edf40wrjww2tblPage:Content
Sáng 31/3, ông Đặng hẹn gặp tôi với mục đích “chào hàng”. Ông Đặng đưa ra một mẫu bánh nhập ngoại cận “đát”, do đơn vị ông “bắt” được của một doanh nghiệp (DN) nhập hàng không đủ điều kiện vào cuối năm 2013. Ông Đặng khẳng định lô hàng đang ở trong tay, ông muốn bán bao nhiêu tùy thích.
Trước mắt, ông muốn tôi chi khoảng 800 triệu đồng: “500 triệu để “làm luật”; 300 triệu là giá trị của hàng hóa”. Nếu chấp thuận, ông Đặng và thuộc cấp sẽ đem container mang số hiệu CXDU 1184264 (đang là hàng vi phạm) của Công ty (CT) TNHH xuất nhập khẩu T&T Quốc Tế ra khỏi cảng bãi Nam Hải, rút lõi hàng thật, tống “rác” cho đủ số cân nặng. Xong xuôi, họ cho container quay lại cảng, chờ tàu, xuất sang Hồng Kông theo lịch trình…
Chị Nguyễn Thị Thoa với những mảnh giấy biết nói. Gần một năm vật vã với container hàng hóa, chị đã kiệt quệ về kinh tế
“Ôm” hàng của doanh nghiệp
Sáng 27/3, văn phòng báo Phụ Nữ tại Hà Nội nhận được “đơn tố cáo khẩn cấp” của chị Nguyễn Thị Thoa, Giám đốc CT TNHH xuất nhập khẩu T&T Quốc Tế tại Hà Nội có nội dung như sau: “CT chúng tôi có nhập một container 20”, hàng hóa gồm bánh Leibniz và hóa mỹ phẩm theo hợp đồng mua bán số 01/TT-2014 với CT Dũng Giang GmBH - CHLB Đức. Hàng được cập cảng Đình Vũ - Hải Phòng vào ngày 6/7/2014.
Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ, chúng tôi đã làm thủ tục thông quan theo quy định. Tuy nhiên, chỉ có bánh Leibniz thì đủ điều kiện nhập khẩu, số hóa mỹ phẩm chưa đủ điều kiện do thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm nên CT của tôi bị xử phạt hành chính và phải xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Chúng tôi đã chấp nhận chịu phạt vi phạm hành chính, đồng thời nhiều lần gửi công văn khẩn thiết, đề nghị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ hoàn tất thủ tục thông quan đối với hàng hóa đã đủ điều kiện nhập khẩu. Vì thời hạn sử dụng hàng hóa còn rất ngắn, nếu không thông quan kịp thời, chúng tôi có nhận được hàng cũng không thể bán ra thị trường được. Như vậy, sẽ thiệt hại rất lớn về tài sản và uy tín của DN chúng tôi.
Những công văn tôi gửi cứ một đi không hồi đáp, tôi buộc lòng phải xuống tận nơi để tiếp xúc với những cán bộ hải quan. Đi đến đâu, tôi cũng phải chi tiền lót tay để làm thủ tục thông quan. Mãi đến ngày 7/1/2015 (sau tám tháng), chúng tôi mới được thông quan bánh Leibniz. Trớ trêu thay, hạn sử dụng ghi trên bao bì của bánh chỉ còn vẻn vẹn 24 ngày, nên chúng tôi không thể bán lô hàng ấy ra thị trường, thiệt hại hàng tỷ đồng”.
Mặc dù trong giờ hành chính nhưng ông Đặng vẫn mang bánh đi chào
“Gạ” mua lại hàng vi phạm
Trong đơn tố cáo, chị Thoa trình bày tiếp: “Tại container mang số hiệu CXDU 1184264, tôi có một lô hàng là hóa mỹ phẩm không đủ điều kiện nhập khẩu, không được thông quan. Về lô hàng này, CT tôi phải nộp phạt và chịu trách nhiệm tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Để xin được quyết định tái xuất, chúng tôi lại phải tiếp tục chi tiền. Nếu chúng tôi tái xuất trả lại lô hàng vi phạm hoặc gặp khách mua ở các nước khác, thì cơ hội “gỡ” vốn là rất cao. Thời gian càng dài, cơ hội bán lại hàng càng trở nên khó khăn hơn. Mỗi lần kiểm hóa, mở container là một lần mất hàng.
Tôi khẳng định, số hàng hóa hiện tại còn lại trong container tính đến thời điểm hiện nay, có thể bị thiếu hàng tấn, so với kết quả giám định của Sulicontrol và quyết định tạm giữ tang vật của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ. Tháng 8/2014, lo sợ bị mất thêm hàng, tôi tìm đến CT TNHH thương mại Đại Nam có trụ sở tại TP. Hải Phòng để nhờ làm dịch vụ. CT Đại Nam đã nhận của tôi 100 triệu đồng (có phiếu thu) nhằm mục đích “bôi trơn” hải quan để lấy lô hàng vi phạm nói trên. Tuy nhiên, CT này không đưa được hàng ra như đã hứa, cũng không trả lại tiền chúng tôi.
Chị Nguyễn Thị Thoa với những mảnh giấy biết nói. Gần một năm vật vã với container hàng hóa, chị đã kiệt quệ về kinh tế.
Trong lúc DN chúng tôi lâm vào bước đường cùng thì ông Nguyễn Văn Đặng - cán bộ hải quan kiểm hóa - Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực II - Cục Hải quan Hải Phòng xuất hiện.
Ông Đặng biết đến khó khăn của CT tôi thông qua ông Nguyễn Văn Luân (em ruột ông Đặng), làm ở CT Đại Nam. Ông Đặng “gạ” tôi bán lô hàng hóa mỹ phẩm vi phạm với giá rẻ mạt nhưng tôi không đồng ý. Quá trình làm việc, tôi được nghe nhiều DN than vãn về tình trạng cán bộ hải quan cố tình gây khó dễ cho DN để trục lợi. Đây là chuyến hàng đầu tiên của CT tôi, cũng là lần đầu tôi được tiếp xúc với sự trắng trợn của cán bộ hải quan tên Đặng.
Ông Đặng sau đó cũng chính là người nhiều lần sắp xếp để em ruột và nhiều người khác lấy trộm hàng của tôi, tuồn ra khỏi cảng bãi Đình Vũ.
Gần đây, biết chắc chắn tôi không đồng ý bán rẻ lô hàng trị giá hàng tỷ đồng, ông Đặng quay sang gạ tôi chi 500 triệu đồng để ông ta câu kết với các cán bộ hải quan khác, nhằm rút ruột hàng hóa trong container của tôi bán kiếm lời. Nếu tôi chấp nhận làm theo lời ông Đặng thì… đôi bên cùng có lợi. Trên thực tế, lô hàng của tôi có giá trị khoảng một tỷ đồng tiền gốc. Ngày 27/3/2015, ông Đặng đã liên tục gọi điện thoại cho tôi, yêu cầu tôi mang 500 triệu xuống Hải Phòng làm thủ tục tái xuất lô hàng…”.
Trong lúc phóng viên tiếp xúc với chị Thoa, một người đàn ông liên tục gọi điện thoại, hối thúc chị Thoa xuống Hải Phòng để cùng hợp tác tiến hành vụ trộm hàng của chính mình. PV báo Phụ Nữ đã vào vai “con buôn”, thâm nhập để điều tra chân tướng sự việc.
Đêm 27/3, chúng tôi cùng có mặt tại trụ sở Công an TP. Hải Phòng, nộp đơn trình báo của chị Nguyễn Thị Thoa với hy vọng cơ quan công an sẽ giúp sức bắt quả tang vụ trộm quy mô này. Tại Phòng CSĐT về TTXH Công an TP. Hải Phòng, chị Thoa trình bày đại ý: chị liên tục bị hối thúc cùng ăn trộm, nhưng chị không muốn ăn trộm hàng của mình… nên gửi đơn tố cáo, mong cơ quan công an TP. Hải Phòng khẩn trương điều tra, phá án. Chị Thoa và phóng viên báo Phụ Nữ đã phải kiên nhẫn chờ đợi từ lúc báo tin “có trộm” đến gần bốn ngày sau…
(Còn tiếp)
NHÓM PHÓNG VIÊN