Niềm vui của họ cũng chính là niềm vui của chúng tôi sau nhiều đêm trắng lăn lộn ở chợ để ghi nhận hành vi chèn ép, cưỡng đoạt tài sản của băng nhóm này. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án “cưỡng đoạt tài sản” xảy ra ở chợ Long Biên.
Xử lý nghiêm, bất kể là ai
Từ đầu năm 2018, một số tiểu thương chợ Long Biên có đơn tố cáo băng nhóm bảo kê tại chợ này nhưng một thời gian dài, không ai giải quyết. Không những thế, đối tượng bị tố cáo liên tục chèn ép, đe dọa người tố cáo. Hưng “kính” - trùm bảo kê ở chợ Long Biên - còn thường xuyên khoe quan hệ với các sếp công an.
Điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ, có hay không việc đỡ đầu của các cơ quan chức năng, lực lượng công an trong các hoạt động của nhóm bảo kê tại chợ Long Biên? Bộ Công an, Công an TP.Hà Nội có động thái gì trước những thông tin này? Sau vụ việc này, TP.Hà Nội có rà soát lại hoạt động bốc xếp, bến bãi tại các chợ?
Trả lời tại phiên họp báo thường kỳ tháng Chín của Chính phủ chiều 1/10 , Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo, dứt khoát phải xử lý nghiêm theo pháp luật và không có vùng cấm nếu có cá nhân, tổ chức nào đó bảo kê.
Ông Sửu cho biết, TP.Hà Nội có gần 500 chợ, hơn 120 siêu thị, hoạt động kinh doanh, buôn bán diễn ra bình thường. “Chúng tôi đã chỉ đạo Ban quản lý chợ, UBND phường, công an phường đảm bảo hoạt động bình thường tại các chợ. Còn chỗ nào để xảy ra như Long Biên vừa rồi, sẽ xử lý nghiêm” - ông Sửu nói.
Trả lời về việc có công an bảo kê trong vụ việc này hay không, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định: “Vụ việc xảy ra ở chợ Long Biên có thể nói là khó chấp nhận, không chấp nhận”. Ông Sơn đề nghị, nếu có thông tin đầy đủ, chính xác về việc bảo kê của tổ chức, cá nhân, trong đó có công an, báo chí cần cung cấp cho cơ quan công an. Hiện Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP.Hà Nội khẩn trương điều tra, xác minh, kết luận và xử lý vụ việc. Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án này.
“Nhân đây, chúng tôi cảm ơn và đánh giá rất cao sự chủ động của báo chí. Ngoài tinh thần trách nhiệm, các phóng viên đã chấp nhận rủi ro, chấp nhận bị các đối tượng hăm dọa, trả thù và thực tế, chúng tôi biết có tình trạng đấy. Chúng tôi tiếp tục ghi nhận thông tin từ nhiều phía, cùng Công an TP.Hà Nội điều tra, kết luận vụ này sớm nhất để xử lý đúng theo tinh thần của pháp luật” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn bày tỏ.
Chợ Long Biên đã bình yên hơn?
Tối 30/9, ông Nguyễn Trung Dũng - Phó chủ tịch UBND Q.Ba Đình - đã dẫn đầu tổ công tác xuống kiểm tra hoạt động tại chợ Long Biên, đường đi lối lại trong chợ như được chuẩn bị từ trước, tất cả đều sạch sẽ, các sạp hàng bày biện ngay ngắn. Nhiều người tỏ rõ sự hân hoan, vui mừng, nói rằng mấy ngày nay không thấy bóng dáng Hưng “kính” và những kẻ trước đây từng làm mưa làm gió.
Một số người nói, họ không phải không dám chiến đấu với Hưng “kính”, nhưng mục đích của họ ra chợ là để buôn bán, kiếm tiền nuôi vợ con nên tâm lý chung của mọi người là không ai muốn “dây vào”.
Những ngày qua, sau khi thông tin Công an TP.Hà Nội khởi tố vụ án “bay” về chợ, nhóm Hưng “kính” không còn tụm năm tụm ba ngồi “chém gió” như trước. Tất cả đều trong tâm trạng dò la, lo lắng. Hưng “kính” thường có bài “ru ngủ” đám tay chân bằng những mối quan hệ với ông nọ, bà kia, một phần để tự tâng bốc mình, phần khác để củng cố niềm tin cho những kẻ cùng hội cùng thuyền. Còn đối với tiểu thương, Hưng “kính” luôn dùng những chiêu trò bẩn.
Khi loạt bài điều tra mới đi được nửa chặng, Hưng đã dùng “bài” rất phổ biến và chắc có lẽ được sự tư vấn của ai đó, là đi xin chữ ký của các tiểu thương, xác nhận việc Hưng “kính” không phải là bảo kê, không có hành động cưỡng đoạt tiền của tiểu thương. Nhiều người không muốn ký đơn nhưng lại muốn yên ổn, không muốn dây dưa với các đối tượng giang hồ nên cắn răng ký. Nhưng Hưng “kính” đã nhầm, tất cả những bùa phép này không giúp ông ta cùng đám Long “cao”, Hải “gió”, Vương “lợn” và nhiều kẻ khác thoát khỏi sự điều tra của cơ quan công an.
Hưng “kính” nổi tiếng bẩn với trò ngồi với người này nói xấu người khác, “rung cây dọa khỉ”, lôi các tên tuổi quan chức ra lòe người thiếu hiểu biết, thậm chí có những hành động tỏ ra thân thiện khi gặp một số người có địa vị khiến những kẻ dưới trướng ông ta đều nể sợ. Thời điểm này, theo điều tra của chúng tôi, Hưng “kính” đang vô cùng lo lắng không chỉ bởi sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan công an mà còn phải đối mặt với những chủ nợ khi biết tin ông ta qua báo chí, sẽ tìm đến nhà. Một đàn anh trong giới giang hồ kể, Hưng “kính” nợ tiền rất nhiều người, trong đó có nợ tiền đánh đề, cờ bạc.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, một số tiểu thương cũng bị chính người trong Ban quản lý chợ đưa ra tờ giấy đề nghị ký, trong đó nói rằng, Hưng “kính” là người tốt. Động thái này cũng dễ hiểu vì nhóm Hưng “kính” lộng hành là do có sự làm ngơ, tiếp tay của Ban quản lý chợ, chưa nói đến việc chia chác lợi ích vật chất trong câu chuyện này.
Rất nhiều người không tin vụ việc ở chợ Long Biên sẽ được khởi tố, bởi họ biết, có nhiều ki-ốt trong chợ được sắp xếp cho một số cán bộ, tất nhiên mang tên người khác, và chính những người này phải có trách nhiệm “bảo vệ” Hưng “kính” cũng như Ban quản lý chợ trước khi tất cả được phơi bày ra ánh sáng.
Mong muốn của tiểu thương ở chợ Long Biên là được buôn bán bình thường, không bị o ép, bóc lột. Hơn lúc nào hết, chính quyền Q.Ba Đình nói riêng và TP.Hà Nội nói chung phải có biện pháp quyết liệt nhằm lập lại an ninh trật tự ở khu chợ vốn nổi tiếng phức tạp này.
Nhóm phóng viên