Thảm kịch đại dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh

13/05/2021 - 14:43

PNO - Không giống như châu Âu và Bắc Mỹ giàu có, các quốc gia Mỹ Latinh thiếu sức mạnh tài chính để giữ cho người dân không rơi sâu vào nghèo đói, các hệ thống chăm sóc sức khỏe thiếu kinh phí và các chương trình tiêm chủng bị đình trệ.

Hellen Ñañez, người phụ nữ Peru, đã trải qua 13 lần chia ly khi 13 người thân của cô qua đời kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái và bây giờ, bố cô cũng đang chiến đấu để giành sự sống.

Gần đây nhất, tại nghĩa trang đầy bụi ở thị trấn cảng Pisco, Thái Bình Dương, Ñañez đã đến thăm mộ của những người thân qua đời do COVID-19. "Sự thật là tôi không còn nước mắt nữa", Ñañez nức nở. Cô đã bỏ học ngành tâm lý học, chuyển sang làm xà phòng tại nhà để bán trên đường phố hoặc trong các cửa hàng ở Pisco, một thị trấn ven biển nằm giữa sa mạc khô cằn. Cô phải kiếm tiền để thanh toán viện phí, thuốc men cho cha. 

Ñañez đến viếng người thân đã qua đời vì COVID-19
Ñañez đến viếng người thân đã qua đời vì COVID-19

"Đại dịch đã cướp đi gia đình của chúng tôi. Nó lấy đi ước mơ, sự yên tĩnh và ổn định của chúng tôi", cô gái 28 tuổi buồn bã.

Ñañez cho biết hiện cô đang chiến đấu để cứu lấy mạng sống của cha mình. Ông đã nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện hơn 2 tuần, rơi vào tình trạng hôn mê và sử dụng máy thở khi sức khỏe đang suy kiệt dần vì sự tàn phá của căn bệnh.

Ngoài người cha bệnh tật, Ñañez còn có đứa con 2 tuổi. Cô cho biết các khoản vay ngân hàng đã cạn và gia đình phải gánh khoản nợ khổng lồ (26.500 USD) để mua thuốc, oxy y tế và chi phí tang lễ. Trong hy vọng ít ỏi, cô vẫn quyết tâm chiến đấu vì sự sống của cha mình.

"Tôi sẽ không mất ông ấy. Tôi không muốn mất bất kỳ ai khác nữa. Bố tôi không thể bỏ tôi", Ñañez khóc nức nở bên ngoài bệnh viện.

“Tôi đã đứng ở đây 17 ngày và tôi biết rằng cha tôi sẽ làm được điều đó. Tôi không nghĩ rằng cuộc đời có thể bất công như vậy, đã lấy đi của tôi quá nhiều thứ và giờ cũng muốn lấy đi cha của tôi ”.

Khu vực này đã ghi nhận 958.023 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, chiếm khoảng 28% tổng số người chết trên toàn cầu. Con số này dự kiến đạt mốc 1 triệu trong tháng 5, trở thành khu vực thứ 2 có người tử vong vì COVID-19 sau châu Âu.Câu chuyện của Ñañez là một sự phản ánh nghiệt ngã về thảm kịch đang diễn ra ở Mỹ Latinh, một khu vực có dân số khoảng 650 triệu người, giàu tài nguyên nhưng đầy biến động về chính trị trải dài từ Mexico đến các khu gần Nam Cực của Chile và Argentina.

Nhưng không giống như châu Âu và Bắc Mỹ, các quốc gia Mỹ Latinh không có sức mạnh tài chính để giữ cho người dân không rơi sâu vào nghèo đói. Ngoài ra, ở đây, hệ thống chăm sóc sức khỏe còn nghèo nàn do thiếu kinh phí và các chương trình tiêm chủng bị đình trệ.

Các nhà lãnh đạo khu vực từ Tổng thống của Brazil Jair Bolsonarol đến Alberto Fernandez của Argentina và Andrés Manuel López Obrador của Mexico đã bị chỉ trích trong việc xử lý đại dịch, bên cạnh đó là một loạt bộ trưởng y tế bị sa thải.

"Không có vắc-xin. Không có giường chăm sóc đặc biệt. Không có thuốc. Làm ơn, vì nhân loại, hãy giúp chúng tôi!", nhiều tiếng kêu gọi trên mạng xã hội những ngày này ở Mỹ Latinh. 

Đối nghèo, dịch bệnh khiến nhiều gia đình rơi vào cùng cực
Đói nghèo, dịch bệnh khiến nhiều gia đình rơi vào cùng cực

Peru đã chính thức xác nhận 1,85 triệu trường hợp mắc COVID-19 và khoảng 64.000 ca tử vong, nhưng con số thực tế có thể cao gấp 3 lần. Trong nhiều thông tin, sổ đăng ký tử vong quốc gia của nước này lại ghi nhận 171.000 trường hợp tử vong do virus.

Cuộc khủng hoảng của Mỹ Latinh bùng phát từ Brazil, quốc gia ghi nhận nhiều người chết nhất trên toàn cầu, sau Mỹ, và là nơi Tổng thống Bolsonaro từ lâu đã phản đối các biện pháp phong tỏa đồng thời ủng hộ các phương pháp chữa trị chưa được chứng minh.

Sự xuất hiện của các đột biến virus trong nước, bao gồm cả biến thể P1 dễ lây truyền hơn, có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát ở Brazil. Nó cũng làm gia tăng các ca nhiễm trùng ở các nước láng giềng, bao gồm cả Uruguay và Bolivia.

Giờ đây, có một số dấu hiệu cho thấy đại dịch đã xé toạc các nền kinh tế trong khu vực và khiến tỷ lệ đói nghèo gia tăng, gây ra tình trạng bất ổn, làm chao đảo các ngành công nghiệp.

Colombia đã bị khuấy động bởi các cuộc biểu tình chết người về một cuộc cải cách thuế và tình trạng nghèo đói cùng cực. Chile đang tiến tới việc tăng thuế mạnh đối với các công ty khai thác đồng... “Mọi người đã chán ngấy và rõ ràng là mệt mỏi với mọi thứ xảy ra gần đây", một người biểu tình nói.

Khu vực Mỹ Latinh đang lệ thuộc vào nguồn cung vắc xin của Trung Quốc và Nga
Khu vực Mỹ Latinh đang lệ thuộc vào nguồn cung vắc-xin của Trung Quốc và Nga

Các chuyên gia y tế công cộng cho biết Mỹ Latinh đã hứng chịu tác động quá lớn từ đại dịch, cả về sức khỏe và tăng trưởng, làm chao đảo các nền kinh tế mỏng manh với mức nợ cao, bất bình đẳng sâu rộng và đây là nơi nhiều người làm việc trong tình trạng kém an toàn.

Không giống như Bắc Mỹ, châu Âu hay châu Á, khu vực này cũng thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ cao để có thể phát triển hoặc sản xuất vắc-xin một cách nhanh chóng. Thỏa thuận sản xuất vắc-xin COVID-19 của Đại học Oxford-AstraZeneca Plc của các công ty ở Argentina và Mexico đã bị đình trệ do ngừng sản xuất và nhiều nước Mỹ Latinh phụ thuộc vào nguồn cung vắc-xin của Trung Quốc và Nga.

"Tôi đã tìm việc trong một năm rưỡi và tôi không thể chờ đợi được vắc-xin của mình", Marco Antonio Pinto, cư dân Rio de Janeiro, cũng như những người khác trong thành phố tỏ ra vô cùng thất vọng. "Họ đang nghĩ chúng tôi là động vật. Nhưng chúng tôi là con người. Chúng tôi phải đóng thuế và trả tiền cho mọi thứ", Marco Antonio Pinto nói.

Lệ Chi (theo Reuters, the Guardian)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI