PNO - Những ngày cận kề tháng 8 âm lịch, không khí tại các xưởng làm lân truyền thống ở TP Huế càng thêm nhộn nhịp.
Ghé thăm con hẻm 11 đường Trần Hưng Đạo, TP Huế (Thừa Thiên-Huế) vào thời điểm này, mọi người dễ dàng nhận thấy người thợ tất bật từ sáng sớm đến tối muộn để kịp phục vụ thị trường tết Trung thu đang đến thật gần. |
Bên trong con hẻm này, nhà nào cũng ngập tràn đầu lân đủ kích cỡ, màu sắc |
Tiếng cười nói rôm rả của những người thợ miệt mài bên những chiếc đầu lân khiến mọi người cảm nhận không khí Tết trung thu đang đến gần |
Bà Nguyễn Thị Rớt năm nay 78 tuổi, có thâm niên 50 năm làm và bán đầu lân với con cháu ở phố này. Mỗi dịp Trung thu về, mệ (bà) lại ra góc phố nhỏ thân quen để nhìn mọi người đi tham quan, mua sắm. Với bà, mỗi chiếc đầu lân được bán đi, ngoài việc gia đình có thêm thu nhập, còn có ý nghĩa trao gửi tình yêu đến với mọi người, là cơ hội giữ gìn nghề làm đầu lân truyền thống xứ Huế. |
Ban đầu, lân Huế chỉ có hai màu đỏ và vàng tượng trưng cho may mắn, tài lộc và thịnh vượng. Tuy nhiên, thị trường lân ngày nay đã đa dạng hơn với nhiều sắc màu từ xanh lá, xanh dương, cam, hồng cho đến tím |
Thậm chí, màu đen thường được coi điềm xui theo quan niệm dân gian cũng bắt đầu xuất hiện trên những chiếc đầu lân. |
Đây là nghề “cha truyền con nối” và được nhiều gia đình ở Huế gìn giữ, duy trì qua nhiếu thế hệ. Nét khác biệt của đầu lân xứ Huế theo lời kể các nghệ nhân làm đầu lân chính là họa tiết trang trí ở đôi mắt con lân. Công việc này khá vất vả, qua nhiều công đoạn, và đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đảm nhận công đoạn này thường là thợ cả lành nghề mới có thể tạo ra đôi mắt lân "thần thái". |
Chính sự đặc biệt đó đã thu hút du khách mỗi khi đi ngang con phố này vào dịp cận tết Trung thu. |
Trải qua bao nhiêu năm, đặc trưng của lân cố đô vẫn nằm ở đôi mắt và bộ râu thể hiện sự uy quyền. Lân Huế cầu kỳ trong cách trang trí. Nếu không vẽ những hoa văn mô phỏng ngọn lửa cháy bập bùng, thì đầu lân cũng được đính kết nhiều kim sa lấp lánh. |
Thương hiệu lân Huế ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cả nước. Không chỉ xuất đi Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Trị, Đắk Lắk, TPHCM, mà lân Huế đã xuất khẩu ra nước ngoài, phục vụ bà con Việt kiều trong mỗi dịp lễ lớn. |
Để kịp nguồn hàng phục vụ nhu cầu của khách dịp này, các cơ sở phải bắt tay vào làm từ sau Tết Nguyên đán. Những ngày cận kề, nhiều cơ sở phải thuê thêm nhân công làm thời vụ. Thời điểm này, đa số các cơ sở đã ngưng sản xuất để tập trung phân phối hàng ra thị trường. |
Giá thành các sản phẩm dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng. Đối với những sản phẩm được khách đặt làm riêng, có yêu cầu cao, thì giá thành có thể lên đến vài chục triệu đồng. Mùa Trung thu, trung bình mỗi cơ sở tại đây làm hơn 3.000 đầu lân cả lớn lẫn nhỏ. |
Để làm hoàn chỉnh một cái đầu lân mất khoảng một tuần và trải qua nhiều công đoạn. Đầu lân thường không có khuôn mẫu cụ thể, do đó quá trình làm phải tự mày mò, suy nghĩ làm sao để tạo ra những hình thù bắt mắt. |
Ngoài làm đầu lân, các cơ sở cũng cung cấp các mặt hàng đạo cụ đi kèm như trống, chũm chọe, thanh la, bộ đồ ông địa, chú tễu... |
"Tôi từng làm rất nhiều nghề, nhưng sau này lại gắn bó với nghề làm đầu lân vì đam mê nghệ thuật và cũng bởi nghề mang lại thu nhập. Hiện tại, cơ sở của tôi cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Rất mừng là hiện nay có nhiều lễ hội được tổ chức, các hoạt động múa lân cũng diễn ra nhiều hơn, nên nghề có cơ hội phát triển. Hiện nhiều người cũng mong muốn theo học theo nghề này" - ông Trương Như Rem, một nghệ nhân làm đầu lân ở 11 Trần Hưng Đạo TP Huế chia sẻ. |
Nỗi trăn trở lớn nhất đối với những người thợ làm đầu lân nơi đây, chính là mong nghề làm lân được công nhận là nghề truyền thống của Huế, để thế hệ trẻ tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của vùng đất cố đô. |
Thuận Hóa
Chia sẻ bài viết: |
Tại các xưởng sản xuất mô hình đường hoa Nguyễn Huệ thợ thi công đang gấp rút những công đoạn cuối cùng để bàn giao đơn vị tổ chức đường hoa xuân.
Sở hữu vẻ đẹp cổ kính, cây mai gần 100 tuổi tạo nên một điểm nhấn ấn tượng cho chợ hoa Xuân năm 2025 tại TP Buôn Ma Thuột.
Linh vật rắn Đà Nẵng đặt hàng nghệ nhân Quảng Trị Đinh Văn Tâm đã được lắp đặt với hình ảnh đầy uy nghi bên cạnh cầu Rồng.
Sau khi đội tuyển Việt Nam thắng đội tuyển Thái Lan để giành chức vô địch, người hâm mộ đã xuống đường cổ vũ, chúc mừng đội tuyển Quốc gia Việt Nam.
Lễ mừng cơm mới là hoạt động đầu năm cùng nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của dân tộc Thái Việt Nam.