Thầm lặng đưa nhạc hàn lâm đến số đông khán giả

04/12/2015 - 14:49

PNO - Liên hoan âm nhạc châu Âu vừa kết thúc trong lặng lẽ như nhiều năm qua vẫn thế.

Song, đã có sự khác biệt với nhiều tín hiệu vui cho sự phát triển của âm nhạc, của thị hiếu và gu thẩm mỹ của công chúng.

15 năm trước, hoạt động này đến với khán giả Việt với tên gọi Liên hoan jazz châu Âu - nơi khán giả được mời gọi thưởng thức sáng tạo mới của các nghệ sĩ (NS) qua nhánh jazz - dòng nhạc dễ kết hợp, ứng dụng công nghệ, cho phép khai mở nhiều chiều kích cảm thụ.

Nhưng thời điểm ấy, jazz vẫn còn xa lạ, đến mức chỉ cần nghe đến jazz, nhiều người hoặc lắc đầu, hoặc tỏ ra hào hứng kiểu trưởng giả học làm sang để rồi thực tế tại các buổi trình diễn jazz, khán giả lèo tèo không lấp được nửa số ghế.

Nhưng nhà tổ chức vẫn kiên nhẫn đưa nhạc jazz đến Việt Nam. Với sự góp sức của nhiều NS như Tuyết Loan, Trần Mạnh Tuấn, Nguyên Lê, Tùng Dương và cả Võ Vân Ánh ở mảng nhạc cổ truyền... thông qua các tác phẩm, các đêm nhạc jazz cá nhân, khán giả biết đến một dòng nhạc không đến nỗi “khó nhằn” như từng nghĩ mà thực tế dễ nghe, dễ cảm và rất vui.

Tham lang dua nhac han lam den so dong khan gia
Bộ đôi Ferenc Snétberger & Paolo Vinaccia (Hungary) trong chương trình bế mạc của Liên hoan

Khi Liên hoan jazz châu Âu mở rộng thành Liên hoan âm nhạc châu Âu với sự góp mặt của nhạc hàn lâm, rock, sự kiện thường niên này đã mang diện mạo mới. Đã có những đêm diễn bán vé chứ không còn miễn phí, số đêm diễn được nâng lên và được tổ chức ở nhiều nơi hơn.

Thực chất, tiền bán vé chỉ để trang trải chi phí cho các NS, ban nhạc thuộc nhóm đại chúng của châu Âu - những ban nhạc mà mọi chuyến lưu diễn của họ đều phải trả tiền. Các NS hàn lâm, trong đó có những tên tuổi lớn, đều tham gia liên hoan trên tinh thần giao lưu văn hóa, để làm dày thêm hành trang sự nghiệp của họ.

Dù sao, mức giá vé từ 600.000 - 800.000đ không phải là quá cao đối với khán giả Việt để dự một chương trình chất lượng châu Âu, nhất là so với giá vé hàng triệu đồng ở các chương trình khác.

Liên hoan âm nhạc châu Âu dần góp nhặt thêm lượng khán giả qua phương thức rỉ tai, khi khán giả cũ đưa thêm bạn bè đến cùng những người muốn “xem thử” có gì ở các đêm nhạc này sau khi đọc báo.

Các NS giữ được cho mình những khán giả trung thành bằng cách mang đến cho họ âm nhạc chất lượng. Để rồi hôm nay, trái ngọt là hình ảnh nhiều gia đình dắt nhau đi nghe nhạc, cảnh khán giả, trong đó có rất nhiều em nhỏ sẵn sàng bước lên sân khấu để nhảy cùng NS…

Hơn 6.400 lượt khán giả đến với Liên hoan âm nhạc châu Âu 2014 và dự kiến gần 8.000 lượt ở năm 2015 so với số lượng gần 20 show diễn trên cả nước không phải là con số lớn trong tương quan so sánh với các liveshow đại chúng, các nhóm nhạc, NS thần tượng.

Nhưng đó là con số rất lớn của hành trình đưa âm nhạc hàn lâm đến với công chúng, trong những nhà hát chỉ vài trăm ghế ngồi. Phía trước là con đường dài cho nhà tổ chức - NS và công chúng, một bên nỗ lực cống hiến và một bên bổ sung thực đơn thưởng ngoạn của mình.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI