được một tuần” đi cùng chúng tôi, anh này không trả lời được những điểm tập kết trong vườn chuối, bên trong những cánh cửa luôn đóng kín là gì. Cán bộ này chỉ cho chúng tôi biết ranh giới giữa hai phường Cẩm Phú và Cẩm Thịnh.
Trách nhiệm: ông đổ qua, bà đổ lại
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Khải - Phó giám đốc Công ty Mỏ than Phấn Mễ, thuộc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên - cho biết: “Chúng tôi không được phép bán than ra ngoài, đặc thù của than mỡ là chỉ cung cấp cho công ty gang thép dùng để luyện cốc, luyện gang. Mọi chi phí, giá thành đều do Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên hạch toán, sản xuất không đủ mà phải nhập khẩu thêm. Mỏ không bán các sản phẩm chính cho đơn vị nào, còn sản phẩm phụ như sái thì chỉ bán phục vụ dân sinh”.
|
Tại điểm tuyển rửa xít lấy than ngay trong khuôn viên ban quản lý cụm công nghiệp Cẩm Phả, ông Quân (áo đen) - Phó chủ tịch UBND P.Cẩm Phú - đã “mày, tao” với chúng tôi |
Nghe chúng tôi hỏi về hiện tượng người trong mỏ tiếp tay, chở lẫn than với đá lên bãi thải đổ để tuồn ra ngoài, ông Khải giải thích: “Quản lý kiểu gì cũng có kẽ hở, ví như bịt cửa này thì họ khoét cửa kia. Dưới kia (ý nói điểm khai thác than) nhiều mẹo lắm; nhiều khi đang chở mà bảo xe hỏng, phải ngắt tải để quay về sửa”.
Khi được hỏi về mấy trăm héc-ta xít thải của Công ty Tuyển than Cửa Ông thuộc TKV, nơi bà “trùm” Phương Th. là một trong hai nhà “làm than” lớn nhất, ông Phạm Thanh Tùng - Phó giám đốc công ty này - nói: “Vừa rồi, chánh thanh tra tỉnh đã có kết luận, Công ty Tuyển than Cửa Ông không quản lý tí đất nào chỗ đó cả. Có một số khu sàng tuyển xít gần đó thì tỉnh giao cho thành phố, rồi thành phố giao cho P.Cẩm Thịnh. Từ trước tới nay, vẫn vận chuyển xít ra đó bằng hệ thống toa xe tự lật nhưng Tuyển than Cửa Ông không quản lý khu đó”.
Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị 21/CT-TTg, yêu cầu TKV và Tổng công ty Đông Bắc “tăng cường công tác quản lý nguồn than từ nơi khai thác, trên đường vận chuyển đến các bãi, cảng tiêu thụ; quản lý tốt các phương tiện vận chuyển than đi tiêu thụ nội địa; quản lý chặt chẽ đất đá thải mỏ, bã sàng, đá xít có than”.
Dù cái bãi thải là “đất” của P.Cẩm Thịnh quản lý, Công ty Tuyển than Cửa Ông cũng không thể không có trách nhiệm ở đó. Chưa kể, lượng xít mà công ty này thải ra, không biết đơn vị đã quản lý thế nào, mà chúng tôi còn “thương thảo” được cả việc mua xít với một hộ tư nhân đang hoạt động ở bãi.
Khi được hỏi về những điểm sàng tuyển trái phép ngoài khu “vườn chuối” ông Nguyễn Thế Quân - Phó chủ tịch UBND P.Cẩm Phú (TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) - cho rằng, các hộ này đều thuộc quyền quản lý của P.Cẩm Thịnh, nhưng vì ông tự thấy mình có trách nhiệm, nên “quản lý hộ”.
Trong khi đó, bà Đặng Thị Thịnh - Chủ tịch UBND P.Cẩm Thịnh - lại nói: “Sáu hộ này trước đây thuộc địa bàn P.Cẩm Thịnh, nhưng từ cuối năm 2016, đầu năm 2017, khi hai phường điều chỉnh lại địa bàn thì toàn bộ sáu hộ đó thuộc P.Cẩm Phú. Đầu năm 2018, hai phường phối hợp kiểm tra toàn bộ thì đúng là các hộ đang sàng sảy tạp nham ở bên trong”.
Bắt cóc bỏ đĩa đến bao giờ?
Trong số những điểm tập kết, rửa xít lấy than, UBND P.Cẩm Thịnh thừa nhận có một điểm thuộc địa bàn mình quản lý là hộ ông Lê Công Lợi. Bà Thịnh khẳng định: “Đương nhiên là họ không được phép, chúng tôi đã cho lập biên bản rồi”.
|
Máy xúc xúc xít than từ xe tải chở đến, lọc rửa trên bãi thải của Công ty Tuyển than Cửa Ông… |
Cán bộ địa chính P.Cẩm Thịnh thì than: “Chúng tôi chỉ có ba anh em, không thể kiểm soát hết các hoạt động ngoài bãi (bãi mấy trăm héc-ta do Công ty Tuyển than Cửa Ông đổ xít). Chúng tôi cũng nhiều việc, không có thời gian; nếu đi kiểm tra, phát hiện thấy sai phạm thì sẽ lập biên bản, yêu cầu dừng trước ngày X chẳng hạn”.
Làm việc với chúng tôi vào ngày 27/12/2018, ông Hoàng Mạnh Thắng - Phó chủ tịch UBND P.Quang Hanh - cho biết: “Đến nay, chỉ còn vài ba hộ người ta tận thu, chứ vứt đi, nói thật cũng phí. Nhưng, hôm nay, thành phố sẽ ra thông báo gửi cho tất cả các đơn vị còn xít trên ấy (cụm cảng Km6), sau ngày 5/1/2019, đơn vị nào không tận dụng hết được thì thành phố và phường sẽ thu gọn, xúc đi, san phẳng để trả lại mặt bằng”.
Tuy nhiên, theo tài liệu do Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND TP.Cẩm Phả cung cấp cho chúng tôi, từ ngày 10/12/2018, kể cả Tổng công ty Đông Bắc và TKV cũng phải dừng các hoạt động sàng tuyển, chứ không riêng gì các hộ, đơn vị tư nhân.
Theo yêu cầu của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, tỉnh Quảng Ninh cần làm rõ phản ánh của báo chí về tình trạng khai thác, buôn bán than trái phép tại TP.Cẩm Phả và H.Hoành Bồ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/2/2019.
Tuy nhiên, ngày 27/2, khi chúng tôi trở lại cụm cảng Km6, khu vực này vẫn chưa được trả lại toàn bộ mặt bằng, xe tải vẫn hoạt động. Ngay trục đường chính, một điểm đã được dựng tôn xanh làm tường rào kín mít; một điểm khác, dùng chính xít thải để làm tường bao, bên trong, xe tải, máy xúc vẫn hoạt động, than, xít chất đống; những bãi xít trong vườn chuối, bãi lau lách, trong cụm công nghiệp ở P.Cẩm Phú vẫn diễn ra những hoạt động tập kết, sàng tuyển.
Phó chủ tịch phường “khóc thương” bà “trùm” than lậu
Khi được hỏi về những điểm sàng tuyển than mà chúng tôi chứng kiến, ông Nguyễn Thế Quân - Phó chủ tịch UBND P.Cẩm Phú (TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) - cho rằng, đó là do người ta… đổ thải trộm. Ông còn khoe: “Trước đây có đến sáu điểm tận thu xít là của Công ty cổ phần Than Sông Hồng và Công ty TNHH MTV Thăng Long (thuộc Tổng công ty Đông Bắc) nhưng năm nay, tôi đã dẹp hết”.
Khi chúng tôi cung cấp những hình ảnh từ hiện trường thì ông Quân đổi giọng: “Xít đó mà không sàng, cứ thế đổ xuống biển thì than cám cũng lắng đầy xuống biển thôi”.
Ông Quân giải thích, nền của khu công nghiệp đang bóc lên để làm đường, thì “người ta tận dụng, để đưa lên sàng tuyển, sục nước vào để rửa lấy tí than. Người ta làm khổ lắm, làm được cân than nó nhục lắm. Về nguyên tắc, đúng là cấm toàn bộ, không có bến bãi chế biến, tuyển rửa. Nhưng P.Cẩm Phú có cho tận dụng”. Đoạn, ông Quân đứng phắt dậy: “Đi, tôi với các ông”.
Khi xuống khuôn viên ban quản lý cụm công nghiệp, ông Quân đỏ mặt tía tai chỉ mấy lao động đang sục rửa than và nói với nhà báo: “Đây, chúng mày nhìn đi, có nhục không, làm được cân than có sướng không”.
Chúng tôi nhắc đến những thủ đoạn lập lờ đánh lận giữa các điểm hợp pháp và bất hợp pháp, than đổ lẫn với xít thải, than đá ngụy trang đi đổ bán khắp nơi. Bằng tất cả mánh khóe đó thì mới có những “trùm” than “bán mười năm chưa hết than” như ông H. ở Thái Nguyên, hay bà “trùm” Phương Th. đã bao năm xuất than bán ra nước ngoài, bây giờ vẫn là “trùm” than nổi tiếng nhất nhì Cẩm Phả.
Ông Quân ra điều thương cảm và “bào chữa” cho bà “trùm” than lậu: “Phương Th. chỉ cò con, là đứa vỡ nợ chứ có cái gì đâu. Tôi thương nó lắm. Trước nó rất giàu, nhưng bây giờ không còn cái gì, bao nhiêu tàu than của nó đắm ngoài biển ấy, thương lắm”.
Đoạn, ông quát người đứng đầu “công xưởng” lọc rửa xít lấy than: “Tao đã bảo chúng mày dỡ máy móc ngay từ mấy tuần trước rồi, mà đến bây giờ chúng mày vẫn để như thế này”.
Chúng tôi đòi sang điểm tuyển rửa kín cổng cao tường, khuất sau lau lách. Lần này đến nơi, ông Quân không giải thích, chỉ quát tháo những người đang làm việc ở đây một hồi rồi leo lên xe máy ra về, vì “ở phường đang có cuộc họp”.
|
Uông Ngọc