PNO - PN - Đằng sau số phận mỗi đứa trẻ bị bỏ rơi ở bệnh viện, nhà hộ sinh hay các phòng khám tư nhân, luôn có sự rình mò của những kẻ buôn người. Chúng có thể là một tay bác sĩ biến chất, một cô y tá bị đuổi việc, gã xe ôm,...
Ngay trước cổng BV Phụ sản trung ương, gã xe ôm tên Công đang môi giới với khách hàng
Khi lòng tham trỗi dậy
Một cán bộ điều tra vụ án “thu gom hơn 300 trẻ em bị bỏ rơi ở Nam Định để lập hồ sơ giả cho đi làm con nuôi ở nước ngoài” đau xót kể: “Vì một khoản tiền không đáng kể mà có những phụ nữ thôn quê chấp nhận “biến mất” một thời gian để mang thai. Sinh con xong, nhận được tiền, họ phó mặc số phận đứa trẻ cho những cán bộ trung tâm bảo trợ, cán bộ y tế (kẻ buôn người) để về quê sinh sống. Trong một thời gian ngắn mà chúng dàn dựng hàng loạt hồ sơ giả, hợp thức hóa nguồn gốc của hơn 300 trẻ bị bỏ rơi theo một kịch bản na ná nhau. Tất cả các bé đều được quấn trong một manh tã, một người nào đó tình cờ “nhặt” được trên đường, rồi đưa vào trung tâm y tế để “chăm sóc khẩn cấp”. Từ đây, các bé được nuôi dưỡng. Và cứ thế, họ nhân danh lòng tốt, sự nhân đạo để làm hồ sơ cho các bé đi nước ngoài làm con nuôi hợp pháp. Sự bỏ rơi này là có chủ đích: vì tiền. Thế nhưng, không đủ bằng chứng để buộc tội về hành vi buôn người, bọn chúng chỉ bị xử lý về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Lương tâm của những người mẹ đã bán con mình sẽ có lúc trỗi dậy, giống như người mẹ mà tôi đã gặp ở bến xe Giáp Bát - Hà Nội, trước Tết Nguyên đán năm 2013. Cô tên là Nguyễn Thu Hà, quê ở Thanh Hóa, ra Hà Nội từ năm 2009, rửa bát cho một cửa hàng ăn trên phố Phủ Doãn. Qua một bà bán nước ở cổng Bệnh viện Việt Đức, tôi được biết, Hà vừa bán một đứa con với giá 10 triệu đồng cho một người phụ nữ, thông qua môi giới của một gã xe ôm. Hà có thể đang trên đường về quê. Thoạt đầu, Hà không chịu gặp tôi, chỉ đến khi tôi nói: “Tôi là chị gái của người vừa nhận đứa con của em làm con nuôi. Thấy em hoàn cảnh quá, chị chỉ muốn gặp để bồi dưỡng cho em thêm một ít tiền thôi”. Hà đồng ý gặp tôi sau hai ngày suy nghĩ. Cô chủ động gọi điện cho tôi khi đã mua vé xe để về lại Thanh Hóa.
Hà nói, cô không thể mang đứa con về quê được. Mới 20 xuân xanh, cô còn cả tương lai phía trước. Hà cũng chia sẻ rất thật: “Nếu em mang bụng bầu hay một đứa trẻ về nhà, bố em đánh chết. Em chỉ định cầm khoản tiền này làm vốn, học nghề làm đầu thôi. Cả đời em chưa bao giờ được cầm 10 triệu trong tay đâu chị ạ”. Tôi ngỏ ý muốn tìm thêm một đứa trẻ nữa để nhận làm con nuôi, Hà cười khẩy, nói: “Có gì khó đâu, chị qua cổng Bệnh viện C (BV Phụ sản Trung ương) lê la ở các quán nước thì người ta sẽ chỉ ngay cho chị cách tìm như thế nào. Trước khi sinh con, em cũng mới biết là nhu cầu mua trẻ con bây giờ nhiều lắm, nhưng vì sợ bị công an bắt nên họ toàn cho vào những nhà chùa. Bọn em mà bỏ con ở bên chùa thì chỉ được bồi dưỡng năm triệu đồng là cùng thôi. Lâu lâu gặp được khách giống như em gái của chị thì mới được giá như vậy. Mấy anh, chị chuyên làm nghề “kinh doanh con nuôi” còn “gạ” em không cần đi làm gì cho vất vả, cứ làm nghề đẻ thuê, rồi cho trẻ con đi làm con nuôi ở những nhà giàu, cũng đủ sống sung túc, chỉ việc ăn với đẻ. Nếu gặp khách tốt, có thể bán được 50 triệu đồng một đứa trẻ con chứ chẳng chơi. Nhưng, em sợ công an bắt lắm, không dám làm. Dẫu sao mang nặng chín tháng mười ngày, cũng là giọt máu của mình, phải bán đi là bất đắc dĩ thôi chị ạ. Nếu chị thật sự muốn xin con nuôi, em khuyên chị nên sang thẳng chùa B.Đ ở bên Gia Lâm, người ta sẽ tạo điều kiện làm thủ tục đàng hoàng cho chị. Còn nếu nhận ở BV Phụ sản, qua tay nhiều người, tốn kém hơn mà lại không an toàn. Trẻ con ở chùa B.Đ, được gom về từ nhiều nguồn nên rất sẵn chị ạ”. Tôi hỏi Hà: “Sự thật thì em bán con đến lần thứ mấy rồi?”, Hà không đáp mà nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét. Đợi mãi không thấy tôi đưa thêm tiền như đã nói trong điện thoại, Hà hơi chột dạ, nhanh chóng biến mất vào dòng người đông nghẹt ở bến xe ngày cận Tết.
Công - một mắc xích trong đường dây
Những cán bộ biến chất
Tôi đã lang thang rất nhiều ngày để tìm những bằng chứng khách quan về các đường dây “kinh doanh con nuôi” ở Hà Nội. Muốn chứng minh những gì Ngô Trung Hiếu nói là sự thật, cần đưa ra ánh sáng một mảng tối của chính sách được coi là nhân đạo như là cho, nhận con nuôi - một việc quả rất khó. Phàm là những gì xấu xa, độc ác thường được che đậy rất kín. Hiếu thường đổ cho cơ chế, đổ cho các sếp của anh ta chỉ đạo phải làm như thế. Anh ta nói: “Mỗi đứa trẻ được cho đi làm con nuôi đều có giá của nó rồi. Không có chủ trương thì em không thể làm được. Ít nhất thì một trường hợp nhận con nuôi, khoản đầu tiên phải trả là tiền mà trung tâm “mua” (nhân danh tiền bồi dưỡng sức khỏe sinh sản) là không dưới mười triệu đồng”.
Hiếu nói: “Nguồn gốc đứa trẻ được ưa chuộng nhất khi được đề xuất đi làm con nuôi, là một đứa trẻ không có gốc. Chúng là những người bị cha, mẹ của mình vứt bỏ hoàn toàn. Xuất thân của chúng là trẻ bị bỏ rơi ở cổng trung tâm thì “chuẩn không cần chỉnh” chị ạ”. Muốn làm được điều này, những cán bộ biến chất như Hiếu thuộc làu kịch bản đã được dựng sẵn. Khi có trẻ, không cần biết lý do bị bỏ rơi là gì, đội ngũ xe ôm, y tá, bác sĩ... sẽ liên lạc với mối của mình để mang đến cổng trung tâm. Theo một gã xe ôm tên Công, ở cổng BV Phụ sản Trung ương: “Mỗi lần môi giới một đứa trẻ, tôi chỉ nhận được từ một-hai triệu đồng. Mình chỉ mách cho người ta gặp nhau thôi, ăn tiền ít nhưng an toàn, không bị bắt”. Cũng giống như Hà, Công là người rất khó tiếp cận. Anh ta luôn nghi ngờ tôi là “cớm”, nên thoạt đầu chối đây đẩy cái việc anh ta đang làm là “buôn bán người”, chứ không phải là nghề xe ôm như mọi người thường thấy.
Tôi đến tìm Công ở Bệnh viện C, vẫn trong vai người đàn bà có nhu cầu đi xin con nuôi. Câu đầu tiên mà Công hỏi tôi là: “Ai giới thiệu chị gặp tôi?" và rất nhiều câu hỏi khác để xem liệu tôi có là khách hàng tiềm năng của hắn hay không. Khi tin rồi, Công hé lộ nhiều chuyện kinh hoàng về công việc của mình. Công nói: “Làm cái này không cẩn thận là bị bắt như chơi. Kể cả chị, nếu công an phát hiện chị đang mua một đứa trẻ con, chị cũng bị bắt ngay. Thế nên, chúng ta chỉ giao dịch qua điện thoại thôi, không được gặp nhau cho đến khi tôi đưa một con bé có chửa đến đây để đẻ. Chị cứ chuẩn bị tầm 50 triệu đồng cho thương vụ này. Trong đó, tôi sẽ phải chi cho rất nhiều người để khi khai sinh, người ta sẽ điền tên người mẹ là chị, chứ không phải là mẹ đẻ thật sự của đứa trẻ mà chị định nhận làm con nuôi. Như thế, khi mang đứa trẻ ra khỏi bệnh viện thì nó sẽ là con của chị, đưa tiền cho mẹ đẻ của nó và bế con mình về thôi”. Tôi thắc mắc: “Anh nhầm à, tôi phải làm thủ tục xin con nuôi hẳn hoi, mà bệnh viện thì họ không có chức năng làm việc đó. Anh phải có cách khác chứ!”. Công bảo: “Trước đây, tôi vẫn đưa trẻ bị bỏ rơi lên các trung tâm bảo trợ xã hội trên Ba Vì. Mỗi đứa trẻ vứt ở cổng trung tâm, tôi được nhận năm-bảy triệu cơ. Nhưng nếu chị vào những trung tâm đó xin con nuôi thì đừng hòng. Chúng nó sẽ được đưa đi nước ngoài làm con nuôi hết, làm gì đến lượt chị. Nhiều người vẫn làm theo cách tôi bày cho đấy, chẳng thấy họ kêu ca gì đâu”.
Công cho tôi thêm một lựa chọn khác, cũng giống như Hà, anh ta hứa sẽ chở tôi sang chùa B.Đ để tìm xem có đứa trẻ nào ưng ý thì xin làm con nuôi. Tôi hỏi: “Hết bao nhiêu tiền?”, Công cười nhạt: “Cái đó thì tùy tâm chị. Cửa Phật người ta không đòi thẳng thừng như thế đâu. Người ta sẽ nói là “tùy tâm”. Ai nhận con nuôi ở đây chả tự giác cung tiến vài chục triệu, có người cung tiến mấy trăm triệu cho nhà chùa. Sư chẳng nói ra thì khắc có người “bắn” đến tai phật tử có lòng từ bi. Phật dạy, cứu một người phúc đẳng hà sa... tiền thì quan trọng gì. Mỗi khi anh đưa trẻ con bị bỏ rơi cho chùa được “lại quả” từ năm-bảy triệu đồng. Nhưng thực ra, anh chỉ nhận được một-hai triệu, còn lại thì bồi dưỡng cho người mẹ. Đó là “luật” và lệ”. Công hứa sẽ tìm cho tôi một bà chửa khỏe mạnh để sinh con trong một bệnh viện lớn. Còn tôi phải sắm vai là chị gái của sản phụ đó và đàng hoàng bế đứa bé ra khỏi bệnh viện cùng người đã sinh ra nó. Giá chính xác của phi vụ này được chốt lại là 40 triệu đồng. Bế đứa trẻ không phải do mình đẻ ra về nhà, tôi sẽ phải chịu trách nhiệm hợp thức hóa nguồn gốc, biến nó thành con nuôi của mình....
Chiều 6/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt, biểu dương Đội tuyển bóng đá nam quốc gia sau khi đội tuyển giành chức vô địch ASEAN Mitsubishi Electric Cup™ 2024.
14g30 ngày 6/1/2025, chuyến bay Vietnam Airlines chở đội tuyển bóng đá nam Việt Nam vừa giành ngôi vô địch ASEAN Cup 2024 đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài.