PNO - PN - Trong thời gian thực hiện loạt bài này, chúng tôi từng được chứng kiến những cuộc tranh giành số má của các băng nhóm giang hồ hoạt động ở các huyện phía Tây Hà Nội. Theo “luật”, những tổn thất về người và của sẽ...
Cá lớn nuốt cá bé
Giang hồ ở khu vực Quốc Oai - Thạch Thất - Sơn Tây có những tên tuổi như Lương “tuất”, Tuấn “đen”, Long “cầm”, Ba “văn”, Hùng “gù”, Bảy “sẹo”... Mỗi người một kiểu, ai cũng có cách riêng để đi trên con đường dao búa của mình nhưng đi theo cách lộ liễu, trắng trợn như Bảy “sẹo” thì thiên hạ xưa nay hiếm. Bảy không từ thủ đoạn nào để đạt mục đích. Trước cửa đình Ngô Tề (thị trấn Quốc Oai), có một khoảnh đất công vuông vức, dân xin được chủ trương làm sân bóng đá để sinh hoạt thể thao thì Bảy cho đàn em dựng quanh sân mấy chiếc cột đèn để kiếm cớ thu “phế” bất cứ ai muốn vào sân đá bóng.
Tiến “nghễnh” là một trong những tên đầu trâu mặt ngựa, có mặt trong hầu hết các kỳ cuộc Bảy “sẹo” huy động sức mạnh. Tiến từng tham gia cùng đám đàn em của Bảy rải đao kiếm, súng ống quanh khu đất bị giải tỏa nhằm chống lệnh thu hồi. Nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn khu công nghiệp (KCN) Thạch Thất - Quốc Oai, muốn làm ăn yên ổn, buộc phải chấp nhận những “yêu sách củ chuối” mà Bảy đưa ra, nhẹ nhất là thu “phế” doanh nghiệp 10 triệu đồng/tháng. Đối với người dân bán hàng ăn, quán nước quanh KCN (chủ yếu là người nghèo), Bảy cho “quân” quậy phá, buộc họ nộp “phế” từ 500.000đ - một triệu đồng/tháng. Có những trường hợp nộp "phế" rồi cũng không yên. Bảy còn nhận những hợp đồng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp muốn giành mối làm ăn. Tháng 8/2012, Bảy được thuê hàng trăm triệu để đánh bật doanh nghiệp bảo vệ cho một công ty nước ngoài ra khỏi địa bàn. Hắn thẳng thừng thông báo: “Thu xếp ra khỏi địa bàn này nhé, sắp tới bọn anh cho người quậy phá khoảng 10 ngày đấy”. Tiếp theo là một chuỗi những hành động phá phách của đàn em Bảy “sẹo” như: trộm cắp, đánh người, ăn vạ... gây mất an ninh trật tự, khiến doanh nghiệp bảo vệ mất uy tín với công ty nước ngoài, phải rời đi trong cay đắng.
Khi chúng tôi tiếp cận nạn nhân để tìm hiểu, anh Đỗ Văn N. (Giám đốc Công ty BAP) cho biết: “Tôi đã chấp nhận “thí” cho Bảy mỗi tháng 10 triệu để anh em bảo vệ của mình làm ăn ở đó đỡ bị quấy, nhưng đối thủ lại thuê Bảy với giá cao để “hất cẳng” tôi. Thoạt đầu, tôi đến tận nhà gặp Bảy để đàm phán, bảo hắn “rút quân” về, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi yêu cầu, miễn sao để tôi làm tiếp, dừng quậy phá. Bảy tuyên bố thẳng thừng là đã nhận tiền của bên kia rồi, buộc tôi phải rút lui vì nếu có “đấu” với đối thủ thì thu cũng không đủ chi nếu mình làm ăn chân chính. Còn Bảy “sẹo”, chỉ cần có tiền là bất chấp tất cả. Tôi đã đưa quân đi nhiều nơi làm ăn, giang hồ cũng tiếp xúc nhiều rồi, nhưng chưa thấy ai ngang ngược như Bảy “sẹo”.
Anh Nguyễn Văn L. nói: "Bảy sẹo quấy nhiễu doanh nghiệp ghê lắm, họ buộc phải nộp "phế" cao cho Bảy hoặc là tìm kẻ bảo kê có uy hơn Bảy"
Mánh lới làm ăn
Có những cuộc chiến âm thầm trong đêm tối nhưng cũng có những cuộc ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật mà chẳng ai dám động vào Bảy “sẹo”. Vì “ngứa mắt” với Công ty điện tử Meiko, Bảy “sẹo” chỉ đạo đàn em xông vào công ty chặt cây xanh, chặn đường đánh anh P. là trợ lý tổng giám đốc công ty vì “can tội” báo cáo sếp về khoản “phế” do hắn yêu cầu. Bảy có trò “cài” người vào các công ty làm bảo vệ để lợi dụng sơ hở trộm cắp, phá hoại, nhằm o ép các doanh nghiệp phải nộp tiền bảo kê. Thi thoảng, Bảy cho đàn em đánh người vô cớ để khoa trương thanh thế. Khoảng đầu tháng 1/2013, đàn em của Bảy theo lệnh, đánh đội trưởng bảo vệ Công ty An Quốc (đơn vị cung cấp dịch vụ cho Meiko) một trận thừa sống thiếu chết vì không chịu “hợp tác”, hiện công an Thạch Thất chưa giải quyết xong. Thậm chí Công ty môi trường Phú Hà, chuyên thu mua phế liệu trong KCN, không chịu nộp “phế”, Bảy cho đàn em dùng mã tấu chặn đường, đánh lái xe. Có những vụ Bảy khiến cả đàn em của hắn cũng phải bất mãn. Cụ thể như vụ cướp trắng trợn của Công ty Quang Minh vì công ty này trốn “phế”. Bảy sai đàn em đắc lực nhất là Tiến “cung” cùng đám giang hồ mang ô tô, vũ khí vào tận công trường đang thi công của Công ty Quang Minh để cướp máy móc, dây điện... rồi thản nhiên chở đồ cướp được ra ngoài bán. Riêng vụ này, vì không kịp tẩu tán tài sản cướp được, nên 13 đàn em của Bảy phải ngồi tù, riêng hắn thản nhiên đứng ngoài vòng luật pháp. Khi Tiến “cung” cay đắng nhận ra đàn anh đã bỏ rơi mình thì thời gian hắn thụ án trong tù cũng chẳng còn bao lâu nữa.
Nguyễn Thị H. là một người chuyên thu mua phế liệu tại KCN Thạch Thất. Chị H. vốn có họ hàng với Bảy, nhưng hắn cũng không từ thủ đoạn nào để chặn đường làm ăn của chị. Chị H. kể: “Hồi mới có KCN, Bảy “gạ” tôi làm tai mắt cho hắn để nghe ngóng tình hình, xem doanh nghiệp nào đang làm ăn những gì... nhằm giúp hắn thu “phế”. Dù Bảy hứa sẽ chia cho tôi phần trăm xứng đáng nhưng là việc xấu nên tôi kiên quyết không tham gia. Bảy ghét tôi từ đó. Thỉnh thoảng, Bảy cho người vào KCN cướp trắng phế liệu của những đơn vị xây dựng đã đành, ngay cả khi tôi được mua đường hoàng, Bảy cũng không cho. Cuối năm 2012, khi nhà thầu Kim Vươn xây dựng xong nhà máy cho một công ty nước ngoài, anh Nguyễn Văn L., người quản lý của Công ty Kim Vươn muốn bán phế liệu cho tôi với số lượng khoảng hơn 100 triệu. Biết việc này, Bảy gọi điện cho tôi nói giọng thản nhiên, mày muốn mua số phế liệu đó thì phải nộp cho tao 50 triệu, bằng không thì mày cứ để đấy tao vào chở đi. Tôi tưởng anh L. bán cho Bảy, nên có gọi lại hỏi rõ nội tình. Nhưng anh L. nói, nó sẽ không trả tiền gì hết mà là cướp không số phế liệu đó, chị tính toán xem, nếu nộp 50 triệu cho nó mà vẫn bán kiếm được chút lời thì đến mua đi. Tôi phải lấy 50 triệu mang xuống tận nhà Bảy để nộp. Tôi chở con gái đi theo, có vợ Bảy ở nhà cùng thằng Huy “mít” là đệ ruột của Bảy. Chúng dửng dưng nhận 50 triệu. Tôi xin lại một triệu đóng học phí cho con, Bảy cũng không cho”.
Sau khi gặp chị H., chúng tôi đã tìm anh L. và Huy “mít” để xác minh, đúng là chuyện hoàn toàn có thật. Huy “mít” cảm thấy có lỗi vì đã cầm khoản tiền đó của người làng, hắn nói: “Em là “đệ” của anh Bảy nên không thể làm khác được. Cướp của người cùng làng em cũng thấy ân hận, day dứt lắm”. Huy “mít” vốn là đệ cứng của Cường “mặt ma”, một giang hồ có số ở đất Sơn Tây. Trước khi bị đi tù, Cường “mặt ma” đã đưa Huy “mít” xuống nhờ Bảy “sẹo” trông nom giúp. Nào ngờ, Huy “mít” giống như Mạnh “chó”, cũng mất dần năng lực khi dính vào ma túy đá. Huy “ngáo” đá thường xuyên, tâm thần không tỉnh táo nên tự nguyện gác kiếm giang hồ.
Do nằm trong “tầm ngắm” của Bảy “sẹo”, nên chị H. chẳng thể nào sống yên ổn được. Đầu tháng 1/2013, Bảy “sẹo” lại cho người mang dao kiếm xông vào nhà chị H. đâm chém loạn xạ, đập phá đồ đạc rồi bỏ đi, cốt để uy hiếp tinh thần, đe dọa chị H. không được tiếp tục mua bán phế liệu trong KCN. Tôi hỏi: “Bị uy hiếp như thế sao chị chưa bao giờ trình báo công an?” Chị H. nói: “Ối trời đất ơi! Công an thì cái gì chẳng biết, họ nhìn thấy nhiều việc làm bất nhân của Bảy đấy, nhưng chẳng biết đến bao giờ mới ra tay. Chúng tôi chẳng làm gì mà chúng nó còn xông đến nhà đòi chém, giết, huống hồ làm đơn trình báo. Bảy “sẹo” chẳng làm sao cả đâu cô ạ, hắn tuyên bố thẳng thừng như vậy đấy. Cứ chờ xem, trời sẽ có mắt hết đấy. Một ngày Bảy “sẹo” bị bắt thì bà con trong KCN Thạch Thất - Quốc Oai ăn mừng vì nhổ được một khối ung nhọt".