Thần đồng... bất đắc dĩ

Bài 1: Đừng biến trẻ thành thần đồng ảo

05/10/2020 - 07:45

PNO - Không riêng trẻ mà ngay cả những phụ huynh của những đứa trẻ bị phong danh “thần đồng” đều phải chịu những áp lực không đáng có của danh xưng trên.

 

Nhiều đứa trẻ bị người lớn phóng đại về khả năng với danh xưng “thần đồng” đã phải gánh trên vai sức nặng của chiếc vòng nguyệt quế hão huyền. Thực tế, không riêng trẻ mà ngay cả những phụ huynh của những đứa trẻ bị phong danh “thần đồng” đều phải chịu những áp lực không đáng có của danh xưng trên.

Khi “biến” trẻ thành thần đồng, cha mẹ trẻ đã phải bỏ việc để ở nhà… tiếp khách, là những người hiếu kỳ. 

Tài năng phát lộ, lớn lên bình thường

Cách đây hơn chục năm, khi chưa đầy hai tuổi, cậu bé Trần Ngọc Châu L. - sinh năm 2004, ở tỉnh Long An - đã đọc làu làu bảng chữ cái tiếng Việt. Đến 25 tháng tuổi, L. thuộc bảng cửu chương, trở thành một hiện tượng tại Long An và nổi lên trên các mặt báo với mỹ từ “thần đồng”. Đó là chưa kể, bấy giờ, bé L. còn đọc, nói được một số từ đơn giản trong tiếng Anh, tiếng Pháp, kể tên được cả những thuật ngữ toán học như alpha, beta, hình tròn, hình thang, hình tam giác cân, tam giác thường, phép khai căn… Đặc biệt, cha mẹ L. chỉ là những người lao động bình thường. 

Bé L. được xem là thần đồng khi mới hơn hai tuổi nhưng khi lớn lên, khả năng học tập, tư duy cũng bình thường như những đứa trẻ khác
Bé L. được xem là thần đồng khi mới hơn hai tuổi nhưng khi lớn lên, khả năng học tập, tư duy cũng bình thường như những đứa trẻ khác

Thời đó, người ta còn truyền tai nhau rằng, có một công ty sữa nước ngoài đã đề nghị “mua” L. với giá 1 triệu USD. “Phi vụ” chấn động đó cũng chỉ dừng lại ở lời kể, chưa có sự xúc tiến rõ ràng. 
Thế rồi, từ đó đến nay, cũng chẳng còn thông tin đặc biệt gì về L. nữa. Vài năm sau, nhà L. cũng chuyển chỗ ở. Cách đây vài năm, khi gặp lại, chúng tôi ghi nhận, L. là một học sinh phổ thông bình thường, vẫn có học lực giỏi, nhất là toán, nhưng không có khả năng gì vượt trội như trước. 

Thời điểm đó, tại TPHCM, cũng nổi lên hiện tượng bé gái tên Phan Thị Quế M. - sinh năm 2005 - với năng khiếu đọc chữ vanh vách khi chưa đầy ba tuổi. Báo chí thời đó xem M. là trường hợp hiếm có, sở hữu khả năng đặc biệt của một thần đồng bởi cha mẹ M. là dân lao động chân tay (cha lái xe, mẹ thợ may) và không hề dạy con học trước. Họ đưa cho bé M. những trang sách và ngạc nhiên khi thấy bé đều đọc được. 

Từ khi M. vào lớp Một, gia đình bé dọn về quê (tỉnh An Giang) sinh sống và từ đó, không ai còn nghe nhắc đến thần đồng Quế M. và cũng không có thông tin gì về thành tích của bé trên các phương tiện truyền thông. Một người thân của M. kể, sau này, M. cũng học giỏi các môn ngôn ngữ, nhất là tiếng Anh, từng đỗ đầu kỳ thi tiếng Anh ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang dành cho học sinh tiểu học, vẫn là học sinh giỏi nhiều năm liền, nhưng chỉ có vậy. 

Vui ít, buồn nhiều

Có một thời gian dài tiếp xúc và nghiên cứu hiện tượng trẻ được mệnh danh thần đồng, giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam - nhận định, trẻ có dấu hiệu phát triển sớm đang gánh chịu áp lực rất lớn từ gia đình, xã hội và chính các vị phụ huynh cũng phải gánh chịu áp lực. 

Theo giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, khi trẻ biểu hiện khả năng nào đó sớm hơn trẻ cùng tuổi, cần nhìn nhận theo hướng phát triển toàn diện và đảm bảo sự cân bằng
Theo giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, khi trẻ biểu hiện khả năng nào đó sớm hơn trẻ cùng tuổi, cần nhìn nhận theo hướng phát triển toàn diện và đảm bảo sự cân bằng

Gia đình anh Bá Minh ở tỉnh Cà Mau là một ví dụ. Nhiều năm trước, gia đình anh bỗng nhiên nổi tiếng khắp vùng Năm Căn vì có đứa con biết đọc báo, làm toán khi mới ba tuổi. Anh Minh phải nghỉ việc bán tôm giống để ở nhà tiếp người quen hiếu kỳ, tiếp luôn người chẳng thân thích, rồi cả giới truyền thông. Anh bắt đầu lo lắng, căng thẳng vì sợ con mất đi khả năng thiên phú. Anh càng lo lắng, con anh càng căng thẳng. Khi cho cháu gặp chuyên gia thì vỡ lẽ: cháu bị chứng tự kỷ nhẹ.

Theo giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, khi trẻ biểu hiện khả năng nào đó sớm hơn trẻ cùng tuổi, cần nhìn nhận theo hướng phát triển toàn diện và đảm bảo sự cân bằng để giúp trẻ có một cuộc sống an toàn, hạnh phúc. Đừng nhầm tưởng rằng trẻ có những biểu hiện phát triển sớm về một năng lực nào đó là phi thường. Thực chất, trẻ em nào rồi cũng sẽ biết đọc, biết viết và làm toán nếu nhận được sự tác động giáo dục phù hợp. 

Giáo sư Sơn nhấn mạnh, cha mẹ ảo tưởng sức mạnh của con là điều rất bất thường. Dù có biểu hiện vượt hơn bạn bè cùng tuổi, trẻ cũng chỉ là đứa trẻ. Bất kỳ sự tác động quá mức hay sự bất thường nào về mong đợi của người lớn cũng sẽ là áp lực đối với trẻ. Thực chất, trẻ vẫn cần được sống trong một môi trường an toàn, sống trong vòng tay nhân ái của cha mẹ. Trẻ cần được chia sẻ, an ủi, vỗ về. Sự khai thác hay dồn ép trẻ quá mức so với độ tuổi chỉ làm cho trẻ mệt mỏi, đánh mất tuổi thơ và làm cho trẻ cảm nhận cuộc sống với những suy nghĩ tiêu cực…

Theo giáo sư Sơn, khi phát hiện con mình có khả năng và những biểu hiện vượt trội, cần đồng hành để con phát triển. Sự cuồng vọng về con mình chỉ làm cho mỗi người càng thêm mệt mỏi. Cha mẹ cần quan tâm nhiều đến sự bình thường về tính cách, ứng xử và cần nhanh chóng liên lạc với một cơ quan có chuyên môn hay một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khả năng con người để có những đánh giá sơ bộ. Cần thật bình tĩnh để phát triển con mình toàn diện thay vì cứ tập trung khai thác quá mức một khả năng nào đó dù mới chỉ là biểu hiện sớm.

“Trên thực tế, trẻ có dấu hiệu vượt trội sớm là những trẻ có chỉ số thông minh (IQ) cao. Nhưng để đạt được thành tích phi thường, còn phụ thuộc vào yếu tố đặc biệt hơn, đó là trí tuệ xã hội (SQ), gồm các khả năng nhận thức về người khác, thiết lập và duy trì mối quan hệ xã hội, tự nhận thức bản thân, tự điều chỉnh, thay đổi. Có SQ đặc biệt cộng với những nỗ lực phi thường mới là cơ sở của sự thành đạt và vươn tới một thiên tài” - giáo sư Sơn giải thích. 

Cũng theo giáo sư Sơn, việc trẻ có những biểu hiện phát triển sớm, thể hiện được một khả năng nào đó không hoàn toàn cố định. Đó có thể là một biểu hiện mang tính chất ngẫu nhiên, tạm thời. Trẻ phát lộ một khả năng nào đó sớm không có nghĩa là trẻ có năng khiếu vượt trội trong lĩnh vực đó, cũng chưa chắc những biểu hiện ấy sẽ ổn định và vững bền. Biểu hiện có thể chỉ tồn tại trong một vài tháng, một vài năm hay một khoảng thời gian thật ngắn và dù phát hiện sớm, tác động sớm, cũng không chắc duy trì hay đẩy khả năng đó lên cao. 

 Tiêu Hà

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI