Đại diện các công ty khai thác và chế biến than ở tỉnh Quảng Ninh và Thái Nguyên khẳng định với chúng tôi rằng đơn vị của họ không được phép bán than ra ngoài. Thế nhưng, ở Quảng Ninh hay Thái Nguyên, chúng tôi đều dễ dàng mua được than với số lượng rất lớn.
Cho vài triệu đồng là vào múc
Cuối năm 2018, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện một số vụ buôn than lậu, trong đó, than được cho vào bao tải xếp ở phía dưới xe rồi dùng các thùng nhựa đựng rau, hoa quả ngụy trang bên trên. Tháng 12/2018, chúng tôi cũng phát hiện một vụ tương tự tại tỉnh Thái Nguyên: một nhóm lao động dỡ những bao ngô từ xe tải xuống, bên dưới là các bao tải chứa than.
|
Be bờ, hút than dưới mương hóa chất ở cả phường Cẩm Sơn và Cẩm Phú của TP.Cẩm Phả |
Anh C. - người từng làm lái xe trong mỏ than - thẳng toẹt: “Do mấy ông ở trong mỏ thông đồng với nhau, họ móc nối giữa lái xe, bảo vệ, nhưng chủ yếu là người điều hành đội xe. Họ múc dưới moong lên cả than lẫn đá rồi chở về các đơn vị tư nhân xung quanh mỏ. Có khi than đẹp, lái xe chở lên bãi thải đổ gọn một đống, sau đó máy xúc đến xúc đi. Như đơn vị tư nhân là Công ty Hiền L. chỉ được khai thác hầm lò ở một khu, nhưng cứ chập choạng tối, họ lại đưa xe, đưa máy đến múc than khỏi moong, có khi bán ngay, có khi để vài hôm rồi bán”.
Ông Hùng A. - từng làm chủ một doanh nghiệp than, giờ đã giải nghệ - kể, khi còn làm, ông cho mỗi “tay” mấy trăm nghìn đồng là họ bán than cho ông mà không cần qua trạm cân, cũng chẳng có hợp đồng. Ông H. - “trùm” than kiêm trưởng xóm ở xã Phúc Hà mà chúng tôi đề cập trong bài trước - cũng tiết lộ: “Hàng của nhà tôi do chúng nó tuồn ra, không có hóa đơn nhưng đảm bảo”. Vợ ông H. cũng khẳng định: “Nhà tôi có ô tô, máy xúc cả đoàn, cứ đánh vào lấy. Nói thật với các cậu là mua chui, nhập hàng dễ như không, nhất là cuối năm. Đêm mới làm, mới đánh ô tô, máy xúc đi xúc ở bãi của mỏ”.
Bà nói thêm: “Thực ra, ông bảo vệ không có quyền để tuồn than ra mà là sếp trên chỉ đạo, bảo vệ chỉ là bia đỡ đạn thôi. Cứ múc một, hai đêm thì tôi cho vài triệu. Nếu không cho thì chúng nó (bảo vệ) cũng phải lờ đi, coi như không biết. Làm đến đâu, chở đến đấy. Mỗi lần tôi nhập hàng về là xe chạy một, hai ngày. Không lấy nay một xe, mai một xe đâu, mà làm liền một lúc 70 - 80 xe mang về, hết lại lấy tiếp. Năm kia ba, bốn bảo vệ bị “hạ cánh” đấy, vì chúng nó tham tiền. Nhưng nó hạ cũng là để bao che cho sếp thôi”.
|
Một người dân mua được than đá từ “trùm” than |
Sợ chúng tôi không tin, vợ chồng ông H. tiết lộ: “Bình thường, các cậu không đường đường chính chính lên mỏ lấy một, hai xe được. Nhưng lượng than nghìn tấn hay vài nghìn tấn, các sếp cho vào kế hoạch cuối năm như đổ thải chẳng hạn, thì có. Tuy vậy, không phải mình “ăn” được cả, chỉ được tí ti. Mình lên lấy là mình phải trả tiền cho họ chứ. Sếp to hẳn thì không cần, nhưng quản đốc lại cần chi phí để lo việc này việc kia. Sếp nhỏ nhất phải là quản đốc thì mới làm được. Nói chung các cậu không hiểu được đâu”.
Từ làm than thủ công đến quy mô lớn
Không ngang nhiên như ở Thái Nguyên, các hoạt động than lậu ở Quảng Ninh có vẻ tinh vi hơn và cũng nhiều phương thức hơn. Một con mương lớn (bà con gọi là mương hóa chất) chảy từ chân núi cũng là công trường khai thác than - kéo ra vịnh Bái Tử Long, là ranh giới tự nhiên của hai phường Cẩm Sơn và Cẩm Phú của TP.Cẩm Phả. Ở hạ nguồn, những năm trước, người dân đi vớt than trôi, chia nhau be bờ, hút than bùn như đi hội. Càng mưa lớn, than trôi càng nhiều, bà con cứ bì bõm như rái cá để mò vớt than. Có bận, nước lớn cuốn cả người ra vịnh, thiệt mạng. Sau này, việc vớt than, hút than bị cấm, bà con không còn xuống vớt, nhưng những chiếc máy thì vẫn chạy phành phạch suốt ngày.
Ở bờ mương bên phía P.Cẩm Sơn là các hộ dân của ngõ 21 Hoàng Quốc Việt. Than hút lên, lọc qua sàng, qua bể rồi phơi đầy sân vườn. Lúc khô thì gom lại thành những đống to tướng, lù lù trong sân. Phía P.Cẩm Phú là những bãi đất trống nên việc lọc, lắng than càng thêm thuận lợi. Cả bên trên lẫn dưới mương đều được be bờ chia ô, mỗi nhà cắm máy bơm hút ở một khoanh. Ở quãng mương hạ nguồn này, hàng chục cái máy hút than thi nhau hoạt động.
Trên đường Bình Trung thuộc P.Cẩm Phú, những hộ nhỏ, lẻ thu gom, tập kết, trung chuyển than. Dọc đường, rất nhiều xưởng bên ngoài đề “xích, nhíp ô tô” nhưng cánh cửa kim loại màu xanh thường khép, chúng tôi zoom máy ảnh từ cửa kính xe ô tô thì thấy bên trong toàn là than chứ không có xích hay nhíp.
Ở P.Cẩm Phú, khi dự án cụm công nghiệp được phê duyệt, xít trở thành vật liệu để san lấp nền. Do được phép chở xít lấp nền, các hoạt động tuyển rửa than đã diễn ra công khai. Phía ngoài là công nhân rửa xít lấy than hoàn toàn thủ công, bên trong ban quản lý cụm công nghiệp có cả hệ thống máy móc sàng rửa của tư nhân chạy xoành xoạch, cả chục công nhân vừa phụ trách máy sàng, vừa lọc lắng than trong bể chứa. “Hiện trường” phơi than bùn, tập kết than cám thay đổi liên tục, mỗi ngày chúng tôi đến lại thấy một điểm phơi than khác nhau, lúc thì trong khuôn viên ban quản lý dự án, khi thì ngay ngoài cổng.
Mênh mông nhất, phải kể đến bãi đổ thải của Công ty Tuyển than Cửa Ông thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Khắp mấy trăm héc-ta bãi thải này, ngoài xe goòng của Công ty Tuyển than Cửa Ông ra, còn có hàng trăm lượt xe tải chạy ra, chạy vào bãi, rất khó để nắm được đâu là xe của công ty này, đâu là xe của tư nhân. Trên bãi thải, hoạt động rửa xít lấy than, phơi than, xúc, chuyển than diễn ra suốt nhiều ngày.
Mấy năm trước, công ty này đã bị phát hiện đổ xít ra vịnh Bái Tử Long dù đã có lệnh đình chỉ của cơ quan chức năng. Ngày 25/1/2016, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Cẩm Phả đã có báo cáo gửi UBND TP.Cẩm Phả: tại ô số 5 thuộc lô L9 của dự án khu lấn biển cọc 6 do Công ty Kinh doanh bất động sản Vinacomin làm chủ đầu tư, Công ty Tuyển than Cửa Ông đổ xít thải tạo mặt bằng có diện tích lên đến 300ha, cốt cao nhất là 8m khi chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất để đổ đá xít tại mặt bằng trên.
Cũng theo báo cáo trên, Công ty Tuyển than Cửa Ông đã cho 10 hộ dân vào bãi xít tại ô số 5 sàng tuyển, tận thu cám xít. Mấy tháng sau khi nhận báo cáo, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chính thức có văn bản số 2980/UBND-QH2 cho phép Công ty Tuyển than Cửa Ông được đổ xít thải tạm trữ tại ô số 3 và ô số 5 thuộc mặt bằng lấn biển hình thành cụm công nghiệp Cẩm Phả. Điều đáng nói là đến nay, các hộ dân vẫn tuyển rửa xít để tận thu than, dù việc này từ lâu đã không được phép. Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được, “trùm than” Phương Th. chính là một trong hai gia đình tuyển rửa nhiều nhất, bán than với số lượng lớn nhất ở đây.
Theo cán bộ phường Quang Hanh và Cẩm Phú, “than đó chỉ dùng để trộn đóng than tổ ong thôi; để các hộ dân làm, tận dụng, đỡ phí”. Nếu vậy thì tại sao bà Phương Th. có thể cung cấp cho chúng tôi nhiều loại than tốt với số lượng rất lớn?
(còn nữa)
Uông Ngọc