Thảm kịch của những phụ nữ sống gần các mỏ cobalt

31/03/2024 - 10:54

PNO - Phụ nữ và trẻ em gái sống trong các cộng đồng khai thác cobalt ở Congo đang hứng chịu các vấn đề sức khỏe sinh sản nghiêm trọng do ô nhiễm nước.

Hơn một nửa số người được phỏng vấn nêu lên mối lo ngại về sức khỏe sinh sản của họ hoặc của các thành viên trong gia đình. Ảnh: Raid
Phụ nữ ở Congo có nhiều mối lo ngại về sức khỏe sinh sản của họ hoặc của các thành viên trong gia đình.

Theo một báo cáo mới, phụ nữ và trẻ em gái sống trong các cộng đồng khai thác cobalt ở Cộng hòa Dân chủ Congo đang báo cáo sự gia tăng “đáng kinh ngạc” các vấn đề sức khỏe sinh sản nghiêm trọng, bao gồm sẩy thai và dị tật bẩm sinh.

Một cuộc điều tra được công bố bởi nhóm nhân quyền Rights & Accountability in Development (Raid) có trụ sở tại Vương quốc Anh và tổ chức phi chính phủ Afrewatch cho biết phụ nữ và trẻ em gái sống quanh các mỏ coban trải qua kinh nguyệt không đều, nhiễm trùng niệu sinh dục, nấm âm đạo và mụn cóc.

Theo báo cáo của một bác sĩ nhi khoa, người đã ghi lại dữ liệu của bệnh nhân từ năm 2016, giải thích tỷ lệ nhiễm trùng bộ phận sinh dục và bệnh lý da ở bệnh nhân nữ đã bùng nổ nơi này. Nữ bác sĩ tin rằng điều này là do những người dân ở đây đã sử dụng nước nhiễm bẩn, ô uế khiến họ đặc biệt dễ mắc bệnh.

Tổng cộng, 144 người sống ở 5 mỏ coban công nghiệp đã được phỏng vấn trong khuôn khổ nghiên cứu. Hơn một nửa số người được phỏng vấn (56%) nêu lên mối lo ngại về sức khỏe sinh sản của chính họ hoặc của các thành viên trong gia đình.

Anaïs Tobalagba, nhà nghiên cứu chính sách và pháp lý tại Raid và là nhà nghiên cứu chính của báo cáo, nói: “Một trong những phát hiện nổi bật nhất mà chúng tôi phát hiện ra là tác động khác biệt đối với phụ nữ. Chúng tôi biết đã có nghiên cứu liên kết việc khai thác cobalt với các vấn đề sức khỏe sinh sản. Nhưng chúng tôi không thể ngờ đến nó tồi tệ đến vậy”.

Anneke Van Woudenberg, giám đốc điều hành của Raid, cho biết: “Tôi đã làm việc ở Congo được 25 năm và đàn ông thường ngại thảo luận về các vấn đề sức khỏe phụ nữ. Nhưng đàn ông cũng nói rằng "có điều gì đó không ổn xảy ra với phụ nữ ở đây'".

Cobalt được sử dụng để sản xuất pin cho một số vật dụng gia đình, trong đó có xe điện. Việc chuyển đổi sang năng lượng xanh đã thúc đẩy sản lượng tại các mỏ cobalt tăng lên trong thập kỷ qua.

Các nhà nghiên cứu cho biết phụ nữ có nhiều khả năng tiếp xúc với nước bị ô nhiễm hơn thông qua việc giặt giũ và dọn dẹp nhà cửa. Ảnh: Raid
Các nhà nghiên cứu cho biết phụ nữ có nhiều khả năng tiếp xúc với nước bị ô nhiễm hơn thông qua việc giặt giũ và dọn dẹp nhà cửa.

Mối liên hệ giữa khai thác cobalt và dị tật bẩm sinh đã được nêu ra trong một nghiên cứu của Lancet từ năm 2020 cho thấy nguy cơ dị tật bẩm sinh tăng lên đáng kể khi cha mẹ làm việc trong mỏ đồng hoặc coban.

Van Woudenberg cho biết phụ nữ có nhiều khả năng tiếp xúc hàng ngày với nước bị ô nhiễm hơn nam giới. “Họ không uống nước mà tắm trong đó, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa – tất cả những việc phụ nữ đang làm. Và các chuyên gia y tế đã nói với chúng tôi rằng khi độ pH của nước thấp hơn thì các vấn đề về phụ khoa sẽ dễ xảy ra hơn".

Raid và Afrewatch cũng yêu cầu đơn vị môi trường và chất độc của Đại học Lubumbashi xem xét các mẫu nước lấy từ sông Dipeta; các sông Katapula, Kalenge và Dilala-UCK, và Hồ Kando – 5 vùng nước được người dân địa phương xác định là có vấn đề.

Van Woudenberg cho biết: “Trong khi nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, kết quả sơ bộ từ tháng 3/2024 cho thấy độ pH của nước ở tất cả các sông và hồ được đánh giá là thấp. Các nhà khoa học cho biết đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các vùng nước này đang bị bị axit hóa do ảnh hưởng bởi ô nhiễm công nghiệp. Các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá, do mức độ axit của chúng, các con sông không còn khả năng nuôi cá và nước của chúng gây độc cho sức khỏe con người và động vật”.

Van Woudenberg cho biết Raid đã chia sẻ những phát hiện của mình với các công ty khai thác nằm dọc vành đai đồng. Đáp lại, các công ty nêu rõ cam kết tuân thủ luật môi trường và kiểm toán độc lập, đồng thời chỉ ra số lượng máy bơm nước sạch hơn mà họ cung cấp cho người dân địa phương.

Báo cáo cho biết: “Mặc dù điều này phần nào làm giảm bớt tình trạng thiếu nước sạch thường xuyên, nhưng cuộc điều tra của chúng tôi phát hiện ra rằng không có công ty khai thác mỏ nào cung cấp số điểm cấp nước tối thiểu theo quy định của Congo. Họ cũng không đáp ứng hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới là 20 lít mỗi người mỗi ngày, mức tối thiểu cần thiết để uống và vệ sinh cơ bản”.

Một phát hiện khác là 75% số người được phỏng vấn nói rằng họ không đủ khả năng chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe nữa.

Trọng Trí (the Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI