Tham vọng về thành tích của con có sức mạnh ghê gớm lắm!

03/04/2022 - 14:36

PNO - Người ta có thể kiếm tiền bằng cách này hay cách khác, chứ mất đi đứa con, thứ còn lại chỉ là sự ân hận, nuối tiếc có khi đến hết đời!

Hôm đó, chưa kịp ra khỏi giường thì tôi nhận được tin nhắn của chị bạn thân. Thì ra là bài viết về cậu học sinh 16 tuổi vừa nhảy lầu tự tử ở Hà Nội. Bạn, người cũng có con cùng tuổi với con tôi, nên nhắn kèm lời dặn dò: "Mình đừng áp lực với tụi nhỏ nữa nha bà!"

Vừa lúc ấy, cậu con trai 13 tuổi vòng tay qua ôm bụng mẹ thì thào trong cơn ngái ngủ: "Sao mẹ dậy sớm vậy?".

Ôm chặt con trong tay, tôi thấy lòng bồi hồi một nỗi niềm khôn tả. Nếu tôi không đấu tranh mạnh mẽ với chồng để giữ con lại, hẳn giờ đây thằng bé đã đang co ro ở một phương trời xa xôi nào đó trong hành trình du học, mẹ con mỗi người một nơi còn bé con chưa biết xoay xở thế nào.

Con trai tôi không thích học. Nói đúng ra là con chỉ thích học mỗi môn tiếng Anh và học rất khá môn này. Còn lại, con không thích các môn khác. Thế nên, điểm số của con thường thấp tè hoặc may lắm là vừa đủ trung bình để không bị ở lại lớp. Nhưng chồng tôi không chấp nhận sự thật đó và luôn ép con học các môn khác bằng mọi giá. Anh không ngại tốn tiền cho con học thêm giáo viên giỏi, thuê gia sư giỏi kèm riêng... dù kết quả chẳng khả quan hơn.

Với lý lẽ phương pháp giáo dục ở đây không phù hợp với cá tính đặc biệt của con, chồng tôi muốn con du học với hy vọng nền giáo dục ở các nước tiên tiến sẽ khai thác được điểm mạnh (ngoại ngữ) ở con mình. Nhưng con tôi không muốn sống xa gia đình vì nhỏ lớn giờ thằng bé chưa bao giờ đi đâu xa bố mẹ, chưa kể việc sẽ ở với người lạ hay ở ký túc xá tại một ngôi trường lạ hoắc xa xôi đủ khiến nó kinh hãi khi chỉ mới nghe đến thôi.

Chính vì điều này mà gia đình tôi bắt đầu lục đục vì bất đồng quan điểm. Tôi thương con theo cách của một người mẹ. Nhưng chồng tôi cho rằng tôi đã làm hư con, rằng con tôi lớn lên sẽ chẳng làm nên công chuyện gì.

Tôi không rõ mình giữ con lại là đúng hay sai, cũng như sau này con tôi có "hư" hay tệ hại lắm không. Nhưng tôi tin trái tim của người mẹ chẳng bao giờ mách bảo tôi những điều sai quấy.

Trong khi đó, một chị bạn lại đồng tình với quan điểm của chồng tôi. Rằng nuôi con thì phải có ngày hái quả chứ đâu phải để con như cái cây dại muốn lớn kiểu gì cũng được, muốn thành hay bại cũng không sao. Nên chị ép con học ngày học đêm để lấy mấy cái chứng chỉ ngoại ngữ du học dù con bé nhà chị vốn ghét ngoại ngữ.

Chị bán hết đất đai làm "lộ phí" cho con với niềm tin "đầu tư" mạnh như vậy sau này con chị có việc làm ngon lành "gỡ" lại mấy hồi. Thời gian đầu khi con chị du học, thấy chị hay khoe ảnh con đang ở đất nước xinh đẹp, trường lớp hoành tráng, áo váy xênh xang. Sau không thấy chị đăng gì nữa vì nghe đâu con chị bị trầm cảm và đòi về nước vì vốn ngoại ngữ kém, lại không thích nghi được với văn hoá xứ người.

Như thế nào là một đứa con hạnh phúc hay con mình có hạnh phúc không ít ai trả lời được (ảnh minh họa)
Như thế nào là một đứa con hạnh phúc, hay con mình có thực sự hạnh phúc không, ít ai trả lời được (ảnh minh họa)

Nếu chia các bậc cha mẹ ra làm hai phe: bên quan trọng thành tích, thích kiểm soát việc học hành của con và bên ngược lại hẳn phe thứ nhất chiếm đa số vì không dễ để người ta thừa nhận mình là kiểu phụ huynh hời hợt, không đặt nơi con tí kỳ vọng nào.

Lâu lâu lại dấy lên một vụ nào đó như lời cảnh tỉnh nhưng tôi tin các bậc cha mẹ giật mình đấy rồi thôi, chứ tham vọng về thành tích, về sự thành đạt của con cái nó có sức mạnh ghê gớm lắm. Có lẽ chỉ khi không còn sống nữa thì loài người mới bỏ được thói tham-sân-si.

Như thế nào là một đứa con hạnh phúc, hay con mình có hạnh phúc không, ít ai trả lời được. Nhưng hỏi như thế nào là một đứa con thành đạt thì người ta sẵn sàng kể vanh vách dựa trên những gì họ biết, họ nghe từ con của... hàng xóm hay của bạn bè.

Nhiều đứa trẻ du học bất đắc dĩ do ba mẹ ép buộc (ảnh minh họa)
Nhiều đứa trẻ du học bất đắc dĩ do ba mẹ ép buộc (ảnh minh họa)

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà một cách sống và quan điểm sống khác nhau. Với người này, niềm vui của họ là sự bình an của con cái nhưng với người khác, đó lại là những thứ làm cha mẹ "nở mày nở mặt" với bà con, xóm giềng như thu nhập cao, địa vị xã hội, xe cộ, nhà cửa...

Tiền bạc, hư danh chẳng biết sao cho đủ nếu không biết tự hài lòng. Chỉ biết rằng, người ta có thể kiếm tiền bằng cách này hay cách khác, chứ mất đi một đứa con, thứ còn lại có lẽ chỉ là sự ân hận, nuối tiếc có khi đến hết đời!

 

Đào An Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI