Hồ Phú Ninh cách thành phố Tam Kỳ, thủ phủ Quảng Nam chừng 7km về phía tây, thuộc địa phận huyện Núi Thành và huyện Phú Ninh. Khánh thành vào năm 1987 sau mười năm xây dựng, hồ Phú Ninh là một trong những đại công trình thủy nông tầm cỡ quốc gia, từng là công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung và lớn thứ hai của cả nước, chỉ sau hồ Dầu Tiếng tại Tây Ninh.
Sơn thủy hữu tình
|
Các con đường có tên thơ mộng ở hồ Phú Ninh |
Công trình hồ Phú Ninh đã điều tiết được những cơn lũ lớn hằng năm tràn về đồng bằng. Nơi đây còn gây ấn tượng với tôi khi vào năm 1999, trong cơn lũ lịch sử, hồ khiến cả nước âu lo vì nguy cơ vỡ đập rất cao, chính quyền phải cho đắp thêm 30cm đập ngay trong đêm, tránh được việc phải phá đập.
Không chỉ mang ý nghĩa về mặt thủy lợi, hồ Phú Ninh được đưa vào khai thác du lịch. Quang cảnh quanh hồ quả là bức tranh sơn thủy hữu tình, khá hoàn hảo nếu như không tính đến sự thất vọng đôi chút gây ra cho du khách khi nó được một đơn vị đưa vào kinh doanh khai thác du lịch khá hời hợt.
Mức giá 50.000 đồng/vé vào cổng không đắt so với các khu du lịch khác nhưng lại đắt khi khách tham quan hầu như không nhận được dịch vụ gì miễn phí. Khách dễ bị cảm giác người ta tận dụng cảnh quan sẵn có để thu phí.
Còn những cảnh quan có dấu ấn bàn tay con người lại cho thấy đây là một khu du lịch không được chăm chút kỹ. Nơi đây có một resort nhỏ hoang phế với những chòi massage thư giãn có vẻ như đã lâu không sử dụng nay được những chiếc lều cắm trại ngự vào như muốn thay thế công năng ban đầu. Ngay cả khuôn viên phòng họp bằng gỗ cũng có mấy chiếc lều cắm trại để sẵn.
Tôi cắc cớ hỏi một cô nhân viên ở quầy tiếp tân thì được cô cho biết các dịch vụ sử dụng trong khuôn viên này đều có phí, chỉ miễn phí tham quan và tắm ở bể bơi. Bể bơi ở đây chính là diện tích mặt nước hồ gần bờ được quây lại thành hình chữ nhật nhưng chẳng có ai tha thiết xuống bơi dù hồ này trông khá thú vị và ở vị trí du khách khó mà không thể chụp hình check-in!
Chút mộng mơ còn lại
Cũng may phong cảnh ở đây quá đẹp để bạn có thể tạm quên những dịch vụ chưa hoàn hảo. Chẳng hạn như đứng trên bờ nhìn xuống hồ, về cái bể bơi độc đáo ấy thì phải công nhận rằng tôi chưa từng thấy bể bơi lộ thiên trên hồ nào có cảnh quan đẹp như thế. Nếu không muốn bơi, ít ra bạn vẫn muốn có vài tấm hình lưu niệm tại đây.
Hồ Phú Ninh cũng là nơi có nhiều con đường nội bộ mang tên gọi thơ mộng nhất xứ Quảng (và có thể nói là cả Việt Nam). Đi qua không biết bao nhiêu khu du lịch, bao nhiêu con đường nội bộ ở khắp nước mình nhưng tôi chưa gặp nơi nào có lắm đường trong một khuôn viên như thế và tên nào cũng rất trữ tình hoặc gợi tả: Mơ, Hân Hoan, Ngủ Quên, Lâng Lâng, Nết Na, Dịu Dàng, Trang Nhã, Nhỏ Xíu, Nắng… Hẳn chủ nhân của khu du lịch này hoặc người đặt ra các tên gọi này cũng rất lãng mạn.
Diện tích mặt nước hồ Phú Ninh khá rộng, đến hơn 3.000ha; muốn tham quan hết, du khách phải thuê ca-nô chạy quanh hồ.
Trong vùng lòng hồ có gần 30 đảo lớn, nhỏ tạo nên một quần thể sơn thủy hữu tình, trong đó có một số đảo lớn như: Rùa, ông Sơ, 61... Quần thể hồ - đảo ấy khiến người ta ví nơi này như một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Xung quanh đảo, người dân còn trồng thêm một số loại cây như bạch đàn, thông Caribe để giữ nước.
Cũng từ đó, những hòn đảo xanh um tùm cây lá đã biến Phú Ninh thành một viên ngọc xanh, một lá phổi cho Tam Kỳ. Hệ thống động, thực vật ở đây khá phong phú, có nhiều loài trong sách đỏ thế giới.
|
Diện tích mặt nước hồ Phú Ninh khá rộng, đến hơn 3.000ha |
Trong hồ Phú Ninh còn có mỏ nước khoáng thiên nhiên phun trào từ lòng đất và hệ thống khu du lịch sinh thái. Không có nhiều thời gian lưu lại nơi đây, tôi dành thời gian để đi loanh quanh trên bờ. Mùa này mực nước thấp nên tôi có thể băng qua dải đất cạn ra tận mép nước để nhìn thật gần làn nước trong xanh tĩnh lặng. Bờ đất màu vàng, mặt nước như gương, soi bóng những ngọn núi xanh rì cây, thỉnh thoảng mới lười biếng gợn chút sóng nhẹ như gió thoảng khi có con thuyền chở du khách dạo ngang qua.
Đứng ngắm cảnh trời, mây, nước dưới bóng mát của những cây trồng lâu năm, tôi cảm thấy như được đền bù cho chặng đường dãi nắng trưa gay gắt để tìm đến nơi này. Và rồi tôi chợt nghĩ rằng cảnh đẹp như hồ Phú Ninh cần phải được đền bù một cách xứng đáng hơn từ những gì bức tranh sơn thủy này đang có. Đừng để hồ Phú Ninh chỉ là nơi người ta rần rần kéo tới, chụp dăm tấm hình, sử dụng nó như một chỗ để đổi gió dã ngoại, ăn uống nhồm nhoàm rồi đi.
Tôi có mơ mộng quá không?
Hồ Phú Ninh thuộc thôn Trung Đàn, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam; cách ga Tam Kỳ 7km, cách sân bay quốc tế Đà Nẵng khoảng 70km, cách sân bay Chu Lai khoảng 15km.
Hồ Phú Ninh được bao bọc bởi đồi núi ở các xã xung quanh: Tam Xuân ở phía đông, Tam Dân - Tam Thái ở phía bắc, Trà Bồng - Trà Liên - Tam Lãnh ở phía tây và Tam Sơn ở phía nam. Đập chính hồ Phú Ninh được làm bằng đất nện lát đá bề mặt với chiều cao tính từ chân đập là 36m, chiều dài đập là 360m. Ngoài ra, hồ Phú Ninh còn có cánh rừng phòng hộ khoảng 23.000ha.
Cùng với hồ Phú Ninh, có khá nhiều điểm thú vị ở thành phố Tam Kỳ mà bạn có thể tranh thủ kết hợp khám phá như:
- Tháp Chiên Đàn - tháp cổ Chămpa nổi tiếng của vùng - ở làng Chiên Đàn, thuộc xã Tam An, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, cách thị xã Tam Kỳ 5km về phía bắc, cách Đà Nẵng 60km về phía nam, cạnh Quốc lộ 1A.
- Bãi sậy sông Đầm là một vùng đầm nước rộng lớn được hình thành từ thời xa xưa với diện tích tự nhiên khoảng 180ha ở thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng.
Bạn đừng quên thưởng thức món cơm gà Tam Kỳ nổi tiếng khắp cả nước. Món này, bạn có thể ăn ở nhiều quán. Chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 1A, đi ngang thành phố Tam Kỳ, nếu bạn hỏi về quán cơm gà, người dân nơi đây sẽ nhiệt tình chỉ dẫn. Nếu có thời gian, bạn hãy ghé cơm gà bà Luận ở 707 Phan Chu Trinh, 143 Trưng Nữ Vương, nơi được cho là một trong những quán cơm gà đầu tiên và ngon nhất thành phố Tam Kỳ.
|
Bài và ảnh: Lê Minh Hạ