“Thần thánh hóa” hoạt huyết dưỡng não, bác sĩ nói gì?

08/11/2021 - 15:29

PNO - Được quảng cáo với đủ công dụng như chữa đau đầu, mất ngủ, ngăn ngừa đột quỵ, một số sản phẩm chứa Ginkgo Biloba đang được nhiều người sử dụng tùy tiện, kéo dài. Trong khi đó, các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên sử dụng thuốc theo kê đơn, tránh dẫn tới hậu quả do tương tác thuốc.

Hầu hết là thực phẩm chức năng

Kể từ khi bước sang tuổi 60, bà K.T.M. (Hà Đông, TP.Hà Nội) xuất hiện các triệu chứng mất ngủ, đôi khi chóng mặt, xây xẩm. Thường xuyên xem các chương trình quảng cáo, bà mua đủ loại thuốc hoạt huyết dưỡng não với suy nghĩ có thể giúp máu lưu thông, từ đó trị khỏi các vấn đề mình gặp phải. Sử dụng hoạt huyết dưỡng não thường xuyên hơn hai năm nay, nhưng tình trạng mất ngủ hay chóng mặt vẫn không dứt điểm nên bà luôn phải duy trì thuốc. 

 

Các bác sĩ khuyến cáo không tự tiện uống hoạt huyết dưỡng não và sản phẩm chứa Ginkgo Biloba  kẻo “lợi bất cập hại”
Các bác sĩ khuyến cáo không tự tiện uống hoạt huyết dưỡng não và sản phẩm chứa Ginkgo Biloba kẻo “lợi bất cập hại”

Mới đây, một nam bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng chấn thương tay nhưng không cầm được máu. Nguyên nhân được các bác sĩ tìm ra là do bệnh nhân này đã phẫu thuật và điều trị chống đông Heparin song trước đó, bệnh nhân thường xuyên dùng hoạt huyết dưỡng não gây chảy máu nhiều dẫn tới thiếu máu. Trường hợp này khiến bà K.T.M. vô cùng lo lắng, liệu việc tự ý uống hoạt huyết dưỡng não đều đặn trong thời gian qua có ảnh hưởng tới sức khỏe?

Phó giáo sư - tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, bà K.T.M. chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân đã tìm tới bác sĩ để tư vấn về việc sử dụng hoạt huyết dưỡng não. Trong số đó, ngoài nhu cầu điều trị mất ngủ, chóng mặt, nhiều bệnh nhân còn sử dụng với mục đích dự phòng, ngăn ngừa đột quỵ ở người già vì nghĩ rằng, loại “thần dược” này có khả năng lưu thông máu, không gây tắc nghẽn các mạch máu… Đây hoàn toàn là quan điểm sai lầm. 

“Hầu hết các loại hoạt huyết dưỡng não trên thị trường hiện nay đều là thực phẩm chức năng, không phải thuốc điều trị bệnh. Bên cạnh đó, hoạt huyết dưỡng não không có trong phác đồ điều trị đau đầu, chóng mặt hay đột quỵ hiện nay của Bộ Y tế. Do đó, nếu bệnh nhân hỏi nên dùng hoạt huyết dưỡng não trong trường hợp nào thì tôi khuyến cáo không nên sử dụng”, phó giáo sư - tiến sĩ Mai Duy Tôn thẳng thắn chia sẻ. 

Tùy tiện dùng thuốc có thể dẫn tới tương tác thuốc

Theo các chuyên gia, hoạt huyết dưỡng não là loại thuốc được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, thuốc chứa Ginkgo Biloba chiết xuất từ lá cây bạch quả được quảng cáo như thuốc bổ não, chữa nhiều bệnh: hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, tiểu đường, gút, giúp tăng lưu thông máu trong lòng mạch, tăng cường trí nhớ, thuốc bổ thần kinh… Bên cạnh hoạt huyết dưỡng não, các loại thực phẩm chức năng “bổ thần kinh” Ginkgo được giới thiệu là “xách tay” cũng “phủ sóng” trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau, trên dưới nửa triệu đồng. 

Tại một trang bán hàng trực tuyến, thực phẩm chức năng Ginkgo được chào bán với cả tá công dụng như: có khả năng tăng tuần hoàn máu lên não, hỗ trợ ngăn ngừa hiện tượng nhồi máu não, thiếu máu lên não, bảo vệ và làm giảm thoái hóa võng mạc, hỗ trợ giảm rối loạn thần kinh cảm giác, phòng ngừa và làm chậm tiến triển của bệnh Alzheimer; sử dụng cho cả trường hợp di chứng sau tai biến, chấn thương não, rối loạn mạch máu ngoại biên… 

Do nghe theo quảng cáo, nhiều người bệnh uống hoạt huyết dưỡng não mà không cần kê đơn, sử dụng với liều lượng và thời gian không cố định, kéo dài, không được theo dõi tác dụng phụ. Đây là vấn đề mà theo phó giáo sư - tiến sĩ Mai Duy Tôn, có thể gây ra những hậu quả đáng lo ngại. “Việc tùy tiện dùng thuốc có thể dẫn tới tương tác thuốc. Một số thuốc gây ra chống đông làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc. Đặc biệt, với người dùng các thuốc chống đông, liên quan tới bệnh lý đột quỵ, tim mạch, cần tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi sử dụng nhiều thuốc sẽ bị tương tác, các thành phần gây tương tác làm giảm tác dụng, mất tác dụng hoặc gây ra biến cố chảy máu. Thuốc không có tác dụng gây ra tắc mạch”, bác sĩ nói.

Đồng quan điểm, tiến sĩ - bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh, Phó Trưởng khoa Xét nghiệm huyết học (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), cảnh báo về việc tăng nguy cơ xuất huyết ở người bệnh chấn thương có dùng Heparin và Ginkgo Biloba.

Theo bác sĩ Ngọc Anh, Ginkgo Biloba được ứng dụng trong vấn đề chống ô-xy hóa, chống gốc tự do nhưng cũng gây giảm ngưng tập tiểu cầu với collagen nên gây chảy máu lâu cầm ở người bệnh chấn thương, đặc biệt người bệnh chấn thương có điều trị chống đông. Nếu người dùng thuốc chống đông như Sintrom, Heparin, Aspirin lại dùng song song thuốc chứa Ginkgo Biloba có thể làm tăng tác dụng các thuốc này và làm tăng nguy cơ chảy máu.

Do đó, khi bị chảy máu, người bệnh cần ngừng sử dụng thuốc chứa Ginkgo Biloba. Khi có chỉ định phẫu thuật thường quy có lịch phẫu thuật thì người bệnh cần ngừng sử dụng thuốc chứa Ginkgo Biloba hai tuần trước khi phẫu thuật. Ngoài ra, Ginkgo Biloba có thể gây đau đầu, chóng mặt, đánh trống ngực, buồn nôn và tiêu chảy nếu người có cơ địa dị ứng với hoạt chất này. 

Nên đi khám nếu thường xuyên đau đầu
Với các trường hợp thường xuyên đau đầu và nghĩ rằng cần sử dụng hoạt huyết dưỡng não, bác sĩ Mai Duy Tôn nhấn mạnh không nên tự tiện uống thuốc mà cần đến bệnh viện để thăm khám. Một số bệnh lý đau đầu liên quan đến vận mạch, có nhiều trường hợp là đau đầu lành tính. Tuy nhiên, trong gia đình nếu có người có tiền sử xuất huyết dưới nhện, đột quỵ… thì nên chụp cộng hưởng từ để loại trừ các bất thường liên quan đến nhu mô não, bất thường mạch máu, từ đó, có phác đồ điều trị hợp lý nhất. 

H.Anh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI