TP.HCM đã và đang kiểm soát tốt dịch COVID-19. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân dần trở lại bình thường. Dẫu vậy, thành phố này, dù bao lâu sau nữa, cũng sẽ thật khó để quên một giai đoạn lịch sử, “nước sôi lửa bỏng” - đợt dịch lần thứ tư - với nỗi đau, mất mát và cũng từ đó, bật lên bao điều phi thường.
Nhân dịp năm mới, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện, để cùng nhìn lại những ngày tháng vừa qua, và dự tính cho hành trình phía trước.
|
Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM |
Phóng viên: Ngay trong ngày đầu tiên TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bà đã có thư kêu gọi người dân đồng lòng thực hiện, cùng với đó, cung cấp đường dây nóng phục vụ công tác “cứu đói”, giám sát quá trình phòng, chống dịch của các đơn vị, địa phương. Xin bà chia sẻ cảm nhận về những ngày tháng mà chủ đề về miếng cơm, manh áo “nóng” hơn bao giờ đó?
Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM: Khoảng trung tuần tháng 7/2021 là thời điểm hết sức khó khăn của TP.HCM. Số ca tử vong có lúc lên tới hơn 300 người/ngày, số ca nhiễm cũng liên tục tăng. Thành phố áp dụng các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội. Với phương châm không được để người dân bị thiếu ăn, đứt bữa, chúng tôi triển khai ngay tổng đài tiếp nhận phản ánh khó khăn cần giúp đỡ của người dân qua điện thoại và mạng xã hội. Những ngày đó, tâm lý của người dân như bơi giữa dòng bắt được phao cứu sinh. Họ liên tục gọi điện, bất kể ngày hay đêm. Cuộc này chưa xong, cuộc khác đã tới, liên tục… Tâm lý của người tiếp nhận và xử lý thông tin luôn trong trạng thái căng như dây đàn.
Tôi nhớ mãi câu chuyện mà anh chị em cán bộ tiếp nhận sau khi mở tổng đài ba ngày, là trường hợp của một chị tên Thúy ở P.13, Q.3. Chị bán hàng rong, vì giãn cách xã hội nên không có việc làm và mất thu nhập, chị cũng không thể đi ra ngoài vì khu trọ bị phong tỏa trong khi đứa con hai tuổi của chị đã hết sữa uống. Chị gọi tổng đài cầu cứu. Ngay khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã chuyển về cho Q.3, và chỉ sau một tiếng đồng hồ, Mặt trận Tổ quốc P.13 đã mang sữa bột đến cho bé. Điều này quá nhỏ nhoi trong điều kiện bình thường, nhưng ở thời điểm đó là sự nỗ lực hết sức của đôi bên, người giúp lẫn người cần giúp.
* Hẳn đó là giai đoạn đáng nhớ đối với từng cán bộ mặt trận, thưa bà?
- Trong thời điểm thành phố thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, mặt trận các cấp là chủ lực trong khâu tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; vận động và tiếp nhận ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch; thực hiện các túi an sinh và giao tới tận người dân khó khăn, khu vực cách ly, phong tỏa.
|
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tiếp nhận hàng ủng hộ TP.HCM chống dịch COVID-19 |
Để đáp ứng được những công việc đó khi nguồn nhân lực khá ít ỏi - nhiều phường, xã, thị trấn chỉ có một, hai người - cán bộ mặt trận đã làm việc xuyên đêm. Chúng tôi hay gọi đùa nhau là cán bộ “đa năng”, bởi khi thì như một người cửu vạn, vác cả tấn gạo, tấn mì; khi như người làm việc tại chợ đầu mối, nhặt rau, cắt, gọt củ quả để nhu yếu phẩm tới bà con tươm tất nhất; rồi đi hỗ trợ tại các điểm tiêm ngừa, điểm lấy mẫu tầm soát sáng đêm; có những đêm ngồi lọ mọ nhập số liệu trong công tác chi hỗ trợ cho người dân khó khăn… Nhiều người hơn ba tháng không về nhà; nhiều người bị nhiễm, hết bệnh tiếp tục quay lại làm việc, rồi tái nhiễm; nhiều người mất đi người thân nhưng vẫn nén tình riêng để lo việc chung…
Khoảng thời gian chinh chiến, cống hiến hơn 200% sức lực cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của mỗi cán bộ mặt trận nói riêng, các cán bộ trong hệ thống chính trị, những tình nguyện viên nói chung, sẽ là ký ức không thể nào quên.
* Và chúng ta đã chứng kiến một thành phố đồng lòng, đoàn kết, cũng như những vòng tay yêu thương của đồng bào khắp các tỉnh thành, trong và ngoài nước?
- Khi TP.HCM trở thành tâm dịch với số ca nhiễm cao nhất cả nước, một lần nữa, tinh thần đoàn kết của dân tộc tái hiện. Những đoàn y bác sĩ, quân đội, tình nguyện viên không chút chần chừ, ngay lập tức đi vào tâm dịch.
Thành phố cũng đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ hàng hóa, trang thiết bị y tế, kinh phí phòng, chống dịch; mua vắc-xin ngừa COVID-19 từ cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước, cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam; các cơ quan lãnh sự, các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp; các tổ chức, cá nhân… Nhiều mô hình sáng tạo chăm lo an sinh xã hội của nhân dân cũng được nhân rộng. Điều này thể hiện rằng khi người dân tin tưởng, đồng lòng thì sẽ sẵn sàng chia sẻ cùng thành phố. Và phải khẳng định một điều rằng để vượt qua được giai đoạn khó khăn này có sự đóng góp rất lớn, chung sức chung lòng của đồng bào thành phố. Đúng như Bác Hồ đã dạy: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
* Dù vậy, có thể nói cuộc chiến với dịch bệnh vừa qua cũng bộc lộ một số vướng mắc, phơi bày khuyết điểm. Bà dường như rất tâm tư về những hạn chế này?
- Ở góc độ mặt trận, mặc dù đã rất nỗ lực để cùng với hệ thống chính trị thực hiện chăm lo an sinh xã hội, nhưng vẫn còn những thiếu sót, bất cập. Cánh tay nối dài của các gói, các chương trình an sinh xã hội vẫn chưa thể với tới hết được mọi hoàn cảnh khốn khó, do hệ thống cập nhật dữ liệu còn trục trặc. Chúng tôi tiếp thu và tự kiểm điểm năng lực, trách nhiệm của mình trước đồng bào, lãnh đạo thành phố.
Ngoài ra, tôi nghĩ cần có một cơ chế nhịp nhàng, thuận tiện hơn trong công tác tiếp nhận cứu trợ. Khi cứu trợ, nhất là trong tình huống khẩn cấp, việc gói cứu trợ chậm đến tay người dân là rất đáng tiếc.
* Từ kinh nghiệm, bài học đã qua, xin bà chia sẻ về sự chuẩn bị cho “đường dài” tới đây, nhất là trong công tác an sinh để an dân?
- Đại đoàn kết toàn dân đã giúp chúng ta có đủ nhân lực cho cả tiền tuyến lẫn hậu phương. Hơn 2,4 triệu túi an sinh, hơn 315 tỷ đồng mua vắc-xin, hơn 2.714 tỷ đồng giá trị vật tư y tế… là sự chung tay của cộng đồng. Nguồn lực của Nhà nước có giới hạn, nếu không có sự chung tay, đoàn kết của mọi người, cuộc chiến này sẽ còn khó khăn và gian nan lắm. Do đó, tuyên truyền, vận động người dân vừa cảnh giác phòng chống dịch, vừa chung tay đóng góp vật chất hỗ trợ những người gặp khó khăn do dịch là điều hết sức quan trọng.
Về công tác an sinh, trước mắt thành phố tiếp tục thực hiện chương trình “Thành phố nghĩa tình - Kết nối yêu thương” với chủ đề “Triệu người có giúp nhiều người khó” trên ứng dụng An sinh. Đồng thời, tiếp tục công tác chăm lo từ Quỹ Vì người nghèo. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đang xây dựng đề án “Phát triển Trung tâm an sinh và chiến lược phát triển năm 2025, tầm nhìn 2030” để có biện pháp căn cơ, lâu dài trong công tác chăm lo cho người dân.
* Xin cảm ơn bà!
Tuyết Dân (thực hiện)