Thận ứ nước ở thai nhi, phải điều trị sớm sau sinh

18/04/2017 - 15:12

PNO - Nhiều trường hợp thận ứ nước ở thai nhi khi được phát hiện bác sĩ (BS) chỉ định phải theo dõi, tái khám sau sinh, nhưng nhiều gia đình đã chủ quan khi thấy sau sinh trẻ vẫn sinh hoạt bình thường.

Cần tái khám ngay sau sinh

Tại khoa Khám bệnh chất lượng cao, BV Nhi Đồng 2, TP.HCM, chị N.T.A (30 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đang ngồi chờ lấy kết quả sau khi con trai hai tháng tuổi được BS kiểm tra vì bé bị sốt, tiểu ít.

Chị kể: “Khi tôi mang thai, các kết quả xét nghiệm đều bình thường, cho đến tuần 30 (gần bảy tháng), kết quả siêu âm lại phát hiện thận phải thai nhi ứ nước nhẹ. BS nói không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, chỉ yêu cầu theo dõi thai đúng kỳ và sau khi sinh phải kiểm tra bé lại”. 

Thận ứ nước ở thai nhi là một tình trạng bệnh lý bẩm sinh gây ra do hẹp hay tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang. Nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh là do hẹp khúc nối bể thận niệu quản. Siêu âm tiền sản có thể phát hiện thận ứ nước từ tuần lễ thứ 16 của thai kỳ.

Theo BS Phan Tấn Đức - Trưởng khoa Niệu, BV Nhi Đồng 2, dịch vụ tư vấn tiền sản cần lưu ý thai phụ và người nhà sau khi sinh nên đưa trẻ đến chuyên khoa tiết niệu khám lại để tầm soát bệnh thận ứ nước ở trẻ sơ sinh. Đối với những trẻ đã được chẩn đoán tiền sản là bị thận ứ nước thì sau sinh từ một tuần - một tháng, phải tái khám để kiểm tra lại.

Than u nuoc o thai nhi, phai dieu tri som sau sinh
Chuẩn đoán thận ứ nước ở thai nhi 

“Nếu thận ứ nước một bên, bên còn lại bù trừ tốt thì sau khi sinh trẻ vẫn đi tiểu bình thường, phát triển bình thường; nhưng cũng chính vì vậy mà bệnh lý này dễ bị cha mẹ bỏ qua. Nếu không kiểm tra lại, về lâu dài mỗi lần trẻ đi tiểu,anước tiểu sẽ trào ngược, ứ đọng gây nhiễm trùng, thận sẽ bị tổn thương dần dẫn đến hư thận.

Theo thống kê, khi siêu âm tiền sản đánh giá đường kính của bể thận > 20mm thì nhiều khả năng phải can thiệp sau sinh. Thực tế, vẫn có những trẻ sau sinh sẽ phục hồi hoàn toàn nên phụ huynh cũng không cần quá lo lắng”, BS Tuấn phân tích.


Tuy nhiên, có những trường hợp thai nhi nhưng không phát hiện ra trong thai kỳ do siêu âm không đầy đủ. Nhiều thai phụ không tuân thủ đúng chỉ định, lời dặn của BS và bỏ qua một số thời điểm quan trọng cần khám. BS Tuấn lưu ý: “Vai trò của siêu âm tiền sản rất quan trọng vì thực hiện đầy đủ sẽ phát hiện được thận ứ nước trong thai kỳ, từ đó điều trị sớm, tránh hậu quả nghiêm trọng về sau”. 

Nguy cơ cao ở trẻ biếng ăn, chậm tăng cân 

Đối với những trường hợp bị thận ứ nước, triệu chứng dễ nhận biết nhất là trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, tiểu đục, tiểu lắt nhắt. BS Tuấn cho biết: “Đa số trẻ đến khám phát hiện thận ứ nước đều bị suy dinh dưỡng.

Sau khi phẫu thuật điều trị thận ứ nước, trẻ thường tăng 1-2kg. Tuy nhiên, không phải trẻ nào suy dinh dưỡng cũng đều bị thận ứ nước. Triệu chứng nặng hơn là bụng trẻ sưng to bất thường, đau bên hông, đau bụng. Điều trị thận ứ nước chủ yếu là phẫu thuật, tùy trường hợp sẽ mổ hở hay mổ nội soi.

Thường trẻ trên ba tháng tuổi sẽ được chỉ định mổ nội soi và phục hồi sau một tuần. Trường hợp mức độ  thận ứ nước nhẹ thì theo dõi, nếu trẻ phục hồi được, tình trạng bệnh không tăng nặng thêm thì không cần mổ”. Đáng lo là nhiều phụ huynh dù biết con bị thận ứ nước nhưng thấy trẻ không có triệu chứng gì nên không đưa con tái khám. Đến khi bên thận khỏe không gánh nổi cho bên thận yếu thì đã muộn, tình trạng đã chuyển sang suy thận, buộc phải mổ và thay thận.

Cần lưu ý, nước tiểu bị ứ đọng ở thận sẽ làm dãn bể thận, dãn các đài thận, gây nên tình trạng thận ứ nước. Thận ứ nước nhiều và kéo dài sẽ gây nhiễm trùng tiểu, suy giảm chức năng hoạt động của thận, dẫn đến suy thận. Nếu bệnh nhi sơ sinh còn mắc thêm những chứng bệnh bẩm sinh khác thì càng nguy hiểm và việc điều trị càng phức tạp hơn.

Vì vậy, thai phụ nên siêu âm tiền sản đầy đủ tại cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán trước sinh. Siêu âm là một xét nghiệm ít xâm lấn và tốt cho chẩn đoán thận ứ nước ở thai nhi. Kết quả siêu âm sẽ giúp BS tư vấn chính xác cho bà mẹ chăm sóc thai nhi trước và sau sinh; đồng thời có những biện pháp can thiệp kịp thời khi trẻ ra đời.

Đối với những trường hợp không chẩn đoán được bệnh trước, nếu trẻ có các biểu hiện như: đau bụng, nhiễm trùng đường tiểu (đái dắt, đái buốt, đái đục), bụng nổi gồ lên bất thường (khối u bụng)… phụ huynh phải đưa trẻ đến BV để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI