Các vị thuốc nam như xáo tam phân, mật nhân, đinh lăng rừng… một thời “làm mưa làm gió” khi người mua ráo riết săn lùng để trị ung thư (UT). Những ngày gần đây, tại các điểm bán lề đường, tiệm thuốc đông y, rất đông người dân đến mua bạch hoa xà thiệt thảo, bán chỉ liên, an xoa… vì “nghe đâu” trị được căn bệnh nan y này.
Lại thêm một làn sóng mới đang khuấy đảo thị trường thảo dược.
|
Chủ cửa hàng T.H đang tư vấn nhiều loại "thần dược" trị ung thư cho bệnh nhân |
Nhanh nhạy “cập nhật” nhu cầu
Sáng 23/3, sau gần một giờ quan sát ở “phố thuốc Bắc” Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM), chúng tôi ghi nhận, trong số 10 khách đến mua thuốc Đông y thì có bảy người tìm mua thuốc trị UT.
Là “mối quen” của tiệm thuốc T.H., bà Ngọc (ngụ tại tỉnh Long An) đến mua bạch hoa xà thiệt thảo và bán chỉ liên. Theo bà Ngọc, con trai bà bị bệnh UT tuyến tiền liệt.
Thay vì chữa trị tại bệnh viện, gia đình xin đưa con về nhà vì sợ dao kéo. “Tui nghe nói kết hợp hai loại này với nhau trị được UT. Mà hay thiệt, con tui mới uống hơn một tháng (khoảng 10kg, giá 150.000đ/kg), sức khỏe khá lên thấy rõ, ăn cơm được chứ không nằm một chỗ như trước” - bà Ngọc kể.
Trong lúc chúng tôi và bà Ngọc trò chuyện, chủ cửa hàng này liên tục gọi điện thoại đến mối hàng yêu cầu đem thuốc đến.
Theo chủ cửa hàng này, gần đây, nhiều người bệnh UT, bất kể dạ dày, ruột, gan, vú hay não... đều tìm mua hai loại thảo dược này.
“Cửa hàng không dám dự trữ nhiều vì khách thường mua theo đợt, tháng này “sốt” nhưng có thể tháng sau hạ nhiệt, chuyển sang loại thảo dược khác” - chủ cửa hàng này tiết lộ.
Trong vai người cần mua thuốc Nam trị UT, tôi đến cửa hàng T.P. trên phố này, một nhân viên hỏi: “Chùm ngây, an xoa đang được nhiều người mua, chị xài loại nào?”. Thấy tôi tỏ ra băn khoăn, người này tiếp tục chào mời: “Người miền Tây hay mua bìm bìm, chùm ngây, miền ngoài thì mua an xoa, có người mua luôn ba loại trộn chung cho hiệu nghiệm”(?!)
Nhiều người mắc bệnh UT thường có suy nghĩ: UT là “án tử”, uống hay không uống cũng sẽ chết nên… uống đại, vì vậy khi nghe đồn hoặc có người hướng dẫn thảo dược mới nào đó, lại tìm mua uống.
Đường Cộng Hòa (đoạn gần đường Tân Kỳ Tân Quý, Q.Tân Bình) từ lâu nổi tiếng là nơi bán các loại củ rừng, thảo dược “trị bá bệnh”.
Một người bán tại đây cho biết: “Thảo dược trị UT thì đủ loại, tùy cơ địa, người hợp người không, muốn mua loại nào cũng có”.
Trước đây, nơi này bán thảo dược trị UT chủ yếu là xáo tam phân, mật nhân, đinh lăng rừng, “hot” đến độ bán hàng trăm ký/ngày. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng người mua giảm hẳn, và người bán phải nhanh nhạy “cập nhật” thị trường, đáp ứng nhu cầu người mua theo… lời đồn.
Suy kiệt, tử vong vì tự điều trị
Cách đây một năm, ông Phạm Văn Tòng (ngụ tại tỉnh Trà Vinh) bị UT dạ dày. Sau một tháng nằm viện, ông Tòng xin bác sĩ cho về quê vì người nhà “tìm được bài thuốc hay”: uống bạch hoa xà thiệt thảo và bán chỉ liên. Lúc mới uống, ông bị tiêu chảy liên tục. Nghĩ cơ thể đang thải độc qua đường tiêu hóa nên ông tiếp tục uống. Sau đó, ông Tòng thấy cơ thể nhẹ nhõm, sảng khoái hẳn.
Tuy nhiên, chỉ sau hai tuần, ông Tòng suy kiệt dần, rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong chỉ sau hai ngày quay trở lại bệnh viện.
Bác sĩ (BS) Trần Nguyên Hà - Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - cho biết, đã gặp rất nhiều trường hợp đang điều trị UT nhưng tự ý cắt ngang để về nhà uống thuốc Nam, thuốc Bắc. Một số trường hợp quay trở lại bệnh viện khi bệnh đã trở nặng, không thể điều trị được nữa do bỏ mất “thời gian vàng” khiến khối u phát triển nhanh hơn.
Theo BS Hà, Tây y can thiệp vào bệnh, còn Đông y chỉ hỗ trợ giúp bệnh nhân thoải mái tinh thần hơn chứ không thể thay thế Tây y. “Đông y mang tính hỗ trợ nhưng cũng tùy biện pháp, không thể cứ nghĩ Đông y “lành tính” rồi áp dụng tùy tiện. Ví dụ, có bệnh nhân vừa uống thảo dược, vừa kết hợp châm cứu nhưng nếu bị UT xương mà đi châm cứu thì rất nguy hiểm” - BS Trần Nguyên Hà cảnh báo.
Về trường hợp con trai bà Ngọc, BS Trần Nguyên Hà cho rằng, với UT tiền liệt tuyến, nếu phát hiện sớm, tỷ lệ điều trị thành công cao. Vì nghe theo lời đồn mà bà đem con về nhà tự điều trị, dấu hiệu ăn ngon miệng, ngủ ngon hơn là do tâm lý chứ không phải do bệnh UT thuyên giảm.
Bởi khi nghe mắc bệnh UT, hầu hết bệnh nhân sẽ suy sụp tinh thần, không thiết ăn uống do nghĩ mình sắp chết.
Có lẽ do nghe nói có thảo dược trị dứt bệnh UT, con trai bà Ngọc có niềm tin, hy vọng, nghĩ mình sẽ thoát khỏi bệnh ngặt nghèo nên tinh thần phấn chấn, ăn ngon, ngủ ngon. Hơn nữa, các loại thảo dược có công dụng hỗ trợ, bồi bổ sức khỏe nên sau khi uống, bệnh nhân sẽ có cảm giác khỏe mạnh, thoải mái, phấn chấn hơn.
Tuy nhiên, cảm giác khỏe chỉ ở giai đoạn đầu, nếu không kịp thời dùng các phương pháp Tây y để khắc chế tế bào UT thì khối u sẽ phát triển nhanh chóng, bệnh nhân dần dần suy kiệt.
BS Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên bộ môn Y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược TP.HCM - cảnh báo: “Ngay trước Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cũng có người đến bán bạch hoa xà thiệt thảo, bán chỉ liên, xạ đen; bệnh nhân cứ ùn ùn kéo nhau mua, dù đã được các BS khuyến cáo không nên tùy tiện sử dụng. Sự thiếu hiểu biết của người bán, người mua khiến cho nhiều bệnh nhân lẽ ra có thể điều trị dứt bệnh đã phải sớm lìa đời oan uổng”.
BS Huỳnh Tấn Vũ cho biết thêm, hễ rộ lên thông tin một loại thảo dược mới trị UT thì không chỉ các tiệm thuốc đông khách mà ngay tại nguồn cũng “nhộn nhạo”. Không ít người băng rừng, lội suối, bỏ cả công việc đi vào rừng sâu tìm thảo dược để bán cho thương lái.
Có trường hợp bỏ việc để săn thảo dược nhưng sau đó lại bán không được, cả gia đình rơi vào túng quẫn; trường hợp khác thì gặp tai nạn đau lòng như té gãy tay, gãy chân, bị rắn cắn... Nghiêm trọng hơn, vì săn lùng ráo riết, khai thác không đúng cách, nhiều loại thảo dược bị đe dọa tuyệt chủng. Nhiều loại trước đây bạt ngàn nhưng giờ nằm trong danh sách đỏ như hoàng đàn, kim ngân, xáo tam phân, thổ phục linh...
Mặt khác, khi thấy người dân đồn thổi “thần dược” nào thì nông dân cũng đua nhau trồng. Điển hình như tại Thanh Hóa, ở một số huyện như Cẩm Thủy, Yên Định, Thạch Thành, Thọ Xuân... khi nghe mọi người đồn chùm ngây có thể chữa khỏi UT, bệnh nhân ùn ùn kéo nhau mua, nông dân nơi đây đã tự ý trồng hàng trăm héc-ta chùm ngây thay thế cho các loại cây trồng khác, nhưng đến kỳ thu hoạch, cây chùm ngây không còn “sốt”, bệnh nhân chuyển sang săn lùng một loại thảo dược khác khiến người trồng chùm ngây lao đao vì không tìm được đầu ra.
|
Thanh Hoa