Thân nhân đi "gửi" mẫu gen để tìm kiếm hài cốt anh hùng liệt sĩ

26/07/2024 - 11:50

PNO - Chiến tranh đã qua đi, nhưng tình yêu thương, trân quý và hy vọng của đồng đội, người thân của các anh hùng liệt sĩ vẫn bất diệt, cứ có cơ hội, mọi người lại tiếp tục đi tìm.

Sáng 26/7, hơn 30 thân nhân của các anh hùng liệt sĩ đã đến Trung tâm Y tế Vạn Hạnh (Q.3 TPHCM) từ rất sớm để tham gia buổi lấy mẫu gen cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính do Công an TPHCM tổ chức.

Khôn nguôi tìm kiếm các anh hùng liệt sĩ

Cùng người thân ngồi đợi đến lượt vào gửi mẫu gen với hy vọng sẽ tìm được chị ruột là liệt sĩ Lý Thị Thanh Dũng (SN 1944, hy sinh năm 1966), bà Lý Thị Sáu (73 tuổi, ở Bình Chánh) vừa hồi hộp, vừa xúc động mỗi khi nhắc về hành trình đi tìm chị của mình.

Bà Sáu xúc động kể về hành trình tìm chị gái của mình, ảnh Phạm An
Bà Sáu xúc động kể về hành trình tìm chị gái của mình. Ảnh: Phạm An

Bà Sáu nói, khi chị gái xin cha mẹ ra chiến trường, bà còn quá nhỏ để nhớ được gương mặt của chị mình. Chỉ biết năm 1975, có người đồng đội của chị về thăm gia đình, nói rằng chị gái đã trở thành liệt sĩ.

“Theo người báo tin, chị tôi làm hậu cần, hy sinh tại chân đèo Bảo Lộc, vị trí số 142 đi về hướng rừng Đồi Yên ngựa (Quốc lộ 20). Hy sinh cùng chị còn hai nữ đồng đội khác, một người ở Củ Chi và một chị ở Quảng Ngãi.

Lúc đó nhà tôi khó khăn quá, cha mẹ xót con gái lắm, nhưng không có điều kiện đi tìm. Mãi đến năm 2010, sau khi chuyển nhà đến Bình Chánh, còn dư chút đỉnh từ tiền bán ngôi nhà cũ, tôi bỏ hết công việc, đi tìm rước chị về nhà”, bà Sáu nói.

Suốt 2 năm, bà Sáu vừa đi tìm chị mình, vừa tìm cách báo tin cho người nhà của 2 nữ liệt sĩ cùng đơn vị của liệt sĩ Lý Thị Thanh Dũng. Không chỉ tìm ở nơi được chỉ điểm, các khu vực lân cận, hay có thông tin mới, bà đều đến, mà chị gái vẫn không thấy đâu.

Kinh tế cạn kiệt, bà Sáu lập bàn thờ giữa rừng, khấn nguyện nếu không tìm được hài cốt, xin đưa hương linh liệt sĩ Thanh Dũng về nhà nhang khói.

Bà Sáu tâm sự: “Sau khi tôi lập bàn thờ, trong tâm tưởng của tôi, chị tôi báo rằng đừng tìm nữa vì hài cốt cả 3 người đều không còn. Tôi lập bàn thờ cho chị tôi và liệt sĩ quê ở Quảng Ngãi, bởi vì tôi ra tới quê chị ấy thông báo thì không thấy người nhà chị ấy đâu, còn chị ở Củ Chi đã được người nhà thờ cúng”.

Kinh tế, sức khỏe không cho phép tiếp tục tìm kiếm, bà Sáu gửi mẫu vào Ngân hàng Gen tiếp tục tìm kiếm, ảnh Phạm An
Kinh tế, sức khỏe không cho phép, bà Sáu "gửi" mẫu vào Ngân hàng Gen tiếp tục tìm kiếm. Ảnh: Phạm An

Nghĩ về chị mình, về người đồng đội không có thân nhân, bà Sáu chọn ngày 27/7 hàng năm để cúng giỗ liệt sĩ Thanh Dũng cũng như tưởng nhớ các liệt sĩ vô danh khác.

Bà Sáu nhìn xa xăm: “Bây giờ, tiền bạc lẫn sức khỏe của con cũng không còn, nên cơ quan chức năng vừa nói làm xét nghiệm máu để tìm chị tôi, tôi mừng lắm. Hơn hết, dù chị tôi chưa được tìm thấy, nhưng chính quyền địa phương cũng rất quan tâm gia đình, chúng tôi cũng cảm thấy được an ủi vì mọi người vẫn luôn nhớ tới chị”.

Tăng tìm kiếm để các anh hùng liệt sĩ sớm được về nhà

Cũng như bà Sáu, khi được tin cung cấp mẫu Gen để tìm liệt sĩ, bà Huỳnh Thị Bảy (80 tuổi, ở Tân Phú) liền kêu con trai đưa đến Ngân hàng mẫu Gen để gửi mẫu máu, tìm liệt sĩ Huỳnh Văn Đáng (anh ruột của bà Bảy).

Bà Bảy đã lớn tuổi, nhiều bệnh, phải ngồi xe lăn, nhưng nhắc về thời khắc chia tay anh trai mình, bà vẫn nhớ như in. “Hai bên nội ngoại tôi, gia đình tôi đều có truyền thống cách mạng. Các cha, chú, và các anh xung phong ra chiến trường, phụ nữ và cả tôi nữa thì ở nhà làm hậu cần, nuôi quân.

Bà Bảy lấy dấu vân tay, nhờ nhân viên nhập liệu trước khi vào gửi mẫu Gen để tìm anh trai, ảnh Phạm An
Bà Bảy lấy dấu vân tay, nhờ nhân viên nhập liệu trước khi vào "gửi" mẫu Gen để tìm anh trai. Ảnh: Phạm An

Anh tôi lên đường khi tròn 20 tuổi, vài năm sau thì mất. Ngoài anh tôi, còn có rất nhiều người anh, chị trong họ hàng ra tiền tuyến. Khi hòa bình, tổng cộng 6 người hy sinh, nhưng chỉ có 2 người được tìm thấy, còn lại vẫn chỉ lập bàn thờ tạm.

Đau lòng nhất, người báo tin chỉ biết mọi người hy sinh, còn ngã xuống ở đâu thì không xác định được. Thế nên, có muốn thì gia đình cũng không biết nơi đâu mà tìm, nên khi nghe tin gửi Gen tìm anh, tôi đến ngay, có tìm được anh trai thì tôi mới yên lòng” - bà Bảy xúc động.

Ngoài bà Sáu, bà Bảy, còn có hơn 30 thân nhân của các anh hùng liệt sĩ chưa xác định được danh tính tại TPHCM và các tỉnh thành đã gửi mẫu Gen của mình trên hành trình tìm lại các liệt sĩ.

Ai cũng cảm giác mất mát khi không còn người thân yêu, nhưng mỗi lần nhớ về ký ức, mọi người không khỏi tự hào trước sự hy sinh anh dũng từ người cha, người anh, chị, em,… của mình.

Bà Bảy hy vọng sẽ sớm đưa anh trai về nhà, ảnh Phạm An
Bà Bảy hy vọng sẽ sớm đưa anh trai về nhà. Ảnh: Phạm An

Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó trưởng Phòng PC06 Công an TPHCM cho biết, việc sớm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là một trong những hoạt động hết sức ý nghĩa và nhân văn của thành phố.

Ngày 23/7 vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp với Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh đã ra mắt Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. Đây là bước chuẩn bị tốt nhất trong hành trình tìm kiếm, xác định danh tính cho các anh hùng liệt sĩ, vì thời gian, điều kiện môi trường khắc nghiệt không cho phép kéo dài.

Đưa các anh hùng liệt sĩ “gặp lại” thân nhân cũng là việc làm hết sức ý nghĩa và thiêng liêng. Đây cũng là dịp để tri ân, kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024).

“Những ngày qua, chúng tôi đang “chạy thật nhanh” thu thập mẫu Gen của thân nhân liệt sĩ, bởi đây là mệnh lệnh của cả trái tim. Chúng tôi tin tưởng và hy vọng một ngày không xa có thể xác định được danh tính cho các anh hùng liệt sĩ đưa về với người thân. Chúng tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các liệt sĩ và gia đình đã có nhiều đóng góp, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc” - Thượng tá Hồ Thị Lãnh chia sẻ.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI