“Thám tử”… hai mang

24/11/2013 - 07:51

PNO - PN - Hơn một tháng nay, chị N.T.T. (27 tuổi, quê Long An, tạm trú tại Q.7, TP.HCM) - làm việc tại một công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - phải sống trong hoàn cảnh bất an, khi luôn có một đối tượng bám sát, nắm bắt mọi hoạt...

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo tìm hiểu của chị T., sau khi nghi ngờ mối quan hệ bất thường giữa chị và người đồng nghiệp nam, vợ của người đồng nghiệp này đã nhiều lần vào TP.HCM để tự tìm hiểu về chị, đến tận chung cư nơi chị đang ở. Tại đây, người vợ này vô tình gặp được Q. - một đối tượng không việc làm - sau đó người vợ này hợp đồng miệng với Q. giá 20 triệu đồng/tháng, đề nghị Q. theo dõi nhất cử nhất động của chị T.

Sau khi âm thầm theo dõi chị T. được gần một tuần, Q. chuyển sang hình thức công khai giám sát chị. “Cứ khi tôi đi ra khỏi nhà là anh ta dắt xe máy bám theo. Tôi đang lưu thông trên đường, anh ta bám đuôi. Tôi vào quán cà phê, anh ta ngồi đợi ở ngoài, tôi đi gặp bạn bè, đối tác ở đâu anh ta cũng bám theo khiến tôi rất hoang mang, lo sợ” - chị T. kể. Cũng theo chị T., Q. nhiều lần nhắn tin, gọi điện lật “bài ngửa” với chị, khi thông báo về việc có người thuê theo dõi, hành hung chị. “Sau khi thông báo, anh ta còn hù dọa phải đưa 30 triệu đồng để anh ta… bảo vệ tôi vì tôi đang bị nguy hiểm đến tính mạng và anh ta sẽ không chịu trách nhiệm nếu tôi xảy ra việc gì” - chị T. bức xúc.

“Tham tu”… hai mang

“Tham tu”… hai mang

Tin nhắn của “điệp viên” hai mang gửi cho chị T.

Luật sư Phạm Tấn Thuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hành vi theo dõi là phạm pháp, xâm phạm quyền tự do cá nhân của công dân. Tại điều 38 Bộ luật Dân sự quy định rất rõ: quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Hành vi các thám tử tư tống tiền không chỉ vi phạm quyền bí mật đời tư mà còn vi phạm cả pháp luật hình sự khi hành vi đó đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. “Tuy nhiên, hầu hết các vụ bị theo dõi ngoại tình, những nhân vật bị theo dõi đều là người có chút ít địa vị xã hội hoặc kinh tế khá giả, do sợ ảnh hưởng đến uy tín nên họ rất ít trình báo cơ quan công an” - ông Thuấn cho biết.

Trường hợp của chị T., tuy nhiều lần bức xúc vì bị theo dõi, tống tiền nhưng chị đã chọn phương án không trình báo công an. “Ông Q. nói với tôi có đầy đủ bằng chứng về việc vợ đồng nghiệp thuê hành hung tôi, nếu tôi làm căng thì cũng tội cho vợ anh đồng nghiệp, có thể chị hiểu lầm tôi nên mới dẫn đến hành xử như vậy. Với lại, sau cả tháng theo dõi, ông Q. cũng không thu thập được gì. Tôi có nói với anh đồng nghiệp để anh ta nói lại với vợ, đồng thời lật mặt hành vi của Q. Chị vợ đã xin lỗi tôi”, chị T. cho biết.

Đến giờ vụ việc có thể được coi là ổn thỏa nhưng thực chất hậu quả để lại là cả ba nhân vật chính đều bị tổn thương: chị T. thì bị lời ra tiếng vào, đồng nghiệp của chị T. cũng mất mặt với mọi người vì cách hành xử không khéo của vợ, còn người vợ thì hao tổn sức lực và tiền bạc nhưng không thu được gì ngoài sự trách móc của chị T. và chồng mình.

Riêng về góc độ luật pháp, theo ông Tăng Châu Long, Phó Trưởng công an Q.Tân Phú, nạn nhân nên trình báo hành vi phạm pháp để công an kịp thời ngăn chặn. “Chúng tôi cũng hiểu tâm lý nạn nhân vì sợ tai tiếng nên ngại trình báo. Tất cả thông tin cá nhân của nạn nhân đều được công an giữ bí mật tuyệt đối, do vậy, các nạn nhân nên trình báo với cơ quan công an. Giả sử hành vi đe dọa các nạn nhân, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng nạn nhân, nếu không được ngăn chặn thì hậu quả sẽ rất lớn”, ông Tăng Châu Long nói.

 Hải Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI