PNO - PN - Cũng như nhiều người, tôi từng kính phục sự nhân ái của sư trụ trì trong việc nuôi dưỡng hàng chục em bé mồ côi bị bỏ rơi ở cổng chùa. Nhiều công ty, tổ chức trong ngoài nước và bạn bè tôi đã đến đây làm từ thiện, chia...
Một phụ nữ được thuê nuôi giữ trẻ ở chùa Bồ Đề
“Thợ” nuôi trẻ
Nguyễn Thị Nhàn, quê ở Nam Định đã làm “Ôsin” trong chùa bốn năm, “bật mí”: “Sư thầy vừa mua mảnh đất những 45 tỷ để xây nhà cho trẻ mồ côi ở đây. Chùa này không phải của Nhà nước, tiền là do khách thập phương cung tiến cả đấy”. Nhàn lên thành phố làm nghề giúp việc, được sư thầy tuyển vào chùa trông trẻ. Mỗi tháng sư thầy trả lương không dưới ba triệu đồng. Ở chùa, có vài chục người phụ nữ như Nhàn, được gọi là mẹ. Mỗi mẹ nuôi bốn-năm con (trẻ bị bỏ rơi) nhỏ xíu. Nhàn cho biết: “Trẻ ngày càng đông, chăm làm sao xuể được. Đôi khi chúng nó khóc cũng mặc kệ, dỗ được đứa này thì đứa kia quấy nhèo nhẹo, mệt lắm. Thỉnh thoảng cũng có bé qua đời. Trẻ ở đây bị bỏ rơi nhiều lắm, có đứa bị HIV. Báo chí viết về chùa đầy ra đấy, chị không biết chùa này rất nổi tiếng à? Hết đoàn nọ đến đoàn kia ghé làm từ thiện thì mới có tiền mà nuôi các cháu, chứ ở đây làm gì có chế độ nhà nước?”. Tôi hỏi: “Ngoài lương ra thì các mẹ có khoản nào khác nữa không?”, Nhàn đáp: “Thỉnh thoảng phật tử thương, giấm giúi cho các mẹ mấy đồng để nuôi các cháu tốt hơn. Sư thầy mà biết là bọn em phải nộp lại ngay, chỉ nhận lén lút thôi”. Nhàn cũng như nhiều người mẹ khác, không rõ chính xác những đứa trẻ mồ côi đến từ đâu. Chỉ thỉnh thoảng thấy các sư trong chùa mang vào khu nuôi một cháu, giao cho các mẹ. Họ dặn phải nói tất cả trẻ con ở đây đều là trẻ bị vứt ở cổng chùa. Nhàn rủ tôi vào chơi, thăm các cháu. Cô thản nhiên nói: “Chị cho xin mấy đồng mua bánh để lát nữa ăn…”.
Tôi theo Nhàn vào khu mới mà chùa vừa xây. Sự bừa bộn, ồn ào hiện ra nhức mắt nhưng cái vô cảm của những người chăm sóc trẻ mới thực sự khiến tôi thấy nhói lòng. Vài em bé sơ sinh khóc đến tím ngắt nhưng các mẹ vẫn thản nhiên buôn chuyện với nhau. Thấy tôi thắc mắc, một mẹ nói: “Con của ai, người nấy quản”. Mãi sau tôi mới biết, mẹ của các cháu đó vừa ra ngoài chưa về. Nhàn giới thiệu tôi là người mới đến chùa lần đầu, muốn xem qua khó khăn của nhà chùa để sau này trở lại làm từ thiện. Các mẹ nhao nhao: “Đừng có mang bánh kẹo, quần áo cũ đến cúng nhá. Ở đây không cần những thứ đó nữa đâu. Cần tã, sữa, tiền hoặc giấy ướt để lau cho các cháu”. Các chị không quên dặn tôi phải mang thẳng giấy đến khu nuôi các cháu, không được đưa cho sư thầy, tránh tình trạng sư thầy phát theo chế độ hàng tháng, sẽ chẳng đủ dùng.
Trước một em bé sơ sinh còn đỏ hỏn, tôi hỏi: “Em bé này bị bỏ rơi ở đâu?”, người mẹ nuôi em đáp: “Người ta gọi điện cho sư bác đi nhặt ở đâu về tôi không rõ lắm. Giao cho mình tôi ba đứa còn đỏ hỏn thế này, vất lắm cô ạ”. Nhàn nháy người “mẹ” vừa nói chuyện với tôi, nhắc lại không dưới năm lần câu: “Ở đây đều là trẻ người ta đem đến bỏ rơi ở cổng chùa cả đấy chị ạ”. Không hiểu sao Nhàn không cho tôi chụp ảnh một cháu bị ghẻ lở đầy người. Không chịu nổi cảnh người mẹ cầm hai chân một em bé sơ sinh đang ngủ ngon, kéo xềnh xệch sang một vị trí khác, tôi bỏ ra ngoài...
Trẻ được nuôi ở chùa Bồ Đề
Gặp sư thầy… khó lắm
Đi tìm sư thầy trụ trì, qua một căn phòng, thấy mấy sư bác trẻ măng đang xúm quanh một chiếc máy tính, vào mạng, tôi cất tiếng hỏi, một sư bác xẵng giọng: “Cô có việc gì mà đòi gặp sư thầy?”, tôi nói: “Thưa, tôi hỏi cho một người em gái, cô ấy lỡ có thai, muốn gửi con vào chùa”. Sư bác hỏi tiếp: “Là con trai hay con gái?”, tôi đáp: “Vì chưa sinh, nên không biết giới tính?”, sư bác nói: “Nếu là con trai thì cứ mang sang để ở cổng chùa là được, con gái thì thôi, chưa chắc thầy nhận đâu”. Tôi nài: “Cứ chỉ cho tôi gặp sư thầy đi, tôi cần nói chuyện”. Bất đắc dĩ sư bác này mới chịu đưa tôi đi tìm sư thầy nhưng chúng tôi bị một anh bảo vệ cao lớn chặn lại, hỏi sư bác đưa tôi đi đâu? Nghe chuyện, anh bảo vệ dứt khoát ngăn không cho gặp sư thầy. Anh ta nói: “Vấn đề liên quan đến trẻ con bị bỏ rơi, mình tôi có thể giải quyết được hết”. Tôi hỏi: “Anh có quyền gì mà giải quyết được?”, anh ta nói: “Tôi là bảo vệ, đồng thời là người giải quyết mọi chuyện ở chùa này. Một trăm bảy mươi mấy cháu này tôi đều giải quyết đấy chứ. Sư thầy không phải là người ai muốn gặp lúc nào cũng được!”. Tôi đành quay lại phòng bảo vệ để ngồi nói chuyện. Anh bảo vệ xưng tên Tài. Lần đầu tiên tôi thấy quyền lực của một bảo vệ trong chùa lại “to” đến thế. Tài khoát tay nói: “Chuyện của cô quá đơn giản. Hôm nào em cô đẻ, cứ mang đến đây nhà chùa nhận tuốt. Trai gái gì cũng được”. Tôi hỏi: “Nhưng có điều kiện gì không?”, Tài đáp: “Nếu vứt ở cổng chùa thì không cần viết gì. Nếu đưa vào gửi nhà chùa thì phải viết cam kết là giao con hoàn toàn cho nhà chùa nuôi”. Tài dặn đi dặn lại, khi nào em tôi sinh xong, cứ gọi cho anh ta là đứa trẻ sẽ được bỏ vào chùa nhanh, gọn…
Nhóm phóng viên (Còn tiếp)
Sáng 7/3, ông Lưu Ngọc Tiến - Phó Chủ tịch (phụ trách văn hóa - xã hội) UBND phường Bồ Đề, quận Long Biên - Hà Nội cho biết: “Chùa Bồ Đề thuộc sự quản lý của phường. Việc nhà chùa nhận hàng trăm trẻ mồ côi về nuôi hoàn toàn mang tính tự phát, không được cấp có thẩm quyền ra quyết định cho phép. Nhiều lần chúng tôi đã đề nghị sư thầy phối hợp với chính quyền địa phương làm thủ tục đưa các cháu vào các cơ sở nuôi dưỡng có pháp nhân nhưng ý sư thầy muốn bao bọc cho tất cả những số phận kém may mắn thì phải! Vài năm trở lại đây, số trẻ sơ sinh trong chùa ngày một đông, tình trạng chăm sóc không chu đáo bắt đầu phát sinh, nhất là việc ô nhiễm môi trường do người quá đông. Mỗi năm, cán bộ y tế phường kiểm tra sức khỏe, phát hiện các cháu mắc bệnh ngoài da rất nhiều. Thỉnh thoảng, có cháu chết vì bệnh tật, chủ yếu là trẻ nhiễm HIV”.
Về phương diện quản lý nhà nước, ông Tiến rất hy vọng các cơ quan chức năng phối hợp với nhà chùa trong việc quản lý các cháu mồ côi sao cho đúng luật.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.