Lấy chồng được gần 4 năm và con trai mới lên 3 tuổi nhưng Ngoan đã hơn chục lần viết đơn xin ly hôn. Cái thì chưa kịp ráo mực đã bị chính tay Ngoan xé bỏ, cái thì bị Toàn vò nát khi vô tình nhìn thấy, có cái được giấu kín trong đáy tủ sau những dằn vặt đắn đo.
Dù rất muốn nhưng Ngoan tự nhận thấy mình chưa đủ can đảm để vứt bỏ tất cả mà đi con đường khác. Ngoan hối hận nhiều lắm, trách mình sao bồng bột dại dột lấy chồng xa quê để giờ đường về quê mẹ cứ xa vời vợi. Nhưng vội vàng gì nữa khi mối tình gần năm năm đã chín muồi với bao thử thách sóng gió.
Ngoan cứ tưởng chẳng cản trở nào có thể chia lìa hai đứa nên mới quyết định kết hôn. Dù mẹ thở dài khi biết con yêu người cách xa gần một nghìn cây số, chị em gái khuyên can cần thật bình tĩnh để suy xét bởi khoảng cách giữa hôn nhân và tình yêu xa nhau lắm. Nhưng Ngoan bất chấp, chỉ cần được gần người mình yêu là đủ, dù ở chân trời góc bể nào cũng thấy hạnh phúc.
Ngoan và Toàn quen nhau trên chuyến tàu vào Nam thi đại học, Toàn ở tận cùng miền Trung còn Ngoan là con gái Tây Bắc. Kỳ thi năm đó, trớ trêu thay Ngoan đậu nguyện vọng 1 ở thành phố Hồ Chí Minh còn Toàn rớt, năm sau mới đậu vào trường sĩ quân lục quân ở ngoài Bắc. Hai đầu cách trở vậy nhưng tình yêu cứ dày thêm theo năm tháng, mỗi năm gặp nhau có hai lần.
Yêu nhau, những cánh thư tay, yahoo, điện thoại nối dài thêm tình yêu cho họ. Ngoan ra trường Toàn một năm, định bụng bám trụ thành phố để đợi người yêu ra trường nhưng gia đình giục về quê xin việc. Năm đó, Ngoan đậu biên chế ở một trường cấp hai gần nhà, ba mẹ yên tâm vì nghĩ con gái chắc không có ý định đi đâu nữa.
Nhưng liền năm sau, Toàn ra trường, được phân công tác về quê đã vội đưa ba mẹ ra nhà chào hỏi. Nhà gái ngần ngừ nhưng nhà trai hối thúc, tình yêu gần năm năm của đôi trẻ đâu phải chuyện đùa, ngăn cản rồi lỡ may chúng hận đời thì sao. Ba mẹ Ngoan đặt ra một điều kiện với Toàn là phải xin được việc cho Ngoan ở quê mới đồng ý cho cưới.
Nửa năm, có trường đã đồng ý nhận Ngoan về nhưng phải đợi một thời gian để có người về hưu mới vào được biên chế. Vả lại, tuổi tác không cho phép hai đứa chờ đợi lâu hơn nên nhà gái đồng ý tổ chức đám cưới. Cưới xong, Ngoan vẫn ở quê để đi dạy, đợi bố trí việc ở quê chồng mới chuyển vào. Khi mang thai được ba tháng, Ngoan mới chính thức về làm dâu nhà Toàn. Lúc chia tay ba mẹ để theo chồng, Ngoan vẫn tin mình lựa chọn đúng. Nhưng cuộc sống ở nhà chồng thực sự làm tan vỡ tất cả mộng mơ thời con gái của Ngoan.
Ba mẹ chồng còn khỏe nhưng chỉ làm vài sào ruộng cho vui, căn nhà ba gian xập xệ, chỉ cần một trận bão là có thể đổ sập. Vì đường sá xa xôi nên trước khi cưới, Ngoan chưa một lần về thăm. Toàn ở nhà với vợ được hai ngày thì phải trở về đơn vị để Ngoan vật vã một mình trong cơn ốm nghén. Mẹ chồng cứ nấu mãi món dưa cải kho mặn khiến Ngoan không thể nào nuốt nổi. Ngoan vốn ăn nhạt mà mẹ chồng nấu gì cũng vừa cay vừa mặn nên nhiều bữa, Ngoan chỉ biết ăn cơm chan canh.
Thêm nữa, chất giọng trọ trẹ của ba mẹ chồng Ngoan không hiểu hết mà không dám hỏi lại nhiều. Chỉ một tuần mà Ngoan đã bị ba mẹ chồng mắng vốn mấy lần vì bảo con dâu một đường lại đi làm một nẻo. Chưa kể, số tiền vốn ba mẹ cho phòng thân của Ngoan đã phải bổ sung vào công quỹ gia đình khá nhiều vì mẹ chồng bảo: “đồ đạc trong nhà tao sắm, giờ chúng mày dùng phải đóng tiền”.
Vợ chồng Ngoan phải thay ba mẹ chồng trả số tiền vay hơn trăm triệu với lý do đó là tiền lo cho Toàn ăn học. Trong sinh hoạt, mẹ chồng phân chia rõ ràng: ông bà lo tiền gạo, rau còn thức ăn tươi, chi phí điện do vợ chồng Ngoan trả. Thực ra, lúa gạo thì ông bà làm ruộng có sẵn, rau quanh nhà không thiếu nhưng nhà đâu chỉ ăn rau.
Ngoài ba mẹ chồng, nhà Toàn còn hai đứa em: một đứa đang học đại học, một đứa lớp 10. Trách nhiệm anh cả ả đầu, Ngoan phải lo cho em ăn học theo lời trao gửi của ba chồng. Cơn nghén chưa dứt, Ngoan lại đổ bệnh vì áp lực.
Lương của Toàn dùng để trả nợ và nuôi em còn lương của Ngoan để chi phí sinh hoạt. Chưa tới 3 triệu một tháng, phải chắt chiu lắm mới đủ, lấy đâu ra dành dụm sinh con. Số tiền Ngoan mang theo cứ vơi dần vơi mòn. Khổ nỗi, thấy Ngoan lo được, ba mẹ chồng lại tưởng con dâu có của nả cất riêng, ra sức bòn rút. Hễ có ai tới thu tiền hội phí, tiền đóng góp thì ba mẹ chồng đều gọi “Ngoan ơi, Ngoan à”.
Ngoan thấy mình khổ quá, chồng ở xa đâu thấu hiểu hết. Có bầu, Ngoan sút mất mấy cân, đứa con sinh non oặt ẹo khó nuôi. Nhiều lúc Ngoan muốn bỏ hết nhưng nghĩ đến tình yêu với chồng lại cố chịu đựng. Con không đủ tiền mua sữa vẫn gom góp vài trăm cho ông nội đóng tiền hội bảo thọ.
Con lớn thêm chút nữa, Ngoan cũng không dám may sắm gì cho mình, mấy bộ áo quần cũ rích mang lui mang tới. Vậy mà, có lần, Ngoan đóng thêm cái tủ bỏ quần áo, ba chồng nhất định không cho kê vào nhà vì “nhà này là nhà tao, mày muốn để cái gì thì phải hỏi ý tao trước đã”. Tức giận vợ chồng Ngoan chuyện gì là ông đuổi thẳng cổ.
Ngoan thấy nhục lắm, bao nhiêu công sức tiền bạc mình bỏ ra lo lắng cho nhà chồng cứ như phù du chẳng ai ghi nhận. Có đau ốm cũng không dám nằm lâu vì sợ mẹ chồng nhiếc móc đủ điều. Ngoan cứ nghĩ, mình có chết chắc họ cũng chẳng động lòng. Thấy chị em đồng nghiệp lấy chồng gần nhà mẹ, mệt mỏi còn có thể chạy về than thở cho vơi còn Ngoan cứ xa vời vợi.
Sống gần 4 năm, Ngoan vẫn chưa thích nghi được tất cả mọi thứ ở quê chồng càng làm cô nhớ nhà quay quắt. Lắm lúc, Ngoan muốn ly hôn để về với mẹ rồi đời muốn ra sao thì ra. Nếu được làm lại, chắc chắn Ngoan sẽ chẳng bao giờ lấy chồng xa.
Thanh Thảo