Thăm thẳm đường dài

10/06/2014 - 20:00

PNO - PN - Nghe tin vợ chết vì tai nạn giao thông, anh ngã phịch xuống giường, miệng ú ớ không nói thành lời. Việc tang ma được hàng xóm và họ đạo lo chu đáo, anh thì cứ đi quanh nhà như người mất hồn, luôn miệng than: “Chết tôi rồi em...

edf40wrjww2tblPage:Content

CÁI TÊN VẬN VÀO SỐ PHẬN

Cách đây hai năm, khi đi cùng đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ Tây Ninh đến tặng quà cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC) ở Trường Xuân, Trường Hòa (Tây Ninh), chúng tôi hỏi đi hỏi lại khi viết tên anh vào danh sách. “Lê Văn Thế hay Lê Văn Thệ?”. Ông trưởng đoàn nói: “Không! Tên là Lê Văn Thê!”. Trời đất! Nghe cái tên đã thấy cuộc đời não nề.

Sinh năm 1962, lớn lên trong thời bom đạn nhưng anh Thê chỉ bị chiến tranh tiếp cận về sau này, những năm anh 16-17 tuổi, khi lên núi Bà Đen làm mướn kiếm sống. Hồi đó nghèo quá anh phải đi làm trên núi, lại có đợt, anh theo bạn sang Bình Long, Bình Phước làm rẫy thuê, bị sốt rét tưởng đã bỏ xác. Hơn hai năm phát rẫy, đốn cây trong rừng đủ để anh bị nhiễm dioxin. Chuyện này, mãi sau khi lấy vợ, sinh con anh mới biết.

Năm 1985, cô con gái Lê Ánh Nguyệt ra đời với một cái bớt nhỏ trên mặt và cái bướu “hột vịt” trên cườm tay, càng lớn càng phát triển. Năm 1992, cậu con trai Lê Hoàng Tuấn sinh ra bị liệt, nằm một chỗ. Anh càng hoang mang, lo sợ hơn khi năm 1994, cậu út Lê Hoàng Linh sinh ra cũng bị tật như anh trai. Lúc này, được Hội Chữ thập đỏ địa phương cho đi khám và giám định, anh chị mới biết cả ba người con của mình đều bị nhiễm CĐDC. Cô con gái Ánh Nguyệt bị thể nhẹ, nhưng cái bướu ngày ngày rút rỉa sức khỏe nên thân thể ốm nhom. Lê Hoàng Tuấn nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải có người phục vụ. Lê Hoàng Linh may mắn hơn anh khi còn có thể vịn tường đi lại được, biết tự vệ sinh cá nhân. Hàng ngày, nhìn hai người con trai u ơ khóc cười, anh tan nát gan ruột. Số phận thê thảm như chính cái tên anh.

Tham tham duong dai

Cô con gái Ánh Nguyệt cũng mới đem con về với ngoại

QUYẾT LÒNG NUÔI CON

Làm quần quật quanh năm, anh Thê vẫn cứ nghèo. Ruộng nương không có. Thửa vườn mấy trăm mét vuông trồng mấy chục gốc mít, năm nào trúng cũng chỉ thu được hơn triệu bạc. Anh đi làm mướn kiếm tiền nuôi con. Tiền ăn, tiền thuốc, nội hai thứ đó đã khiến anh “tưng tưng” cái đầu. Từ tháng Chín âm lịch cho đến tháng Hai sau Tết là mùa chặt mía. Từ nhà chạy xe tới điểm chặt mía bên xã Chà Là, Dương Minh Châu hơn 15km. Sáng đi làm, tối về chăm con, anh phải cố sao cho một ngày có được 100.000đ. Suốt vụ mía gần năm tháng, tới khi về anh có khoảng 11-12 triệu đồng. Số tiền đó phải tính toán chi li cho năm con người, mỗi người khoảng 500.000đ/tháng. Nghỉ lấy sức chừng một tuần, anh lại tiếp tục vào vụ cắt lúa mướn giữa tháng Ba âm lịch. Tiền công mỗi ngày từ 140.000-150.000đ, nhưng cũng chỉ dồn dập mươi ngày rồi thôi. Giờ người ta cắt lúa bằng máy, chỉ nơi nào lúa bị đổ gục, ngập nước mới mướn người cắt. Công cắt lúa tuy cao, nhưng cực hơn chặt mía vì phải lội sình, vác lúa ướt. Vậy mà có việc làm hoài là cũng mừng lắm rồi!

Sau vụ cắt lúa, tới vụ bẻ nhãn. Cô em họ làm thầu nhãn nên vườn nào mua xong là kêu anh đi bẻ, hoặc bẻ xong thì kêu ngắt mót. Công việc này đủ tiền rau cháo hàng ngày cho mấy cha con, nhưng cũng chưa bao giờ kéo dài được một tháng. Cho nên, cả năm thời gian “thất nghiệp” của anh lên đến bốn tháng. Bốn tháng ấy, không khéo chi tiêu thì đói nặng. Những ngày đó, anh cũng cố nghĩ ra đủ việc để làm. Khi thì đi bắt cá, hái rau ngoài sông về bán, khi thì đi mót mì, hoặc nuôi thêm đàn gà, con heo… Bữa ăn chủ yếu là cá tép anh bắt được, rau trái trong vườn nhà. Hai người con trai bệnh tật, nên phải dự phòng một ít tiền thuốc. Cứ như thế, cuộc sống bình lặng nhưng đầy sóng ngầm của người đàn ông bị số phận đày đọa tiếp diễn ngày qua ngày.

CÒN NƯỚC CÒN TÁT

52 tuổi nhưng nhìn anh Thê già sọm như 70. Với sức lực đang ngày một yếu đi, anh không dám chắc mình sẽ còn nuôi con được bao năm nữa, nhưng con đường khổ ải rõ ràng vẫn còn thăm thẳm phía trước. Ở tỉnh có hai trung tâm từ thiện nuôi dưỡng người già cô đơn và trẻ em tàn tật, mồ côi khá quy mô, một ở chùa Cẩm Phong, một ở chùa Phật Mẫu Trường Tây. Với hoàn cảnh của anh Thê, hai cơ sở sẵn sàng nhận hai người con trai tàn tật của anh vào nuôi dưỡng, nhưng chưa bao giờ người cha tội nghiệp ấy nghĩ đến điều đó. Anh nói mình gây ra đau khổ cho con thì phải có trách nhiệm lo cho chúng đến cuối đời. Vào trung tâm, chắc chắn các con anh được nuôi dưỡng tốt hơn, nhưng chúng sẽ thiếu tình thương yêu của người thân. Vả lại, Nhà nước cũng đã có chế độ trợ cấp hàng tháng cho các em; các đoàn thể, ban ngành cũng quan tâm cho quà, thuốc men, áo quần khi có dịp. Hàng ngày, người cha gầy yếu đó phải đánh vật với hai cậu con tàn tật nhưng mập mạp, to lớn.

Chưa yên với số phận, mới đây cô con gái Ánh Nguyệt chia tay chồng, đem con gái ba tuổi về ở với ông ngoại. “Chồng nó phụ bạc vợ con, đi làm chẳng bao giờ đưa tiền nuôi con. Giờ nó về đây, tôi phải chăm thêm cháu ngoại cho mẹ nó đi làm xí nghiệp, không thì lấy gì mà ăn!”. Anh cười buồn, tự nhận đời mình còn khổ dài dài, nếu có người phụ nữ nào can đảm ghé vai gánh đỡ, cũng là chuyện cổ tích. Trước mắt, còn sức anh sẽ còn lo cho các con, khi nào không ráng được nữa, sẽ nhờ tới tấm lòng của xã hội...

 PHÙNG PHƯƠNG QUÝ

Bài 3: Nỗi đau đời cha

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI