“Đôi khi, chỉ cần một cơn mưa nhỏ, một cơn gió nhẹ thổi qua cũng có thể làm cho cây bật gốc, ngã ập xuống đường gây tai họa” - một kỹ sư có nhiều năm công tác trong lĩnh vực chăm sóc cây xanh đô thị ở TP.HCM cảnh báo, sau khi tiết lộ về trình trạng thi công ẩu, xâm hại cây xanh xảy ra phổ biến ở TP.HCM.
|
Nhiều cây xanh trên đường phố bật gốc ngã ra đường, gây tai nạn cho người lưu thông - Ảnh: T.X. |
Công trình “chạy đêm”, cây đang xanh phải đốn
Sáng 9/8, người dân ở đường Bùi Thị Xuân (Q.Tân Bình) không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhiều cây bàng trên vỉa hè phía trước Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền đang xanh tốt lại bị chặt tán để đốn hạ. “Những cây này có bộ rễ bị xâm hại nghiêm trọng, phải đốn bỏ vì cây sẽ ngã thình lình” - một công nhân trong nhóm đốn cây giải thích.
Khi chúng tôi liên hệ đề nghị cung cấp thông tin về vụ đốn cây nói trên, một lãnh đạo phụ trách lĩnh vực cây xanh của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM giải thích: “Cây trên đường Bùi Thị Xuân bị đơn vị thi công công trình chỉnh trang tuyến đường này đào trốc gốc, có nguy cơ ngã đổ cao. Do cây nằm trước cổng trường nên phải đốn hạ khẩn cấp vì sợ cây ngã, gây tai nạn cho học sinh”.
Theo thông tin chúng tôi thu thập được, trước khi chặt tán những cây bàng nói trên, đã có một cây xanh trước cổng Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền bật gốc, suýt ngã ra đường. “Tối hôm trước, tôi thấy xe cuốc đào xới vỉa hè, hôm sau thì thấy cây bật gốc. Hôm cây ngã, trời chỉ mưa lất phất, không có gió”, một người dân sống gần cổng trường kể lại.
|
Một cây xanh trên đường Bùi Thị Xuân, Q.Tân Bình, TP.HCM bị công trình thi công xâm hại đến bật gốc - Ảnh: T.X. |
Biên bản do đại diện chính quyền địa phương (UBND P.2, Q.Tân Bình) và đơn vị chăm sóc cây xanh thuộc Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM xác định, trong quá trình thi công công trình chỉnh trang tuyến đường Bùi Thị Xuân (dự án do Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình Q.Tân Bình làm chủ đầu tư), Công ty cổ phần Công trình giao thông công chánh TP.HCM đã dùng xe cơ giới phá bỏ vỉa hè, đào sát gốc cây, làm đứt rễ nhiều cây xanh phía trước cổng trường. Ít nhất có 8 cây xanh đang sinh trưởng tốt bị xâm hại, nhiều rễ cây bị đứt…
Theo ghi nhận của chúng tôi, tuyến đường Bùi Thị Xuân (nối từ vòng xoay Cộng Hòa đến bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) chỉ dài chừng 1km, là một trong những tuyến đường ít cây xanh nhất TP.HCM. Cả tuyến đường chỉ có hơn chục cây xanh, chỗ nhiều cây nhất là trước cổng Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền. Thế nhưng, chỉ sau vài ngày thi công công trình chỉnh trang đường Bùi Thị Xuân, gần như toàn bộ cây xanh trên tuyến đường này bị xóa sổ.
Theo nhiều kỹ sư công tác trong lĩnh vực chăm sóc cây xanh, cũng may là những vụ xâm hại cây xanh ở đường Bùi Thị Xuân được phát hiện kịp thời nên “cây đi thay người”. Một kỹ sư giải thích thêm: “Đơn vị thi công xây bồn, đắp đất lên trên gốc cây nên không thể phát hiện được rễ cây bị tổn thương. Do đó, cây nhìn xanh tốt nhưng có thể bật gốc, ngã ập xuống bất cứ lúc nào”.
|
Trong 7 tháng đầu năm 2018, TP.HCM có hơn 200 cây xanh gãy, đổ |
Hiểm nguy còn đó
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, tình trạng công trình xâm hại cây xanh ở TP.HCM diễn ra phổ biến, nhất là những công trình thay gạch vỉa hè, ngầm hóa các thiết bị kỹ thuật. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, các đơn vị quản lý cây xanh tại các quận nội thành TP.HCM đã ghi nhận hàng trăm trường hợp cây bị xâm hại. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đốn bỏ cây và không phải trường hợp nào cũng xác định được thủ phạm để xử lý trách nhiệm.
Nửa năm, hơn 200 cây ngã, gãy
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn TP.HCM cho biết, theo báo cáo của Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM, trong 7 tháng đầu năm 2018, TP.HCM có hơn 200 cây xanh gãy, đổ do mưa giông và lốc xoáy làm 10 người bị thương, 5 ô tô và 7 xe máy bị hư hại. Những người bị thương và phương tiện bị hư hại được hỗ trợ tiền nhưng đến nay, chưa có đơn vị nào được xác định chịu trách nhiệm liên quan đến vụ cây ngã.
|
Theo một cán bộ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, điển hình là vụ cây dầu số 77 ở đường Ba Tháng Hai, Q.10. Cây dầu này bị tác động vào bộ rễ nên có dấu hiệu chết khô, được phát hiện sớm nên chặt tán; nếu không, rất dễ xảy ra tai nạn. Sau đó, dù đơn vị quản lý cây (Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, thuộc sở) đã đề nghị công an vào cuộc điều tra, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Hiện nay, phía sau cây dầu chết bất thường ấy là công trình cao ốc đang mọc lên.
Trong khi đó, có trường hợp xác định được đơn vị gây hậu quả, việc bồi thường lại lắm gian nan. Điển hình là vụ cây bị xâm hại ở đường Trần Nhân Tôn, Q.5. Từ đầu năm 2018, đơn vị quản lý cây xanh đã phát hiện và xác định hàng chục cây phượng ở tuyến đường này bị đơn vị thi công chỉnh trang vỉa hè xâm hại, phải chặt bỏ, trồng lại. Dù vậy, đến nay, đơn vị thi công xâm hại cây vẫn chưa bồi thường số tiền gây thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
Song, mối lo lớn nhất là với những cây bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện hoặc thời điểm phát hiện chưa đến mức phải chặt bỏ thì nguy cơ cây ngã gây tai nạn vẫn cứ chực chờ. “Vào đầu năm 2018, khi công trình chỉnh trang vỉa hè đường Nguyễn Văn Đừng, Q.5 đang thi công, có một cây phượng bị xâm hại bộ rễ, bất ngờ bật gốc ngã ập xuống đường. May là thời điểm cây ngã không có người đi qua, nếu không thì đã có tai nạn rồi…”, một người dân kể. Cũng theo người dân này, những cây xanh còn lại ở tuyến đường Nguyễn Văn Đừng cũng có nguy cơ ngã đổ thình lình do bộ rễ bị xâm hại. “Tình trạng xâm hại rễ cây quá nhiều, nhưng nếu cây nào bị xâm hại cũng chặt bỏ thì chắc TP.HCM sạch bóng cây xanh” - vị này lắc đầu ngao ngán.
Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, chuyên gia về lĩnh vực cây xanh đô thị - cho rằng, tình trạng công trình thi công xâm hại đến cây xanh ở TP.HCM tái diễn liên tục, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn chết người. “Thường, những cây bị xâm hại nghiêm trọng, trồi gốc, thân nghiêng, nguy cơ ngã đổ cao mới bị đốn hạ khẩn cấp. Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều cây bị xâm hại bộ rễ, cây suy yếu dần theo năm tháng. Với những trường hợp này, khi mưa xuống, cây rất dễ bật gốc. Theo tôi, với những cây ngã gây tai nạn, phải truy lại hồ sơ xem đơn vị nào đã xâm hại cây để xử lý trách nhiệm. Nếu không, cây nào ngã đổ cũng bị đổ thừa cho thời tiết rồi huề cả làng”, Tiến sĩ Diệp đề xuất.
Cây xanh liên tục bật gốc, ngã xuống đường
Theo thống kê chưa đầy đủ từ các đơn vị trực thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, từ ngày 10 - 14/8, tại TP.HCM, xảy ra hàng chục vụ cây ngã đổ, gãy nhánh do ảnh hưởng mưa, gió từ các đợt áp thấp nhiệt đới. Cây bật gốc, ngã xuống đường xảy ra nhiều nhất vào chiều 10/8 sau những trận gió lốc ở một số khu vực, trong đó, một cây đã ngã tại khu vực vòng xoay Công Trường Mê Linh (Q.1) làm hai người bị thương.
Quan sát hình ảnh các vụ cây bật gốc ngã xuống đường, một chuyên gia về cây xanh đô thị nhận định: bộ rễ của những cây bị ngã trong những ngày qua đều rất yếu, không cần có gió quá mạnh, cây cũng có thể ngã. Lãnh đạo một đơn vị chăm sóc cây xanh nhìn nhận, rất nhiều cây xanh bị các công trình xây dựng xâm hại bộ rễ, nên trình trạng cây ngã ngày càng phổ biến, khó lường.
|
Hoàng Nhiên