Thâm nhập “cấm địa” hàng lậu từ Campuchia về TP.HCM - Bài 2: Cuộc chiến không cân sức

21/11/2013 - 17:10

PNO - PN - Hoạt động của giới buôn lậu dù có tinh vi, chuyên nghiệp đến đâu cũng không qua được tai mắt của người dân, nhưng lại “trót lọt”, ngang nhiên trước lực lượng chuyên ngành được giăng khắp nơi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tham nhap “cam dia” hang lau tu Campuchia ve TP.HCM - Bai 2: Cuoc chien khong can suc

Chốt của lực lượng chống buôn lậu trước đường vào KCN Đức Hòa 3 (Mỹ Hạnh Bắc - Long An)

“Bùa hộ mệnh”: tai mắt và tiền

“Lực lượng canh đường của các trùm buôn lậu thuốc lá túc trực gần như 24/24 giờ trước các chốt tuần tra kiểm soát của lực lượng chống buôn lậu, giám sát mọi hoạt động và báo cho “trùm” qua điện thoại” - B. khẳng định chắc nịch, khi chúng tôi đề cập đến sự ngang nhiên của các ghe, xe chở hàng lậu tấp nập “trên bến dưới thuyền” mà vẫn không bị tóm.

Chỉ tính riêng đường đi của thuốc lá lậu, để có thể dễ dàng thông thương “trên bộ dưới thuyền” từ Campuchia về đến bãi tập kết Than Bùn là cả một đường dây dọn đường sẵn. Đầu phía Campuchia đến bến đò Lộc Giang (xã Lộc Giang - Đức Hòa) đang nằm trong sự “bao đường” của trùm Mi. Đoạn từ Lộc Giang đến cầu Thầy Cai (giáp ranh Đức Hòa và huyện Củ Chi) được trùm Huynh “bảo kê”. Từ kênh Thầy Cai đổ vào Than Bùn (giáp ranh giữa xã Mỹ Hạnh Bắc - Long An, Tân Phú Trung - Củ Chi và Tân Sơn Nhì - Hóc Môn) là lãnh địa của trùm Đ. “Vịt”.

 Theo “hợp đồng” đã được các trùm thống nhất, “hàng” đến địa phận của trùm nào thì trùm đó phải bố trí canh đường, canh ca nô. Hàng bị ca nô “vịn” ở lãnh địa nào thì trùm lãnh địa đó sẽ giải quyết, gánh chịu thiệt hại, bồi thường. Để bảo vệ hàng hóa, các trùm luôn sử dụng ca nô cao tốc với “nài” là những “giặc lái” dày dạn kinh nghiệm sông nước. Các “giặc lái” này khi cầm lái đều bịt khẩu trang kín mặt, hoàn thành chuyến đi sẽ được nhận từ 250.000-450.000đ/chuyến tùy quãng đường.

Riêng tại khu vực Than Bùn, có chốt cảnh sát cơ động - CA TP.HCM ở cầu Bộ Đội, cách khu vực tập kết hàng chỉ 1,2km. Theo tiết lộ của L., để “vô hiệu hóa” chốt này, trùm Đ. “Vịt” bố trí lực lượng canh đường dày đặc trên đường vận chuyển hàng từ bãi tập kết ra cầu Cai Nghiện. Dọc tuyến gần 4km này, cứ cách vài trăm mét, Đ. “vịt” cho hai canh đường đóng chốt. Thấy đội cơ động chuẩn bị xuất bến tuần tra là điện thoại báo “có động, tạm ngưng chuyển hàng”.

Lối ra cầu Cai Nghiện, được xem là nơi các “đầu nậu” mua hàng của trùm Đ. “Vịt” lo lắng nhất, vì từ trong Than Bùn ra đến chân cầu Cai Nghiện (phía xã Mỹ Hạnh Bắc), là trùm Đ. “Vịt” “bao đường”, hàng mất sẽ chịu trách nhiệm, nhưng qua khỏi cầu, trách nhiệm lại thuộc về các đầu nậu mua hàng. Đây cũng là điểm các đầu nậu bố trí canh đường dày đặc. Lực lượng canh đường này rất cảnh giác. Trong những ngày chúng tôi đi tìm hiểu thực tế, dù đã được “bảo kê” của B. nhưng chúng tôi vẫn bị một số canh đường bám đuổi, thông báo ngưng chở hàng...

Theo tính toán, một cây thuốc lá vận chuyển trót lọt, giao đến tay đầu nậu tiêu thụ hàng, Đ. “Vịt” thu được khoảng 1.800đ. Hàng ngày tại điểm Than Bùn, bến hàng của Đ. “Vịt”, có không dưới 100 ghe giao hàng (mỗi ghe chở 60 đai tương đương 960 cây), tính ra ông trùm này thu được hàng trăm triệu đồng/ngày. Vì siêu lợi nhuận, Đ. “Vịt” sẵn sàng chi mạnh để tạo quan hệ, triệt hạ các đối thủ cạnh tranh.

Hiện nay, ngoài Đ. “Vịt”, còn có các “trùm” thấp hơn như: T. “Lúa”, B. “Đỏ”… Đ. “Vịt” không bao giờ xuất hiện ở “tổng kho” Than Bùn. Mọi việc ghi chép số liệu hàng hóa đều giao cho một đàn em thân tín là D “Kẽm” điều hành. B. cho biết, hàng ngày khoảng 20g, các đầu nậu sẽ tiến hành giao tiền tại khu vực Ngã Ba Giồng (Tân Sơn Nhì - huyện Hóc Môn).

Tham nhap “cam dia” hang lau tu Campuchia ve TP.HCM - Bai 2: Cuoc chien khong can suc

Hàng mỹ phẩm lậu không nhãn mác, nguồn gốc do Đội quản lý thị trường 5B thu giữ

Chính quyền địa phương “không nắm được tình hình”

Để tìm hiểu về công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, đặc biệt tại điểm “nóng” Than Bùn, chúng tôi đã cố liên hệ với chính quyền địa phương nhưng luôn bị từ chối khéo, yêu cầu liên hệ cấp cao hơn. Đến UBND xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn), khi liên hệ làm việc với chủ tịch UBND xã về tình trạng buôn lậu ở Than Bùn, thì người tiếp chúng tôi là phó chủ tịch HĐND xã (!?). Vị này sau khi nghe phản ánh, đã cho biết là… có nghe thông tin này, vì người dân ở địa bàn bức xúc tình trạng các “nài” chở hàng lậu chạy bạt mạng trên đường, gây nguy hiểm cho giao thông. Khi tìm đến CA xã, lãnh đạo yêu cầu chúng tôi lên CA huyện xin giấy giới thiệu mới cung cấp thông tin.

Tương tự, tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, Long An, tiếp chúng tôi, ông Lê Trường Chinh - Bí thư kiêm quyền Chủ tịch UBND nói: “Tôi mới về nhận công tác vài tháng, chưa nắm được tình hình”. Tại CA huyện Đức Hòa, sau khi biết mục đích của chúng tôi, Trung tá Nguyễn Trọng Nghĩa - Đội trưởng đội tham mưu tổng hợp - CA huyện đã xin ý kiến của Trưởng CA huyện và báo lại là sẽ xin ý kiến của CA tỉnh, trả lời chúng tôi sau. Nhưng, sau gần hai tuần, chúng tôi vẫn không nhận được phản hồi.

Trong khi đó, theo đại úy Nguyễn Hoàng Tuân - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - CA huyện Bình Chánh, địa bàn huyện hiện chỉ là một nhánh trung chuyển hàng từ biên giới Campuchia về TP.HCM nếu không theo lộ trình Đức Hòa qua ngã Củ Chi, Hóc Môn. Hiện nay, hai điểm tập kết hàng lậu nóng nhất trên địa bàn là tại Cầu Đôi (giáp ranh xã Phạm Văn Hai và xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) và khu vực kênh Rau Răm (ấp 4, xã Bình Lợi).

Từ đây, hàng hóa sẽ theo hai ngã, đường bộ đi từ Đức Hòa, qua KCN Lê Minh Xuân - Trần Văn Giàu (lộ 10) hoặc đường sông theo kênh 3 vào kênh Trung Ương rồi lên đường bộ qua đường Quách Điêu (xã Vĩnh Lộc) để về Hóc Môn vào TP.HCM. Từ đầu năm đến nay, CA huyện đã xử lý 141 vụ/37 đối tượng, trong đó, đã khởi tố tám vụ với chín bị can về tội “tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép hàng cấm"; xử phạt hành chính 85 vụ/27 đối tượng với số tiền phạt hơn 1,5 tỷ đồng.

Tham nhap “cam dia” hang lau tu Campuchia ve TP.HCM - Bai 2: Cuoc chien khong can suc

Khu vực cầu Cai Nghiện, phía đường Đặng Công Bĩnh, đối diện Trường dạy nghề Nhị Xuân (ấp 5, xã Xuân Thới Sơn), lối ra của thuốc lá lậu từ đại bản doanh Than Bùn

Chỉ mới xử lý phần ngọn

Theo các cơ quan chức năng chống buôn lậu, có ba lý do khiến giới buôn lậu không ngán chế tài xử phạt, cả hành chính lẫn xử lý hình sự khi bị bắt vì lợi nhuận cao, lại sử dụng lực lượng chạy thuê đa số là lý lịch không rõ ràng, thậm chí nghiện ma túy. Đối tượng này nếu có bị bắt, cùng lắm chỉ bị tịch thu hàng hóa, phương tiện, còn người thì được các chủ chuyển sang chạy tuyến khác, hoặc chuyển từ “nài” sang làm nhiệm vụ canh đường. Đơn cử tại Bình Chánh, tính đến tháng 11/2013 lực lượng chức năng xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng nhưng chỉ là “hình thức”, vì đến nay chưa thu được đồng nào.

Mức phạt buôn lậu hiện nay, cao nhất theo NĐ 76/2010/ NĐ-CP lên đến 100 triệu đồng, nhưng đối tượng bị xử phạt hành chính thường là các nài chở, không có tài sản gì nên rất khó cưỡng chế thi hành. Không xử lý được các “nài” chở hàng nói gì đến các đầu nậu.

Một trinh sát kinh tế - CA huyện Bình Chánh cho biết: các đối tượng đầu nậu rất tinh ranh và có những "nguyên tắc" riêng: hàng lậu đã tập kết về là phải vận chuyển hết trong ngày. Nếu để qua đêm thì không cất giữ trong nhà mà gửi nhà bên cạnh, thậm chí đào hầm, bỏ hàng lên nóc nhà.

Hàng đã buộc lên xe, lên ca nô là bắt buộc phải đi. Nếu bị chặn đường lớn, thì đi đường nhỏ; đường bộ không “thông” thì luồn lách theo đường sông. Một cái khó nữa của lực lượng chống buôn lậu hiện nay là quân số mỏng hơn hẳn so với quy mô chở hàng và lực lượng canh đường của dân buôn lậu. Được biết, đội CSĐTTP về TTQLKT và chức vụ thời gian qua dù đã được tăng cường để chống buôn lậu nhưng hiện quân số cũng chỉ có 19 người, phải đảm nhiệm một địa bàn rộng lớn, nhiều con đường dọc ngang chằng chịt.

Ông Ngô Văn Tùng - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường 5B - Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM nói: “Việc kiểm tra, xử lý của chúng tôi trong thành phố chỉ là phần ngọn. Muốn hạn chế hàng lậu, phải giải quyết tốt việc ngăn chặn, kiểm tra hàng từ biên giới về. Trong đó, phải truy cho ra, xử lý cho được các đầu nậu vận chuyển hàng vào TP.HCM”.

 An Linh

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, tình trạng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam đang ngày càng tăng. Nếu như năm 2007, có trên 630 triệu bao thuốc lá nhập lậu thì năm 2012 là 900 triệu bao, dự kiến năm 2013 là 930 triệu bao. Trong đó, hai nhãn thuốc Jet và Hero đưa từ Campuchia về chiếm 90% tổng số thuốc nhập lậu, tiêu thụ chủ yếu ở Nam bộ, trong đó TP.HCM tiêu thụ đến 40%. Với lượng thuốc lá nhập lậu trên, bình quân hằng năm nhà nước đã thất thu ngân sách từ 4.000-4.200 tỷ đồng, mất một lượng ngoại tệ khoảng 400 triệu USD, mất 500.000 việc làm của công nhân ngành công nghiệp thuốc lá. Giá gốc của một gói thuốc lá nhập lậu chỉ 3.034đ, đưa vào Việt Nam bán đến 16.000-17.000đ/gói.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI