edf40wrjww2tblPage:Content
Trẻ đến khám bệnh tim tại khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Nguy cơ tử vong cao
Trung bình mỗi tuần, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 tiếp nhận bốn-năm trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh tím cần dùng đến thuốc Prostaglandin E1. Một ống thuốc 1ml dùng trong bảy ngày sẽ cứu mạng cho hai-ba đứa trẻ (mỗi bé chỉ dùng từ hai - ba ngày). Điều đáng lo ngại, BV Nhi Đồng 2 không còn loại thuốc này từ ba tháng qua.
BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó khoa Tim mạch, BV Nhi Đồng 2 giải thích: bệnh tim bẩm sinh tím có nhiều dạng như: chuyển vị đại động mạch, không lỗ van động mạch phổi kèm vách liên thất kín, liên thất hở… chiếm khoảng 30% trường hợp trẻ bị tim bẩm sinh. Phần lớn trẻ thuộc nhóm bệnh này không có máu lên phổi để trao đổi oxy nên bị tím tái nặng ngay sau sinh. Máu được lên phổi để cải thiện tình trạng thiếu oxy là nhờ một ống động mạch chuyển máu từ động mạch chủ vào phổi. Thông thường, chỉ 15 giờ sau sinh, ống động mạch này sẽ đóng lại. Vì vậy, để ống động mạch tiếp tục mở ra, đưa máu lên phổi thì buộc phải truyền thuốc Prostaglandin E1 vào tĩnh mạch, ngăn không cho ống động mạch đóng lại. Ngay cả những trường hợp không cấp cứu thì bệnh nhi cũng cần được truyền thuốc này sau sinh để BS theo dõi tình trạng bệnh, chủ động lên lịch trình mổ tim cho trẻ. “Tôi không rõ vì sao bị thiếu thuốc Prostaglandin E1. Hết thuốc này thì rất nguy hại cho các bé bị bệnh tim bẩm sinh dạng tím”, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói. |
Phản ánh đến báo Phụ Nữ, chị Đoàn Hương Vy (32 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) cho biết, cháu chị vừa sinh ra đã có biểu hiện khó thở, không chịu bú mẹ, hay quấy khóc và môi hơi tím. Sau đó, các bác sĩ (BS) chẩn đoán bé bị bệnh chuyển vị đại động mạch - một dạng bệnh tim bẩm sinh, nên chuyển gấp đến BV Nhi Đồng 2 điều trị. Không còn thuốc Prostaglandin E1 để cấp cứu, các BS đã liên hệ với BV Nhi Đồng 1 nhưng BV này cũng hết thuốc từ lâu. Trước tình cảnh này, cháu chị Vy buộc phải chuyển vào phòng thông tim để cấp cứu, thay vì chỉ cần tiêm thuốc.
Tương tự, tại BV Nhi Đồng 1, thuốc Prostaglandin E1 cũng đã hết cách đây năm tháng. BS Nguyễn Trí Hào, Khoa Tim mạch của BV này cho biết: mỗi tuần, BV có khoảng hai-ba trẻ cần dùng thuốc Prostaglandin E1. Trước đây, thuốc này không được bảo hiểm y tế chi trả, bây giờ được chi trả thì lại không có thuốc, các BV phải dùng đến phương án thông tim can thiệp. Nếu không có thuốc, trẻ nhập viện trễ nguy cơ tử vong cao.
Không chỉ có hai BV nhi, ngay cả Viện Tim TP và Viện Tim Tâm Đức cũng không còn thuốc Prostaglandin E1. PGS-TS-BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Tim Tâm Đức, Phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, cho biết: mỗi năm, Viện Tim Tâm Đức điều trị cho 600 trẻ bị tim bẩm sinh, trong đó mổ cho khoảng 20 ca bị chuyển vị đại động mạch, nhưng hiện cơ sở này cũng không có thuốc.
Theo ông Vinh, nguyên nhân “đứt hàng” là vì không có lợi nhuận nhiều nên các công ty không nhập về. TS-BS Lê Kim Tuyến, Viện Tim TP.HCM, cho biết, một số gia đình bệnh nhân đã phải sang Thái Lan tìm mua thuốc.
Một bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh chuẩn bị được mổ
Với những trường hợp cần tiêm thuốc Prostaglandin E1 để cải thiện sức khỏe, chuẩn bị cho cuộc mổ tim, vì không có thuốc nên BV phải mổ gấp. Nhưng những trường hợp này, sau mổ, trẻ thường phải nằm hồi sức lâu. Đồng thời, nguy cơ di chứng sau mổ cũng cao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có trẻ tử vong sau mổ do không có thuốc Prostaglandin E1.
Theo các bác sĩ, nếu tiêm thuốc Prostaglandin E1 là một thủ thuật không xâm lấn, dễ dàng thực hiện và không gây đau, chi phí khoảng 1,8 triệu đồng/ống, thì việc thông tim can thiệp là thủ thuật xâm lấn, gây đau đớn. Khi thông tim đặt stent (một dạng ống) để nong ống động mạch cho máu lưu thông, giúp bé không bị thiếu máu lên phổi thì trẻ cũng đối diện với nguy cơ của thuốc gây mê, thuốc tiêm chích khác và phải nằm săn sóc tăng cường. Chi phí riêng cho một stent đặt vào ống động mạch để mở ống này hàng chục triệu đồng, chưa kể chi phí gây mê, thuốc men và săn sóc tăng cường, thở máy. |
Không nhập thuốc vì không có lợi nhuận (!)
PGS-TS-BS Phạm Nguyễn Vinh phân tích: “Mỗi năm, Việt Nam có thêm 10.000 trẻ sơ sinh bị tim bẩm sinh, riêng bệnh hoán vị đại động mạch chiếm 500-700 ca, rất cần đến thuốc Prostaglandin E1. Nếu việc điều trị không kịp thời thì 30% ca chết trong tuần đầu tiên, 50% ca chết trong tháng đầu và 90% ca chết trong năm đầu tiên. Hiện chưa có thuốc nào thay thế, chỉ có thể thông tim can thiệp. Thuốc Prostaglandin E1 rất cần thiết, vì vậy Bộ Y tế phải chỉ định cho một cơ sở dược nhà nước nhập thuốc về. Riêng Sở Y tế khi tổ chức đấu thầu, nếu không có công ty nào tham gia vì lợi nhuận ít thì Sở phải có biện pháp phối hợp với các BV để tìm nguồn thuốc cho trẻ”.
BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ: “Kể từ khi hết thuốc, Khoa Tim mạch luôn xếp lịch túc trực thông tim cấp cứu 24/24, có ca nào cần cấp cứu là ê kíp BS thực hiện ngay, trong khi nếu có thuốc Prostaglandin E1, nhân viên y tế sẽ tiêm truyền thông qua y lệnh của BS”.
Các BS cho biết: ở những nước có siêu âm tim bào thai chẩn đoán sớm bệnh tim bẩm sinh thì khoa sản có thể truyền thuốc này cho trẻ khi chào đời, theo hướng dẫn của BS tim mạch nhi, sau đó chuyển tới các BV nhi để được phẫu thuật ngay, hiệu quả cao trong trị bệnh. Ở Việt Nam cũng đã có siêu âm tim bào thai, nhưng tất cả các BV sản khoa đều không có thuốc này.
VĂN THANH