edf40wrjww2tblPage:Content
Nón Phú Gia có nét đặc trưng riêng không lẫn với sản phẩm làng nón khác
Sản phẩm biểu trưng ngôi vị một thời
Đến nay, làng nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát (Bình Định), có tuổi đời hơn 300 năm. Gọi là “nón ngựa”, bởi chiếc nón gắn liền với hình ảnh những quan quân, kỵ sĩ, giới quý tộc… đội những chiếc nón rong ruổi trên đường quê. Lý giải cái tên “nón ngựa”, Cụ Trần Thị Kéo (SN 1938, thôn Phú Gia, xã Cát Tường, H. Phù Cát), một bậc cao niên còn giữ nghề làm nón ngựa ở Phú Gia nói: “Theo lời kể của ông nội tôi, chiếc nón ngựa xuất phát từ việc các vị quyền quý ngày xưa thường đội nón rong ruổi trên lưng ngựa. Nón ngựa ngày xưa chỉ dành cho vua, quan, dân thường không ai dám đội. Một phần vì loại nón này là biểu tượng quyền uy, giá cao hơn hẳn nón thường. Nón ngựa bền, chắc, dẻo dai rất thích hợp cho những người cưỡi ngựa. Một chiếc nón ngựa có thời gian sử dụng từ 10 đến 20 năm…”
Nón Phú Gia một thời là biểu trưng của ngôi vị quyền quý
Ngày xưa, nón ngựa dành cho giới quý tộc có bịt bạc, thêu long, ly, quy, phượng… trên đỉnh nón. Quan lại đội nón ngựa theo chức tước. Nhìn những hình vẽ được thêu trên nón, người dân sẽ nhận biết được tước vị của người đội nón. Ngày xưa, hình hoa văn trên nón ngựa gắn liền với những chức quan, tước phẩm… chức sắc khác nhau sẽ có những hoa văn khác nhau. Từ chức xã trưởng trở lên mới được bịt chóp nón bằng đồng, hay bạc, trên nón thêu hình thú quý. Giới quyền quý ưa chuộng hình tượng tùng, cúc, trúc, mai, phong, hoa, tuyết, nguyệt… thể hiện sự giàu sang, đài các. Những yếu tố này tạo đăc trưng riêng cho nón ngựa Phú Gia.
Theo cụ Kéo, ngày trước ở Phú Gia, con nhà giàu sang đều sắm nón ngựa, ngày cưới con nhà nghèo cũng ráng vay mượn mua cho cô dâu, chú rể cái nón ngựa đội mừng hỉ. Hình ảnh những vị quan lại, hương thân, kỵ sĩ… đội chiếc nón ngựa bịt bạc rong ruổi trên đường đi vào ký ức của nhiều người dân ở Bình Định.
Sản phẩm của sự dụng công, tỉ mẫn
Nón ngựa là sự kết tinh từ tài hoa, khéo léo, tỉ mẫn trong từng động tác và năng khiếu mỹ thuật trên từng mũi kim, đường chỉ thêu. Để hoàn thành một chiếc nón ngựa, người thợ phải dụng công rất nhiều. Chị Nguyễn Thị Tuyết (55 tuổi, thôn Phú Gia), nói: “Nón ngựa làm rất nhiều công đoạn, phải mất 3 - 4 ngày, một người thợ lành nghề mới hoàn thành được một chiếc nón ngựa. Quan trọng nhất phải là bước lựa chọn nguyên liệu làm nón. Nguyên liệu làm nón ngựa từ giang, rễ dứa rừng, cây kè (cọ), lá thơm tàu… phải lấy đúng mùa của nó là cuối đông đầu xuân. Một chiếc nón ngựa có thể sử dụng rất lâu, hơn 50 năm nếu làm đúng cách, chọn đúng nguyên liệu”.
Cần nhiều công sức và sự tỉ mỉ để làm nên một chiếc nón Phú Gia
Nguyên liệu làm nón là những sản phẩm từ rừng, người làm nón ngựa ở Phú Gia phải lên những ngọn núi trên nguồn (huyện Tây Sơn) lấy giang để chặt ra lấy cật. Cật giang nạo sạch vỏ, phơi khô và chẻ đều, nhỏ để làm mê nón. Lá kè làm nón chọn lá vừa, không quá non, không quá già. Rễ dứa rừng làm vành, lá thơm tàu làm chỉ, sợi cước, chỉ màu, vải the…phải chọn kỹ trước khi làm nón. Nón ngựa trải qua 20 công đoạn, quan trọng nhất 4 công đoạn tạo sườn mê (đầu tiên), thắt nan sườn, thêu hoa văn và lợp lá cho nón.
Cụ Trần Thị Kéo nói: “Làm một chiếc nón ngựa dụng công rất nhiều, từ rập khuôn tạo sườn mê, thắt nan sườn, làm vành, mạn, bủa, chằm, thêu, lợp lá nón… Người thợ lành nghề mất 3 ngày mới hoàn thành một chiếc nón. Nón ngựa ngày xưa chóp nón được bịt bạc, ngày nay thay bạc bằng cách thêu râu lên chóp nón. Một chiếc nón ngựa làm rất kỳ công, chỉ một khâu như thêu hoa văn lên nón đòi hỏi người thợ phải khéo tay, có đầu óc tưởng tượng mới thêu được những hình hài đẹp mắt”.
Thợ lành nghề mất 3 ngày mới hoàn thành một chiếc nón
Một trong những khâu quan trọng trong quá trình làm nón ngựa là thêu hoa văn. Muốn thêu được những hoa văn như ý, người thợ phải có khiếu mỹ thuật, khéo léo, có óc tưởng tượng, hình dung ra những hình vẽ.
Giá một chiếc nón ngựa tùy thuộc theo loại, từ 100.000đ - 500.000đ/ nón. Thường nón ngựa Phú Gia để xuất đi các nơi để bán cho khách du lịch. Chị Vân Ly - chủ đại lý nón ngựa ở Gò Găng (An Nhơn, Bình Định), nói: “Gia đình tôi 3 đời buôn nón ngựa ở đây. Nón ngựa được đóng thành cây xuất đi các tỉnh thành, bán cho khách du lịch. Nón ngựa có nhiều khung giá khác nhau tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng. Cứ độ 1 tuần, tôi đưa một chuyến hàng vào Nam bỏ mối cho các đại lý.
Theo nhu cầu của khách, nón sẽ được xuất đi từng đợt. Chỉ có khách du lịch mua nón ngựa, dân thường không ai bỏ cả trăm ngàn mua cái nón ra đồng, vì thế nên tôi xuất hàng đi bán các nơi chứ không mở hàng bán ở tỉnh. Khách du lịch đến đây thi thoảng ghé mua, đa phần họ về thẳng làng nón ngựa Phú Gia mua nón. Gần như ở Bình Định chỉ có gia đình tôi chuyên một mặt hàng nón ngựa. Đúng năm Giáp Ngọ, nón ngựa Phú Gia tiêu thụ nhiều hơn so với năm trước”.
Hồi sinh làng nghề
Làng nón Phú Gia hiện còn 100 hộ làm nón ngựa. Theo ông Nguyễn Kim Hùng - Phó thôn Phú Gia: “Phú Gia được công nhận làng nghề truyền thống nón ngựa đến nay được 6 năm (2007), và còn 100 hộ theo nghề. Ngoài Phú Gia, các thôn Xuân Quang, Kiều Đông thuộc xã Cát Tường cũng làm nón ngựa. Nghề làm nón ngựa cho thu nhập thấp (mỗi cái nón bán giá cao nhưng tốn công, tốn sức nên chỉ lấy công làm lãi), nhưng tận dụng được lao động cao tuổi và trẻ nhỏ, người trong độ tuổi lao động vào vụ nông nhàn… Bình quân, một người làm 50.000- 70.000đ/ ngày công.
Nón ngựa Phú Gia có mặt khắp các tỉnh thành, ra cả nước ngoài. Ở Phú Gia có nhà trưng bày nón ngựa cho khách tham quan”. Chiếc nón ngựa và làng nghề nón Phú Gia đang hồi sinh từng ngày từ bàn tay và tấm lòng giữ nghề của những người thợ nón.
DỊU DỊU