Tham vấn tâm lý học đường, có cũng như không

16/10/2018 - 12:00

PNO - Nghịch lý ở chỗ: thay vì phải là nơi rất mở để chào đón học sinh thì phòng tư vấn tâm lý ở phần lớn trường học lại tồn tại như một “cấm cung”.

Do yêu cầu của thực tiễn, năm 2012 ngành GD-ĐT TPHCM đã yêu cầu mỗi trường phải có ít nhất một chuyên viên tham vấn tâm lý tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý - giáo dục làm việc theo hình thức giáo viên (GV) chuyên trách. Cuối năm 2017, Bộ GD-ĐT cũng ban hành Thông tư 30, yêu cầu mỗi trường học phải xây dựng một phòng tham vấn, tư vấn tâm lý học đường.

“Cấm cung" nơi trường học 

Tham van tam ly hoc duong, co cung nhu khong
Nhiều HS đang cần được tư vấn để giải toả những vướng mắc về tâm lý

Chị Minh Trang, một phụ huynh (PH) có con đang học THPT tại Q.12, cho biết, đầu tháng 9/2018, đến trường họp cho con, chị phát hiện một phòng nhỏ ghi “Phòng tư vấn tâm lý học đường” nằm trên một dãy lầu. “Tôi khá bất ngờ khi thấy trường có một phòng tư vấn như thế, cho nên trong cuộc họp PH tôi đã hỏi Ban Giám hiệu về chức năng và lịch hoạt động của nó. Thầy Hiệu phó của trường trả lời rằng phòng mở đã mấy năm rồi nhưng... HS không đến”- chị Trang kể.

Thầy Hiệu phó giải thích, HS có tâm lý ngại ngần. Vả lại, chỉ cần vài cú click chuột, hay trượt ngón tay trên di động các em đã tìm ra các từ khóa hay lời giải cho câu hỏi của mình. Khi chị Trang hỏi kỹ hơn thì được biết phòng do hai GV bộ môn kiêm nhiệm, nhưng các cô quá bận nên thỉnh thoảng, thầy cô giám thị hoặc GV bộ môn khác trực thay.

Có người trực nhưng HS không tìm đến. Chị Trang trăn trở: “Ai cũng nói môi trường học đường đang tạo cho trẻ quá nhiều áp lực. Lãnh đạo ngành giáo dục của thành phố cũng liên tục hô hào phải có phòng tư vấn học đường... Nhưng phòng tư vấn học đường mà lại đặt giữa phòng họp hội đồng GV, phòng Hiệu phó và Ban Giám hiệu thì chỉ là làm cho... có! Hỏi thì cháu nào cũng tròn mắt ngơ ngác vì không biết. Những cháu biết thì bảo “nó nằm ngay 'tử cấm thành' thì làm sao tụi con dám tới”.

Cũng ấm ức về phòng tư vấn tâm lý có cũng như không, chị Phong Lan, PH có con đang học tiểu học tại Q.3 kể: Hai năm trước khi đưa con vào lớp Một, đi ngang phòng Hiệu trưởng thấy có tấm biển nhỏ ghi chữ “Phòng TVTL”. “Vì là người nghiên cứu lĩnh vực này, nên khi nhìn thấy tôi vui lắm. Hôm sau, tôi cố tình đến rước con sớm để gặp GV chủ nhiệm hỏi về hoạt động tư vấn tâm lý.

Nghe tôi hỏi, GV chủ nhiệm hốt hoảng: “Trời, các chị đừng lại gần cái phòng đó. Nhớ về dặn tụi nhỏ nữa. Cái phòng đó thật ra là phòng kỷ luật của trường!”. “Tôi như từ thiên đường rơi xuống. Hóa ra, người ta đã dựng lên những phòng tư vấn, tham vấn tâm lý học đường để đối phó các đoàn kiểm tra, báo cáo vào bảng thành tích chứ không hề tính đến việc nâng đỡ, chăm sóc tinh thần cho HS”.

“Rào cản tâm lý", sao không xé bỏ?

Tham van tam ly hoc duong, co cung nhu khong
Sinh hoạt vui chơi với bè bạn cũng là một cách để giải toả tâm lý căng thẳng

Trong một cuộc nghiên cứu được thực hiện cuối năm 2017 trên 261 HS có độ tuổi THPT ở quận Tân Phú, Th.S Phan Minh Phương Thùy (GV Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM) đã ghi nhận: 76,6% HS cần được tham vấn về học tập - hướng nghiệp, 38,7% cần được tư vấn liên quan đến các vấn đề cảm xúc - giới tính, 41,8% cần tư vấn về các vấn đề tâm lý khác.

Cô Nguyễn Hồng Nguyệt Lam, GV từng dạy Ngữ văn tại trung tâm Lý Tự Trọng, cho biết từng nhận rất nhiều cuộc điện thoại của PH hỏi chuyện học hành, định hướng cho con; ứng xử trước những thay đổi tâm sinh lý, giải pháp cho tuổi “giở chứng”...

Nhu cầu được tư vấn tâm lý từ PH và HS là rất rõ ràng, nhưng tại sao các phòng tư vấn tâm lý ở trường học mở ra lại “vắng hoe”? Có lẽ với cách thức xây dựng phòng tư vấn tâm lý  học đường tại các trường như đã biết đã lý giải phần nào vấn đề. Nó cho thấy bản thân nhà trường, người làm công tác tư vấn chưa hiểu rõ bản chất của công tác tư vấn tâm lý cho HS, bởi việc tìm đến nhờ được tư vấn lâu nay vẫn là một khó khăn với HS nói riêng và tâm lý người Việt nói chung. Chỉ khi nào nhà trường, GV chủ động phá đi “rào cản tâm lý” thì HS mới nhìn thấy nhu cầu cần được tư vấn.

Nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Bên cạnh bảng số liệu phản ánh nhu cầu cần tham vấn, một bảng số liệu khác đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến công tác tham vấn (bao gồm năng lực chuyên môn, phẩm chất của chuyên viên tâm lý, thời gian hoạt động của phòng tư vấn tâm lý, không gian tư vấn, công tác truyền thông…) cho thấy: phẩm chất và năng lực của chuyên viên tâm lý là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến công tác tham vấn học đường.

Vì vậy, theo ThS Phương Thùy, để công tác tư vấn tâm lý trường học hoạt động có hiệu quả thì những cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý cho HS ngoài việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như rèn luyện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, cần chủ động tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng HS để thiết lập mối quan hệ với các em. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu hoạt động của phòng tư vấn tâm lý đến HS để các em hiểu được sự cần thiết để đến giãi bày.

Th.S Đinh Quỳnh Châu - Trưởng bộ môn Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM  

Công tác tham vấn đòi hỏi người phụ trách phải có kiến thức sâu, bề dày kinh nghiệm và kỹ năng xử lý các tình huống nhuần nhuyễn... Sau các khóa học, nếu không được bổ sung, cập nhật, rèn luyện thì kiến thức, kinh nghiệm và các kỹ năng sẽ khó thích ứng với môi trường sống đầy biến động như hiện nay. Do đó, xây dựng một phòng tư vấn tâm lý học đường không phải chỉ là mở cái phòng, cử GV phụ trách, đảm bảo kín giờ, kín người trực là đủ.

Phòng tư vấn, tham vấn được dựng lên không chỉ chú trọng diện tích, nội thất, mà còn là vị trí sao cho HS, giáo viên và cán bộ trong trường thoải mái bước vào đó để chia sẻ vấn đề của mình, không chỉ là nỗi buồn, sự lo âu, căng thẳng mà còn để chia sẻ cách thức hợp tác, xây dựng một môi trường học đường thuận lợi nhất cho sự phát triển của trẻ. Đó là nơi mà HS, GV và cả PH khi gặp phải “vấn đề tâm lý” nghĩ đến trước tiên, và muốn đến để tìm được sự giúp đỡ một cách chuyên nghiệp. 

Muốn vậy, phải thay đổi cách tổ chức, phải thật sự đầu tư cho hoạt động tư vấn, tham vấn tâm lý học đường, mà trước nhất phải bắt đầu từ con người và sự hỗ trợ, đồng cảm từ chính ban giám hiệu.

Thu Lê - Tinh Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI