Thân phận phụ nữ 'dùng một lần'

15/10/2016 - 07:04

PNO - Những gã này kết hôn với phụ nữ Ấn Độ để hưởng của hồi môn, sử dụng họ làm “nô lệ” cho nhà chồng, sau đó bỏ rơi họ. Thậm chí, có gã kết hôn lần thứ năm, chỉ nhằm trục lợi.

Các giáo sư Đại học Lincoln (Anh) vừa công bố một báo cáo điều tra, qua đó gọi đích danh hành vi lừa đảo của một số đàn ông Anh gốc Á là bạo lực gia đình. Những gã này kết hôn với phụ nữ Ấn Độ để hưởng của hồi môn, sử dụng họ làm “nô lệ” cho nhà chồng, sau đó bỏ rơi họ. Thậm chí, có gã kết hôn lần thứ năm, chỉ nhằm trục lợi.

Báo cáo gọi nạn nhân của trò lừa tình và tiền này là phụ nữ “dùng một lần”. Mặc dù nhiều nạn nhân chôn chặt chuyện buồn của mình, nhưng sau hơn một năm xâm nhập thực tế, các học giả đã lần tìm được manh mối 57 phụ nữ ở Ấn Độ chịu chia sẻ sự thật đớn đau.

Hôn nhân của Sunita bắt đầu đúng như cách cô mơ về nó, là đám cưới tổ chức tại nhà hàng sang trọng ở bang Punjab (Ấn Độ), với hàng trăm khách mời, cô dâu mặc chiếc váy đỏ lộng lẫy. Sau đám cưới, chồng Sunita ở lại Ấn Độ với cô một tháng rồi trở về Anh. Từ ngày chồng đi khỏi, Sunita mỏi mòn đợi ngày cô sang Anh, nhưng mọi chuyện ngày càng khó hiểu.

Khi cô hỏi về ngày đoàn tụ, anh ta thoái thác là quá bận rộn. Trong khi đó, anh ta vẫn yêu cầu cô gửi tiền, có lúc còn nói cô gửi đồ đạc để chuẩn bị cho cuộc sống chung của hai người. Dần dần, chồng Sunita thưa thớt điện thoại. Cho đến ngày Sunita choáng váng với tin anh ta đã cưới một phụ nữ khác ở Anh trước khi kết hôn với cô.

Than phan phu nu 'dung mot lan'
Họa tiết vẽ bằng nhựa cây henna tạo thành hình giống hình xăm thường được phụ nữ các nước Nam Á vẽ trên tay trong ngày cưới.

Theo tập quán phổ biến ở Ấn Độ và một số quốc gia Nam Á khác, gia đình Sunita đã trao cho gia đình chồng cô khoản hồi môn gần 4.000 USD tiền mặt kèm theo số vàng trị giá 5.200 USD. Vậy mà, gia đình chồng còn xúm vào hành hạ cô sau khi sự việc bại lộ: “Khi tôi thắc mắc tại sao chồng tôi đã có vợ ở Anh mà vẫn cưới tôi, họ bèn đánh đập tôi”. Các nhà nghiên cứu chỉ ra, vấn nạn này cũng tồn tại ở các quốc gia Nam Á khác như Pakistan, Bangladesh, nơi có nhiều cô gái kết hôn với những người Nam Á định cư tại Anh, Mỹ, Canada và các nước phương Tây khác.

Tiến sĩ Sundari Anitha, giảng viên trường Khoa học xã hội và chính trị trực thuộc Đại học Lincoln trực tiếp nói chuyện với các nạn nhân trong nhiều chuyến đi của bà đến các bang Punjab, Delhi và Gujarat của Ấn Độ. Có những phụ nữ mất trắng 32.500 USD tiền hồi môn cho nhà chồng trước khi bị ruồng bỏ, hoặc bị chồng cưỡng hiếp, hoặc bị ruồng rẫy sau khi có con, thậm chí bị bỏ bê tại Ấn Độ để giúp việc nhà cho gia đình chồng.

Than phan phu nu 'dung mot lan'
Tiến sĩ Sundari Anitha nói rằng định kiến xã hội đối với những phụ nữ bị chồng ruồng bỏ rất nặng nề.

TS Anitha khẳng định, chính văn hóa gia trưởng ở Nam Á là nguyên nhân khiến cho việc bị bỏ rơi có thể hủy hoại cuộc đời người phụ nữ. Định kiến xã hội rất nặng nề có thể ảnh hưởng cả người thân của nạn nhân, chẳng hạn hôn nhân của chị và em gái họ sẽ khó khăn hơn. Còn người phụ nữ bị chồng bỏ thường khó kiếm việc làm, bị cộng đồng coi là “hàng hỏng bỏ đi”.

Tuy nhiên, nước Anh không chấp nhận tình trạng bỏ vợ một cách lừa đảo như vậy, người Anh coi đó là hình thức bạo lực gia đình và đề nghị bảo vệ những phụ nữ bị đàn ông Nam Á ở Anh ruồng bỏ, thậm chí ngay cả khi các nữ nạn nhân này không bao giờ đến Anh.

Bà Pragna Patel, giám đốc tổ chức hỗ trợ phụ nữ Southall Black Sisters đã làm việc với các học giả trong nhóm nghiên cứu và nói rằng, kết quả điều tra này là cơ sở để hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân. Theo các học giả Anh, các yếu tố cấu thành việc bị bỏ rơi (như tống tiền, lừa đảo, lạm dụng tình cảm, lạm dụng tài chính, kiểm soát, cưỡng chế) cũng như thân phận làm nô lệ có thể buộc những người chồng xảo trá ấy chịu sự truy tố của pháp luật hiện hành.

Bà Patel giải thích: “Một khi việc bỏ vợ được thừa nhận là hành vi bạo lực gia đình thì tất cả con đường pháp lý sẽ mở ra đối với nạn nhân, để họ tự vệ hay tìm cách truy tố người bỏ rơi mình, cũng như các biện pháp pháp lý khác”.

Than phan phu nu 'dung mot lan'
Nhà hoạt động nữ quyền Pragna Patel nói rằng việc thừa nhận bỏ vợ là một hình thức bạo hành gia đình.

Tháng trước, nhân viên Southall Black Sisters gặp phải trường hợp hy hữu, một người đàn ông kết hôn rồi lần lượt bỏ rơi năm phụ nữ, và lần nào anh ta cũng kiếm được món tiền lớn. Theo bà Patel, “đó chính là ngón nghề kinh doanh của một kẻ phạm tội ghê tởm mang quốc tịch Anh”.

Nếu chính quyền Anh phớt lờ hoặc không quan tâm đến việc lạm dụng này, nó sẽ trở thành “điểm đen” của nền văn hóa - những người đàn ông tiếp tục nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật để trục lợi theo kiểu “cưới vợ-nhận hồi môn-bỏ vợ”.

Bà Pragna Patel nhấn mạnh, truyền thông và các tổ chức xã hội phải thức tỉnh trước thực tế “bạo lực trong không gian xuyên quốc gia là hình thức mới chống lại phụ nữ và xuất hiện ngày càng nhiều”.

Liên quan vấn đề này, một phát ngôn viên Bộ Nội vụ Anh nói: “Chính phủ không dung thứ cho sự lạm dụng thông qua hôn nhân hay mối quan hệ khác. Anh là quốc gia đi đầu trong giải quyết tình trạng “nô lệ hiện đại”, chính quyền sẽ mạnh tay đối với hôn nhân cưỡng bức và bạo lực gia đình”.

Hoàng Diệu (Theo BBC, Newsweek)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI