PNO - PN - Có đêm đang ngủ, tôi bị đánh thức bởi điện thoại của đám “giang hồ vặt”. Đầu dây bên kia là một giọng đầy phấn khích: “Có xem chém nhau không chị? Phóng xe về Ngô Tề ngay, chúng nó chém đứt gân tay một thằng con công an...
Tôi cúp máy, ước gì đó không phải là sự thật. Nhưng, tôi không sao ngủ tiếp được. Các nhân vật mà tôi tiếp xúc suốt một tháng qua là những đối tượng nhiều tiền án, tiền sự. Nhiều nhân chứng trước đó còn hăm hở cung cấp thông tin cho tôi, sau thấy tôi càng đi sâu, họ lại sợ bị trả thù, khuyên tôi không nên động vào Bảy “sẹo” và đám đàn em của hắn vì có thể sẽ bị giết. Nhưng, tôi đã giáp mặt anh ta...
Luật chơi
Sáng hôm sau, tôi kiểm tra số máy đêm qua đã gọi cho mình thì thấy không còn liên lạc được. Về làng Ngô Tề, thị trấn Quốc Oai để tìm hiểu, tôi được biết, đúng là nửa đêm trước, cả thị trấn náo loạn bởi một cuộc hỗn chiến. Hai đám thanh niên tay dao, tay kiếm xông vào chém nhau loạn xạ. Những người bị thương nhẹ đã về nhà băng bó vết thương, chỉ một người bị thương nặng bất đắc dĩ phải đưa vào Bệnh viện Quốc Oai. Tôi bốc máy gọi cho Tiến “nghễnh”, hỏi thăm vụ chém nhau đêm qua là do ai “đạo diễn”. Tiến “nghễnh” cười khẩy: “Chuyện thường ngày ở phố huyện mà, bà chị quan tâm làm gì. Hai đội An Khánh và Sài Khê tranh giành số má đấy. Chúng nó chiến nhau nhiều rồi mà chưa phân định nổi địa bàn”. Tôi bảo: “Chị có thằng “đệ” bỏ nhà đi mấy hôm rồi, nghe nói nó “dạt” về đây, sợ nó bị thương nên hỏi thôi. Hay chị lên công an thị trấn hỏi nhỉ?”, Tiến “nghễnh” bảo: “Chị điên à, công an làm sao biết được. Giang hồ chém nhau là chuyện của giang hồ. Có lỡ bị chém chết thì cũng không bao giờ được đến báo công an. Chẳng may công an có đến hỏi, thằng bị chém và người nhà nó sẽ nói là nó bị chém nhầm, không biết ai chém nên không trình báo. Đấy là “luật chơi". Nói đoạn, Tiến cúp máy.
Tôi đến Bệnh viện đa khoa Quốc Oai tìm hiểu. Có một thanh niên bị chém đứt gân tay đêm 5/4 đang được điều trị tại phòng cấp cứu. Bên ngoài, những cặp mắt không mấy thiện cảm luôn dõi theo những người khách lảng vảng quanh khu vực này. Sợ bị lộ, tôi rút êm ra ngoài, cũng là lúc điện thoại đổ chuông. Tiến “nghễnh” bảo: “Em cho chị số máy của một thằng tham gia chém nhau đêm qua, nếu chị tìm “đệ” cứ hỏi nó, thế nào nó cũng biết”. Qua người thanh niên đó, tôi được biết: cuộc hỗn chiến do Hùng “Luyến” và Hiếu “Dung” đạo diễn. Mỗi nhóm khoảng trên dưới 20 tên. Hùng “Luyến” cầm đầu giang hồ An Khánh, từ lâu đã có hiềm khích với đám giang hồ Sài Khê, cuộc chém nhau này là để phô trương thanh thế. Sau khi giải quyết hậu quả, các đại ca sẽ ngồi với nhau để phân định địa bàn hoạt động.
Được biết, người bị thương nặng nhất là T., con trai duy nhất của phó trưởng công an một xã trên địa bàn huyện Quốc Oai. Tôi đến tìm người cha để hỏi vì sao con trai bị chém như thế mà người cha là công an không đưa vụ việc ra ánh sáng, nhưng chỉ nhận được câu trả lời xanh rờn: “Con tôi bị chém là không may thôi. Chúng nó chém nhầm ấy mà. Bọn đàn anh của chúng nó đã xuống nhà nói chuyện, tôi bỏ qua rồi”. Tôi chợt nhớ đến lời một giám đốc doanh nghiệp: “Từ khi có KCN Thạch Thất - Quốc Oai, dân giàu lên thật đấy, nhưng quan hệ xã hội trở nên phức tạp khủng khiếp, họ xử lý chuyện làm ăn bằng “luật giang hồ”. Ai có trong tay nhiều lưu manh thì mới trụ lại được. Hoặc là từ đại ca giang hồ thành giám đốc, hoặc từ giám đốc chân chính, do phải sống trong môi trường cạnh tranh không lành mạnh nên cũng hóa... giang hồ. Chúng tôi thèm có một môi trường “sạch” để làm ăn chân chính, cạnh tranh lành mạnh”.
Bảy "sẹo"
Anh chính là công an!
Lại nói về Bảy “sẹo”, sau vụ trực tiếp vác súng hoa cải, cùng gần 20 tên giang hồ xông vào khách sạn Bạch Dương (phường Xuân Khanh - thị xã Sơn Tây) để đòi nợ. Ở thời điểm đó, phía Tây Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ nổ mìn, bắn nhau, giết người vì nợ nần hoặc thù oán... Không ít vụ việc có dấu hiệu tội phạm hoạt động theo kiểu băng nhóm giang hồ, bảo kê, gây mất an ninh trật tự. Điển hình như vụ Tuấn “đen”, cùng các đàn em xông vào khách sạn Thái Bình Dương - thị xã Sơn Tây, bắt giữ bà chủ, nhốt tại khách sạn ba ngày để ép bà phải trả nợ. Nhờ một người giúp việc cho biết chuyện, chị gái bà chủ khách sạn đã đến Văn phòng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an cầu cứu. Cũng như Bảy “sẹo”, hiếm khi Tuấn “đen” trực tiếp tham gia gây án mà chủ yếu đóng vai trò chỉ đạo, “ném đá giấu tay”. Những tên đàn anh như chúng dù có chủ mưu gây tội thì vẫn có những lý do để “lách” luật pháp. Hiện giờ, tại đất Sơn Tây, Tuấn “đen” vẫn vểnh râu “khoe chiến tích” bị khởi tố về tội “đánh bạc” và bị truy nã khẩn cấp tội “bắt giữ người trái pháp luật”...
Về phần Bảy “sẹo”, sau khi thoát êm từ vụ bắn người ở khách sạn Bạch Dương, danh tiếng trên giang hồ càng nổi. Anh Nguyễn Văn Miên, chủ khách sạn, cho biết: “Bảy “sẹo” mang súng lên “quậy” ở khách sạn làm chúng tôi ế khách luôn. Đầu tư bao nhiêu tiền vào đây, chỉ mong làm ăn thuận buồm xuôi gió, ai ngờ chưa khánh thành được bao lâu đã bị bọn chúng xông vào như chốn không người, bắn nhau, đánh nhau vì khoản nợ nhỏ chả liên quan đến mình. Đến giờ tôi vẫn phải gánh hậu quả sau tai họa trời ơi đất hỡi đó”.
Trở lại Thạch Thất, tôi đóng vai một nữ giám đốc doanh nghiệp vận tải, tiếp cận Bảy “sẹo”. Thời điểm này, Bảy không còn nuôi đàn em trong nhà, bản thân y bị vỡ nợ, đám đàn em đứa thì “ngáo đá” phát điên, đứa đi tù, những hợp đồng đòi nợ ngày một hiếm, nên Bảy sống bằng tiền “phế” (“thuế” của các doanh nghiệp trên địa bàn phải nộp cho Bảy) thu được hàng tháng. Đánh hơi thấy “mùi” tiền, Bảy “sẹo” cho Vũ “bò” trực tiếp làm giá bảo kê 10 triệu đồng/ tháng, nếu tôi muốn làm ăn dài lâu trong KCN. Tôi vờ không chấp thuận, nói Vũ giảm giá tôi mới làm. Không ngờ, vì cần việc, Vũ nói dối Bảy “sẹo” rằng tôi là chị vợ của hắn để đại ca thương tình giảm giá bảo kê. Bảy “sẹo” yêu cầu Vũ “bò” dẫn tôi đến nhà Chín “ình” ở thôn Vĩnh Lộc, Phùng Xá (Thạch Thất) để gặp y. Đó là một ổ cờ bạc lớn, cửa đóng then cài, được “chim lợn” canh phòng cẩn mật. Trên giang hồ, Chín “ình” được xem là vợ bé của Bảy. Ngôi nhà này từ lâu là sòng bạc lớn, khách đến chơi là những con bạc khát máu ở khu vực lân cận. Ngồi đợi Bảy “sẹo” chơi xong ván bài, Vũ “bò” dặn tôi: “Anh Bảy không bao giờ trực tiếp gặp đối tác làm ăn. Vì em nói chị là chị vợ của em nên anh ấy quyết định gặp trực tiếp rồi mới quyết định. Anh ấy là người có uy nhất ở KCN này, làm ăn mà không có ý kiến của anh ấy thì không làm nổi đâu chị ạ”.
Bảy “sẹo” xuất hiện, nhìn tôi từ đầu tới chân một cách soi mói. Bảy có một vết sẹo to ngang mặt, đôi mắt trắng dã. Y hất hàm: “Cô là chị thằng Vũ “bò” mà còn dám mặc cả với tôi à?”. Vũ nghe vậy thì sợ quá, xoắn xuýt giải thích: “Chị em là người Bắc Ninh, chưa bao giờ sang đây làm ăn nên cũng chẳng biết anh em mình nhiều anh ạ”. Bảy “sẹo” vẫn giữ giọng lạnh lùng: “Giờ ý cô em thế nào? Anh thu của các doanh nghiệp khác không dưới 10 triệu/tháng, chưa ai dám mặc cả với anh đâu nhé!”. Tôi đáp: “Em tính toán hết rồi, còn nhiều loại phí khác mà em phải nộp lắm, anh giảm cho em một nửa nhé! Xe ra xe vào, nhỡ công an hỏi đến thì sao?”. Bảy “sẹo” bỗng cười phá lên: “Anh đây chính là công an chứ còn ai. Đã nộp “phế” cho anh thì cô mày không phải lo nộp cho bất cứ ai nữa nhé, cứ thế mà làm ăn thôi”. Sau một hồi trình bày khó khăn, cuối cùng Bảy “sẹo” đồng ý giảm "phế" cho tôi xuống mức giá năm triệu/tháng.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.