Thâm nhập đường dây lừa đảo của Út Nhị

01/01/2015 - 08:13

PNO - PN - Ngay lúc hàng loạt nạn nhân lâm vào cảnh sống dở chết dở nơi xứ người, thì ở Việt Nam, “cò” Nguyễn Thị Thủy (thường gọi là Út Nhị) vẫn nhởn nhơ, tiếp tục lừa những người nông dân, công nhân khác.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày 19/12, Út Nhị nhận “cò” cho phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM sang Nga với chi phí 3.100 USD với cam kết: “Đi làm bằng con đường hợp pháp hẳn hoi!”.

Tham nhap duong day lua dao cua Ut Nhi

Hai tấm biển tuyển người công khai trước quầy tạp hóa nhà Út Nhị

“CHÂN DUNG” ÚT NHỊ

Sau khi anh Toàn, anh T. và chị Ngân trốn thoát từ Nga trở về, “cò” Út Nhị trở nên thận trọng hơn, không phải ai tới “nhờ” làm dịch vụ sang Nga lao động bà ta cũng nhận. Sau một tuần lân la, cuối cùng thông qua Hiếu, một nữ công nhân ở xã Phước Hiệp, H.Củ Chi, TP.HCM, chúng tôi đã tiếp cận được đường dây đưa người xuất khẩu chui sang Nga. Trong vai người phụ nữ đã ly hôn vì bị bạo hành, muốn xuất khẩu lao động để kiếm tiền và cũng để trốn chồng cũ quấy rối, phóng viên đã được Út Nhị đồng ý "giúp đỡ".

Đêm trước ngày gặp phóng viên, Út Nhị còn hứa chắc sẽ cho Hiếu một triệu đồng nếu phi vụ làm ăn này trót lọt. Sáng 19/12, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Thủy (Út Nhị) ở ấp Phước Hưng, xã Phước Thạnh, H.Củ Chi. Nơi đây là một tiệm tạp hóa khá lớn nằm ngay tỉnh lộ 7, cách ngã tư Phước Thạnh (Quốc lộ 22) chừng 500m.

Từ ngoài đường vào, đã thấy ngay hai tờ giấy khổ A3 được dán trước tủ kính của tiệm: “Thông báo tuyển lao động nam nữ đi làm việc có thời hạn tại Nga” của hai công ty INIMEXCO và Cổ phần dịch vụ Du lịch dầu khí OSC Hà Nội.

Út Nhị - tuổi ngoài 50, dáng người thấp, đẫy đà, giọng ngọt xớt, an ủi tôi: “Ráng lo tiền đi chuyến này đi con. Con không tìm đường đi thì còn chết nữa”. Sau đó bà ta tận tình hướng dẫn làm hộ chiếu, cách thi thử tay nghề may (bằng cách may thử đường viền quanh các con số từ 1 đến 8) với lời đoan chắc, sẽ đưa đi bằng đường hợp pháp.

Tay thoăn thoắt làm cá, miệng Út Nhị thao thao: “Chi phí tổng cộng có 3.100 đô la, trong đó, 500 đô là tiền dịch vụ, tiền mặt con phải đóng chỉ có 1.400 đô, công ty cho con nợ 1.600 đô, qua đó làm trừ vô lương. Làm là ăn chắc nghe con. Hợp đồng ăn sản phẩm. Con sinh năm 1974 hả? Vậy là trót lọt rồi, người ta tuyển từ 18 đến 40. Cháu của Út 45 tuổi, quá tuổi nên phải đi theo đường visa ba tháng, qua đó mấy tháng nay nó làm khỏe, có công an bảo kê mà lo gì. Con muốn đi nhanh thì đi giống cháu Út, không thì chờ ba tháng. Mà đừng đi nhanh, con đủ tuổi mà, Út đưa hồ sơ con ra Hà Nội, đi hợp lệ cho nó khỏe. Đi tỉnh nào Út không biết đâu nhưng công việc và thu nhập là đảm bảo”.

Thỏa thuận xong, chúng tôi chia tay. Liên tục nhiều ngày sau đó, gần như hôm nào bà Út Nhị cũng điện thoại, nhắn tin hỏi thăm sức khỏe, thăm hỏi từ cha mẹ, đến con cái, tình hình lo thủ tục, khám sức khỏe…

CÔNG TY “MA”

Lần theo những địa chỉ các công ty môi giới xuất khẩu lao động mà bà Út Nhị nói rằng đã hợp tác với bà ta, chúng tôi phát hiện tất cả đều là địa chỉ “ma”; điện thoại của người đứng tên ký bản thỏa thuận và cam kết đưa Nguyễn Phú Kim Ngân (nhân vật được đề cập trong bài 1: Chết thảm khốc trên đường trốn chạy, báo Phụ Nữ ngày 29/12) đi Nga làm nghề may, đã khóa máy.

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của người được Út Nhị giới thiệu là nhân viên của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM ở đường Hoàng Hoa Thám, P.12, Q.Tân Bình thì chủ nhà cho biết ở đây không có ai tên như vậy. Liên hệ với Sở LĐ-TB-XH TP.HCM để xác nhận lại thông tin, hoàn toàn không có cán bộ nào tên đó.

Theo địa chỉ ghi trên hai tờ giấy A3 dán trước nhà Út Nhị, chúng tôi vào website của Công ty Cổ phần dịch vụ Du lịch dầu khí OSC Hà Nội. Trang này cũng có thông tin tuyển dụng đi Nga, nhưng đã hết thời hạn từ tháng 6/2012. Còn Công ty INIMEXCO địa chỉ số 9 và 10 lô A 1- Khu đô thị mới Đại Kim- Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, thông tin tuyển dụng lao động đi Nga cũng đã hết hạn từ ngày 30/7/2013. Chúng tôi gọi vào số điện thoại di động đăng trên trang web công ty thì không ai bắt máy. Theo tổng đài 1080 Hà Nội, công ty này không có tên trong danh bạ.

Sau khi tìm thông tin nhiều ngày liền, trưa 26/12, gọi thử vào máy bàn của INIMEXCO theo số 04 62971488, chúng tôi được hướng dẫn gặp một nhân vật tên Trường qua số di động 096656... để được giới thiệu đi Nga. Qua điện thoại, Trường hướng dẫn tương tự “cò” Út Nhị, còn khẳng định sẽ thử tay nghề của tôi qua việc may thử và ghi hình bằng video gửi ra Hà Nội là xong.

Trong khi giá môi giới qua Nga của các “cò” ở Việt Nam cao ngất, thì chúng tôi gọi sang Nga để tìm "cò" Nghĩa taxi (+796711...), người đàn ông này đã đồng ý đưa chúng tôi sang Nga chỉ 1.600USD với điều kiện chuyển khoản một lần đủ tiền cho vợ “cò” Nghĩa tên L.T.M. ở ngân hàng NN-PTNT Yên Định. Theo “cò” Nghĩa, chỉ trong vòng một tháng sẽ có đầy đủ thủ tục để lên đường. Khi qua đến Nga, Nghĩa sẽ đón và bố trí chỗ làm, lương khởi điểm khoảng 300USD/tháng. Chúng tôi hỏi: “Không phải khởi điểm 600USD sao?”. Nghĩa quát nạt: “Ai nói bậy?”. Nghe nói INIMEXCO và Út Nhị cam kết lao động hợp pháp, đầu dây bên kia, Nghĩa bật cười lớn: “Bên này chẳng có thằng nào làm hợp pháp cả”.

Kể cả Hồng Kiên, người từng đón Toàn, T. và nhóm của Ngân từ sân bay về vườn rau và xưởng may ở Nga cũng xác nhận với phóng viên hơn một năm nay chỉ đưa người đi chui.

Ngày 26/12, liên lạc với đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga (+79 03 682 16 17), người trực đường dây cho biết: “Matxcơva với mấy trăm xưởng may có lao động Việt làm việc bất hợp pháp như vậy. Đó là do trong nước quản lý kém, để nhiều đơn vị lừa đảo người dân. Hiện tại không có thống kê chính thức số lượng lao động Việt Nam sinh sống bất hợp pháp ở Nga. Chúng tôi phải phối hợp phía bạn để đưa những người lao động bất hợp pháp này về nước, đó là việc thường xuyên rồi, nhưng nhiều quá nên không làm hết, cũng không biết họ đang bị đưa đi lao động, trú trốn ở những nơi nào. Nếu họ kêu cứu về báo Phụ Nữ, các anh chị bảo giúp họ muốn về thì gọi cho chúng tôi”.

Tham nhap duong day lua dao cua Ut Nhi

Bà Út Nhị gọi điện “ra Hà Nội” để gửi nhờ giúp đỡ cho phóng viên đi sớm

CHÍNH QUYỀN… NGƠ NGÁC

Theo thông tin báo Phụ Nữ có được, sau kỳ lễ Noel và Tết dương lịch, đường dây của “cò” Út Nhị sẽ tiếp tục đưa hai người lao động ở Hóc Môn đi may “hợp pháp” và tám người ở Củ Chi đi làm nông nghiệp ở Nga với visa du lịch. Như vậy, đường dây lừa đảo của Út Nhị đang tiếp tục vươn vòi mạnh mẽ.

Sau khi thâm nhập đường dây đưa người lao động sang Nga bất hợp pháp của “cò” Út Nhị, phóng viên đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Gái, Phó chủ tịch UBND H.Củ Chi. Bà Gái tỏ vẻ bất ngờ, nói: “Từ nhiều năm nay, việc đưa người lao động đi nước ngoài do Phòng LĐ-TB-XH huyện phụ trách. Chỉ có việc xuất khẩu lao động sang Nhật Bản và Hàn Quốc chứ chưa hề có một báo cáo nào về người lao động đi Nga. Tôi cũng không nghe Phòng Kinh tế huyện báo cáo huyện có đơn vị môi giới đưa người đi xuất khẩu lao động”.

Ông Lê Văn Khá, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Củ Chi khẳng định: “Từ nhiều năm nay, chúng tôi không nghe Sở có thông tin về việc tuyển dụng người xuất khẩu lao động sang Nga”.

Ngày 30/12, trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Phước Thạnh cho biết: “Khi đọc bài trên báo Phụ Nữ ngày 29/12, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ. Từ trước đến giờ ở xã cũng biết bà Út Nhị hợp tác với một công ty của Sở LĐ-TB-XH (?) đưa người xuất khẩu lao động sang Nga, Nhật, Hàn, thế nhưng đây là lần đầu tiên nghe nói đường dây này lừa đảo. Tuy nhiên, khi đã có thông tin, công an và chính quyền xã sẽ vào cuộc, xác minh vụ việc. Nếu phát hiện đường dây này là bất hợp pháp như báo Phụ Nữ đưa tin, chúng tôi sẽ ngăn chặn”.

Các cơ quan chức năng ở Củ Chi đề nghị báo Phụ Nữ chuyển đơn và hướng dẫn người dân đến tố giác hành vi lừa đảo của bà Út Nhị tại công an, chính quyền địa phương. Ngày 30/12, bà Đinh Thị Vân, mẹ của Nguyễn Phú Kim Ngân đã chính thức gửi đơn tố giác hành vi lừa đảo của bà Út Nhị. Riêng Toàn và T., hai người lao động trốn về từ Nga qua đường dây “cò” Út Nhị cũng cung cấp các đoạn ghi âm về việc bà Út Nhị hứa hoàn trả tiền, thỏa thuận và cả thách thức họ đi tố giác đến cơ quan chức năng.

Bà Vân cho biết: “Chúng tôi sẽ cung cấp cho chính quyền chứng cứ về hành vi lừa đảo của Út Nhị để ngăn chặn, giúp những người lao động khác không bị lừa”.

Rõ ràng, đường dây đưa người sang Nga lao động bất hợp pháp của Út Nhị tồn tại nhiều năm trên địa bàn, trong khi đó, không một cơ quan địa phương nào kiểm tra (thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh, tình hình hoạt động…) chỉ vì tin đó là đường dây của “Sở”, của “Bộ”. Sự lỏng lẻo trong quản lý của chính quyền địa phương là kẽ hở để những kẻ lừa đảo tiếp tục lừa người lao động, đẩy họ vào thế cùng cực, trốn chui trốn nhủi mưu sinh nơi xứ người.

 Nhóm PV CTXH

DỤ DỖ, QUẢNG CÁO GIAN DỐI ĐỂ LỪA NGƯỜI XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG LÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT

Điều 8, Bộ luật Lao động nghiêm cấm hành vi dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật; nghiêm cấm việc cưỡng bức lao động…

Như vậy, rõ ràng hành vi của bà Út Nhị và “đối tác” của bà tại Nga là vi phạm pháp luật. Người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 95/3013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ. Mức xử phạt tiền cao nhất lên đến 200.000.000đ.

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc đưa người lao động về nước theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

Theo tôi, khi phát hiện hoạt động phi pháp nói trên, biết mình đã bị lừa, người trong cuộc và gia đình (nếu người lao động chưa có điều kiện trở về) phải mạnh dạn làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an, chính quyền địa phương, Sở LĐ-TB-XH, Sở Ngoại vụ và Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga… để các cơ quan này xử lý hành vi vi phạm và có biện pháp phối hợp bảo vệ công dân Việt Nam, đưa họ về nước an toàn.

Ngoài ra, sau khi về nước, các nạn nhân có quyền làm đơn khởi kiện, yêu cầu người thực hiện “dịch vụ” xuất khẩu lao động hoàn trả tiền và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Luật sư  HUỲNH MINH VŨ (Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI