Thận trọng với tiền giả trong dịp tết

06/01/2023 - 06:38

PNO - Đổi tiền giả là một hoạt động phạm pháp và vào dịp cuối năm thì hoạt động này lại gia tăng. Trên mạng xã hội, nhiều đối tượng đang công khai rao đổi tiền giả mệnh giá lớn. Các cửa hàng kinh doanh cũng thường gặp phải tiền giả.

"Tuồn" tiền giả vào chợ, tiệm tạp hóa

Chị T. - tiểu thương chợ Xóm Chiếu, quận 4, TPHCM - cho hay, những ngày cuối năm, mặc dù chị đã căn dặn nhân viên bán hàng phải kiểm tra thật kỹ tiền của khách hàng đưa, nhưng tiền giả vẫn lọt vào sạp hàng của chị. Hôm 28/12, kiểm tiền cuối ngày chị phát hiện một tờ tiền 200.000 đồng mới tinh nhưng hoa văn nhợt nhạt. Chị kiểm tra bằng cách đặt tờ tiền vào lòng bàn tay và bóp lại thì tờ tiền bị nhàu nát, không bung như tiền thật. “Bằng kinh nghiệm của mình, tôi chắc chắn đây là tiền giả” - chị T. quả quyết. Và chị T. còn cho biết thêm, những năm gần đây, chị và một số tiểu thương cũng thường gặp tiền giả vào dịp cuối năm. Tiền giả được làm rất tinh vi, không khác tiền thật là mấy, nhưng tiểu thương vẫn có cách nhận diện. 

Anh L.T.Q. - nhân viên bán xăng ở quận Bình Tân - cho biết, trên thị trường không chỉ có tiền giả mệnh giá lớn mà còn có cả mệnh giá nhỏ. Lợi dụng tâm lý “chỉ chú trọng kiểm tra tiền mệnh giá lớn”, không ít đối tượng đã dùng tiền giả loại 50.000 đồng và 100.000 đồng để đổ xăng. “Từ tháng 10/2022 đến nay, tôi đã 3 lần nhận phải tiền giả. Các đối tượng sử dụng tiền giả thường chọn thời điểm đông khách để ra tay. Lúc ấy, nhân viên vừa lo bơm xăng, thu tiền, vừa lo quản lý tiền nên không thể để ý tiền giả. Khi nộp tiền lại cho kế toán thì mới bị phát hiện” - anh L.T.Q. cho biết.

 

Rao bán tiền giả công khai trên mạng dịp cuối năm
Rao bán tiền giả công khai trên mạng dịp cuối năm

Những ngày cuối năm, các tiệm tạp hóa ở TP Tuy Hòa và huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) cũng liên tục nhận phải tiền giả. Các đối tượng sử dụng tiền giả thường chạy xe máy đến các tiệm tạp hóa mua hàng. Khi trả tiền, chúng dùng tờ 20.000 đồng tiền thật đè lên tờ 500.000 đồng tiền giả để đưa cho chủ tiệm. Do trị giá hàng hóa các đối tượng mua chỉ khoảng 100.000 đồng nên chủ tiệm phải thối đến 400.000 đồng tiền thật.

Tiền giả đang là nỗi ám ảnh của các cửa hàng, tiệm tạp hóa. Thế nhưng, nó đang được rao bán công khai trên mạng xã hội. Trên Facebook xuất hiện hàng loạt các nhóm “đổi tiền giả uy tín”, “tiền giả không cọc”, “đổi giả thành thật”… với số lượng thành viên lên đến hàng ngàn người.
Tuấn “Sakai” - admin của trang “Đổi tiền giả không cọc” - cho biết, hiện anh ta đang sở hữu một lượng lớn tiền giả mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng. Số tiền giả này giống tiền thật đến 95%. Người mua có thể xem hàng trước, nếu thấy không giống thì “bao đổi trả”. Đặc biệt, số xê ri của tiền giả khác nhau, không trùng lặp. Tiền được thiết kế có độ đàn hồi tốt nên khi sử dụng rất khó bị phát hiện.

“1 triệu đồng tiền thật đổi được đến 1,7 triệu đồng tiền giả. Chỗ tôi làm ăn uy tín, nhận tiền rồi mới thanh toán, không yêu cầu cọc nên không lo lừa đảo. Nếu đồng ý mua, nhắn địa chỉ qua Zalo số 033xxxx221 tôi giao hàng tận nơi” - Tuấn trao đổi khi chúng tôi hỏi mua hàng.

Làm sao tránh được tiền giả?

Ngày 30/12, cơ quan công an đã bắt giữ Huỳnh Hoàng Thương (17 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) để điều tra về tội “Làm và tàng trữ tiền giả”. Theo cơ quan công an, Thương được Huỳnh Quốc Thái (ngụ huyện Bình Chánh) rủ làm tiền giả tại nhà số 11 Hải Đường, khu dân cư Phong Phú, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Từ tháng 11 đến ngày 10/12, nhóm này đã sản xuất khoảng 1.200 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng. Khi số tiền giả nói trên được mang ra TP Đà Nẵng tiêu thụ thì bị cơ quan an ninh điều tra phát hiện và bắt giữ. Hiện, Thương và một số đối tượng khác ở TPHCM được cơ quan chức năng di lý ra Đà Nẵng để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM đã bắt giữ 4 đối tượng liên quan đến việc sản xuất, mua bán tiền giả. Nhóm này lên mạng xã hội rao bán tiền giả với tỉ lệ là 4 triệu tiền thật mua được 10 triệu tiền giả.

 

Một đối tượng đang khai nhận quy trình sản xuất tiền giả bằng máy in với Cảnh sát hình sự Công an TPHCM
Một đối tượng đang khai nhận quy trình sản xuất tiền giả bằng máy in với Cảnh sát hình sự Công an TPHCM

Qua đấu tranh, khám phá các vụ sản xuất tiền giả, cơ quan chức năng nhận thấy đặc điểm nhận biết tiền giả là tiền giả polymer mệnh giá 500.000 đồng thường có số xê ri FV, MF, XR, BF, BH, MA, XZ, XJ, HO, UE. Với tờ 200.000 đồng thường có số xê ri OC, QR, SX, KJ, TL, VY.

Tiền giả thường có hoa văn không sắc nét. Lớp mực in dễ bị bong tróc. Cửa sổ tờ tiền được làm giả bằng cách khoét thủng nền giấy rồi dán ni lông. Khi soi dưới đèn cực tím, khu vực cửa sổ phát quang, xê ri dọc và xê ri ngang không phát quang… Đặc biệt, tiền giả trên thị trường hiện chưa làm giả được các yếu tố bảo an như: nét in nổi, hình bóng chìm, dây bảo hiểm, cụm số mệnh giá dập nổi trong cửa sổ lớn, hình ẩn trong cửa sổ nhỏ, dải màu vàng chạy dọc tờ tiền, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng và mực không màu phát quang. Người dân có thể căn cứ vào các dấu hiệu này để nhận diện tiền giả.

Đại tá Trần Văn Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM - cảnh báo, thời điểm cuối năm, người dân thường cần một lượng lớn tiền mặt để mua sắm và lì xì theo truyền thống, nên đây là thời điểm để các đối tượng lợi dụng tung tiền giả ra thị trường. Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo lực lượng an ninh và cảnh sát tăng cường nắm tình hình tiền giả trên không gian mạng và cả ngoài thị trường. Khi phát hiện sẽ phối hợp xử lý ngay.
“Thời gian qua, Công an TPHCM cũng như trên cả nước đã phối hợp xử lý một số vụ việc sản xuất, mua bán tiền giả trên thị trường và cả trên mạng. Chúng tôi mong người dân khi phát hiện thông tin về tiền giả cũng như các hành vi vi phạm pháp luật thì hãy thông tin ngay để chúng tôi xử lý” - đại tá Trần Văn Hiếu trao đổi. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI