Vắc xin giúp nhân loại vượt qua đại dịch ra sao?

Thần dược thay đổi thế giới

20/07/2021 - 06:51

PNO - Ngoài phòng ngừa dịch bệnh hữu hiệu, vắc xin còn mang đến các giá trị xã hội và thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác quốc tế.

Sau đại dịch COVID-19, thế giới chắc chắn sẽ hoàn toàn thay đổi. Nhưng có một điều sẽ không thay đổi, đó là con người chỉ có thể chấm dứt dịch bệnh bằng vắc xin. 

Bảo vệ sức khỏe đi kèm phát triển xã hội

Như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, ngay từ lúc khởi thủy, liệu pháp vắc xin vấp phải sự nghi ngại về tính an toàn. Do vậy, nhân loại phải trải qua một chặng đường dài vừa âu lo, vừa bấu víu vào tiêm chủng. Bệnh truyền nhiễm từng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Điều này xảy ra ngay cả ở các nước phát triển nhất. 

Chính quyền bang Punjab (Ấn Độ) triển khai vắc-xin DPT3 với sự hỗ trợ của chương trình tiêm chủng mở rộng toàn cầu (EPI) từ tháng 1/2018 ẢNH: REUTERS
Chính quyền bang Punjab (Ấn Độ) triển khai vắc-xin DPT3 với sự hỗ trợ của chương trình tiêm chủng mở rộng toàn cầu (EPI) từ tháng 1/2018 - Ảnh: REUTERS

Kể từ những bước dò dẫm đầu tiên của Edward Jenner, Louis Pasteur cách đây ba thế kỷ, ngày nay, chủng ngừa trở thành giải pháp vượt trội giúp đẩy lùi nguy cơ tử vong do bệnh dịch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính mỗi năm, có đến 3 triệu trường hợp sống sót nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng toàn cầu (EPI). Nghĩa là mỗi phút, thế giới có hơn năm người được vắc xin cứu sống.

Nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ tiếp tục xác nhận điều này. Trước khi có vắc xin, tỷ lệ trẻ em dưới hai tuổi tử vong do các bệnh truyền nhiễm rất cao. Sau nỗ lực của WHO thông qua EPI, năm 2018, khoảng 86% trẻ sơ sinh trên toàn thế giới (tương đương 116,3 triệu trẻ) đã tiêm ba liều vắc xin DTP3 ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván; 129 quốc gia đạt tỷ lệ bao phủ DTP3 ít nhất 90% dân số.

Tiêm chủng không chỉ mang lại thành công về mặt y tế mà còn mang ý nghĩa phát triển xã hội hết sức quan trọng. Bên cạnh cứu sống hàng triệu người trên toàn cầu hằng năm, vắc xin giúp tăng đáng kể tuổi thọ. Theo nghiên cứu của Thomas J. Philipson và Julia Thornton Snider thông qua chương trình tiêm phòng trẻ em tại Mỹ, kể từ khi vắc xin ra đời, ước tính tuổi thọ của nhân loại kéo dài thêm 15-25 năm. Các nhà nghiên cứu cho rằng, con số này có thể sẽ còn cao hơn nữa.

Nghiên cứu tại Pháp của Michel Allard và Armelle Thibert-Daguet cũng chứng minh, việc chủng ngừa để kiểm soát bệnh truyền nhiễm giúp con người “sống hết cuộc đời”. Cho đến thế kỷ XIX, cái chết luôn rình rập ở mọi lứa tuổi, “tuổi già” bắt đầu từ ngoài ba mươi trở đi và hiếm hoi mới có người còn tràn trề sức sống ở độ tuổi bốn mươi. Ngày nay, việc sống đến 70, 80, thậm chí 90 tuổi không còn hiếm. Hiện nay, cứ 10 người Pháp thì có ba người sống đến trên 80 tuổi và họ đều đã tiêm đầy đủ các loại vắc xin cần thiết.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế Việt Nam), vai trò của vắc xin là cực lớn. Nhờ tiêm phòng, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, nhiều bệnh chỉ còn rất ít như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván… Tuổi thọ người dân nâng lên đến 75 nhờ chương trình tiêm chủng quốc gia bảo vệ trẻ em. Tỷ lệ tử vong ở trẻ thấp, dẫn đến tuổi thọ trung bình tăng cao. Nhờ vắc xin, con người sống lâu hơn, chất lượng sống tốt hơn do bệnh tật được kiểm soát, dẫn đến chi phí chăm sóc y tế giảm. Những tác động lâu dài với cá nhân và cộng đồng đó đã góp phần lớn trong xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Vắc xin nối kết các nỗ lực toàn cầu

Ngoài những kỳ tích nêu trên, tiêm chủng còn đóng vai trò thúc đẩy và xây dựng sự hợp tác toàn cầu trong nỗ lực tăng khả năng tiếp cận vắc xin một cách bình đẳng.

Vắc-xin ngừa COVID-19 - ẢNH: GETTY IMAGE
Vắc-xin ngừa COVID-19 - Ảnh: Getty Image

Kể từ khi Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) được thành lập năm 2000, nhân loại vẫn không ngừng đối mặt với các dịch bệnh khác. Vấn đề tạo miễn dịch cộng đồng chống bệnh dịch luôn cấp thiết đối với y tế toàn cầu mọi thời đại. Virus Ebola gây thảm họa sức khỏe tàn khốc năm 2014-2015 là một cảnh cáo về việc thế giới đã xao nhãng với giải pháp tiêm chủng. Nhằm tăng cường nhận thức bảo vệ dựa trên miễn dịch đối với các bệnh mới và đẩy nhanh phát triển vắc xin, Liên minh Toàn cầu Vì sự đổi mới phòng bệnh dịch (CEPI) cũng ra đời tại Thụy Sĩ năm 2017.

Bên cạnh ngăn ngừa, kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh, tiêm chủng trở thành một thành tố không thể thiếu của chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tiếp cận vắc xin là “quyền không thể chối cãi” của con người. Đồng thời, nó tạo ra cơ hội tốt nhất để người ta có thể “mua” sức khỏe bằng tiền. 

Vắc xin còn giúp củng cố an ninh y tế toàn cầu và là công cụ đắc lực trong cuộc chiến với tình trạng kháng thuốc.

Tuy vậy, WHO cho biết, vẫn còn nhiều người chưa được tiếp cận vắc xin. Ở một số quốc gia, chương trình tiêm chủng đôi khi bị sự tự mãn làm cho thoái trào, nguy cơ những thành tựu trong quá khứ sẽ bị đánh đổ. Trước cột mốc COVID-19, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng toàn cầu dành cho trẻ em đối với các loại vắc xin mà EPI khuyến nghị vẫn giậm chân tại chỗ.

Nhưng, thế giới tả tơi trong đại dịch COVID-19 đã chứng kiến những bước tiến chóng mặt trong sản xuất vắc-xin. Bình thường, cần đến hàng chục năm nghiên cứu, thử nghiệm mới có một vắc xin được phép lưu hành với độ tin cậy gần như tuyệt đối về tính an toàn và hiệu quả phòng bệnh. 

Vắc xin quai bị đạt thời gian nghiên cứu nhanh kỷ lục cũng phải mất đến bốn năm. Đối phó thảm họa COVID-19, vắc xin đạt tiến độ thử nghiệm giai đoạn IV chỉ trong vòng sáu tháng. 

Giới y học từng cho rằng, cuộc cách mạng ngoạn mục nhất trong công cuộc bảo vệ loài người chính là vắc xin. Giờ đây, tiêm chủng vẫn tiếp tục là chiếc phao cứu sinh hữu hiệu trước COVID-19. Theo WHO, không phải vắc xin sẽ ngăn chặn đại dịch mà sự công bằng trong tiếp cận vắc xin mới giúp kết thúc cơn ác mộng của hành tinh. 

Thuốc điều trị có giúp kết thúc đại dịch?

Theo thông tin mới nhất, Mỹ đang thử nghiệm giai đoạn III thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 và có thể đưa ra thị trường cuối năm nay. Molnupiravir là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Công ty Rigibel (Đức) và Merck (Mỹ) dựa trên thuốc chữa cúm, có tác dụng ức chế và đào thải nhanh RNA của SARS-CoV-2, giúp cơ thể khỏi bệnh. Molnupiravir là thuốc uống và được cho là ít tác dụng phụ (nhức đầu, mất ngủ). Bệnh nhân có thể cách ly điều trị tại nhà trong năm ngày với chỉ định hai liều/ngày. Thử nghiệm lâm sàng pha I và II hoàn tất trước đó với hiệu quả 100%. Sau năm ngày, lượng virus trong cơ thể xuống đến ngưỡng không lây.

Tin mừng trên khiến nhiều người quay sang hò reo: thuốc điều trị COVID-19 mới là vị cứu tinh giúp chặn đứng đại dịch. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Hùng Vân - Hiệu trưởng Trường đại học Phan Chu Trinh - khẳng định không nên quá kỳ vọng vào thuốc điều trị bởi dù có Molnupiravir hay bất kỳ loại biệt dược nào khác, vắc xin vẫn là “chìa khóa” để kết thúc các đại dịch.

Theo bác sĩ Phạm Hùng Vân, Molnupiravir cũng chỉ đưa ra một vài cơ chế mà thuốc có thể tác động với virus nhưng không hẳn có thể điều trị hoàn toàn. Tiêm chủng vẫn là tối ưu. Đến giờ, vắc xin COVID-19 có ưu thế vì giới nghiên cứu đã biết rõ con đường lây lan và cơ chế sinh bệnh của virus, giúp vắc xin kích hoạt cho cơ thể tạo ra miễn dịch “đánh trúng đích”. Vắc xin lúc này cực kỳ hiệu quả và được chứng minh qua thực tế mà chúng ta đang thấy. “Nhiều vắc xin chỉ có hiệu quả tương đối trong việc ngăn khả năng lây.

Nhưng nếu xét về mặt giúp bệnh nhân không có triệu chứng, vắc xin có hiệu quả trên 90%. Về khía cạnh ngăn để bệnh không trở nặng, hiệu quả là 100%. Tôi muốn nhắc lại, cho đến nay, vắc xin vẫn là con đường tốt nhất để chiến thắng đại dịch COVID-19 và các bệnh dịch khác” - ông nói. 

Phó giáo sư - tiến sĩ dược Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, thuốc điều trị bệnh do siêu vi gây ra dựa trên cơ chế ức chế sự tăng sinh và giảm độc lực của virus. Trong khi đó, dựa trên nguyên lý, người ta kỳ vọng vắc xin sinh ra miễn dịch cộng đồng, giống như ta mang áo giáp ngăn virus xâm nhập cơ thể, vẫn tốt hơn. Còn thuốc điều trị chỉ can thiệp khi virus đã vào cơ thể và phát thành bệnh. Lúc đó, nó có thể gây biến chứng nặng, đồng thời còn có khả năng lây lan cho người khác. Hơn nữa, vắc xin dùng ngay cho người còn khỏe mạnh để có sẵn phản ứng miễn dịch đối phó khi virus xâm nhập, còn thuốc điều trị COVID-19 không thể dùng cho người lành, nếu dùng thì sẽ lờn thuốc. Cho nên, vắc xin vẫn hiệu quả hơn. 

Quốc Ngọc

(Còn nữa)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI