Thảm họa thiên tai và trách nhiệm của con người

03/10/2023 - 06:00

PNO - Biến đổi khí hậu ngày càng mạnh hơn với những đợt nắng nóng cực độ, mưa bão và cháy rừng thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, sự quản lý yếu kém về cơ sở hạ tầng, công tác ứng phó thiên tai càng khiến thiệt hại nặng nề hơn.

Ngày càng nhiều thảm họa 

Vào đầu tháng Chín, những trận mưa xối xả ở Địa Trung Hải dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng, phá hủy cơ sở hạ tầng và gây chết người ở nhiều quốc gia. Các thảm họa thiên nhiên này thường được xem là “do trời”, nhưng phần lớn thiệt hại là kết quả của hành động của con người. Cơn bão Daniel gây ra những trận mưa như trút nước kéo dài hơn 10 ngày tại Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Libya.

Mưa ở Tây Ban Nha chỉ kéo dài vài giờ nhưng lũ lụt vẫn khiến 5 người thiệt mạng. Hy Lạp, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ có mưa suốt 4 ngày. Mưa nhấn chìm trung tâm nông nghiệp của Hy Lạp, đồng bằng Thessalian; làm sụp đổ 2 con đập vào ngày 11/9, tạo ra cơn lũ tương tự sóng thần quét xuống thành phố Derna ở Libya. Khoảng 4.000 người đã chết và hơn 8.000 người vẫn mất tích tính đến ngày 21/9. 

Nghiên cứu nhanh cho thấy biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thiên tai quanh Địa Trung Hải. Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch của con người đang làm tăng tần suất bão, hạn hán, nắng nóng và cháy rừng. Với Libya, nhiều năm nội chiến, tham nhũng cùng tình trạng thiếu quản lý, bảo trì… đã góp phần gây ra thảm họa 2 con đập bị vỡ dù đã có những cảnh báo liên tục từ các chuyên gia suốt hơn 10 năm trước đó.

Vụ cháy rừng ở Canada vào mùa hè năm 2023 thiêu rụi khoảng 14 triệu héc ta - gần gấp đôi so với kỷ lục trước đó. Trung tâm Nghiên cứu World Weather Attribution (WWA) xác định mức độ mà biến đổi khí hậu do con người gây ra làm tăng tính nghiêm trọng của cháy rừng. Tập trung vào tỉnh Quebec, báo cáo của WWA kết luận rằng biến đổi khí hậu góp phần tạo ra thời tiết khô hạn, làm thảm thực vật dễ cháy hơn mức trung bình khoảng 20 - 50%. Thời tiết nóng và khô hơn khiến tuyết tan nhanh, dẫn đến mùa cháy rừng bắt đầu sớm hơn và kéo dài hơn. Mối liên hệ giữa nhiệt độ cực đoan và hiện tượng nóng lên toàn cầu tương đối rõ ràng.

 

Thiệt hại do lũ lụt ở Derna, miền đông Libya vào tháng Chín - Nguồn ảnh: AFP
Thiệt hại do lũ lụt ở Derna, miền đông Libya vào tháng Chín - Nguồn ảnh: AFP

WWA từng công bố nghiên cứu cho thấy tình trạng nhiệt độ cực cao ở khu vực Mỹ - Mexico và Nam Âu vào tháng Bảy "hầu như không thể xảy ra nếu con người không làm hành tinh ấm lên bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch". Giữa tháng Chín, các quan chức ở bang Amazonas của Brazil ban bố tình trạng khẩn cấp bao trùm gần 20 đô thị ở phía nam bang này do hiện tượng thời tiết El Nino cùng “tác động tiêu cực của nạn phá rừng bất hợp pháp và đốt rừng trái phép” làm gia tăng mùa cháy hằng năm của khu vực. Theo Viện Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Brazil, hơn 4.500 vụ cháy rừng được ghi nhận trên toàn quốc trong nửa đầu tháng Chín.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai: “Yếu và chưa đầy đủ”

Trong nhiều năm, cuộc thảo luận về cách thích ứng biến đổi khí hậu bị cản trở bởi nhiều người cho rằng điều đó sẽ làm giảm áp lực cắt giảm khí thải. Tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) vào tháng 5/2023, các quốc gia đã xem xét tiến độ thực hiện khuôn khổ Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai - một thỏa thuận năm 2015 nhằm giảm thiệt hại, mất mát và tử vong do các hiểm họa tự nhiên và nhân tạo.

Phó tổng thư ký LHQ Amina Mohammed cho rằng, tiến bộ toàn cầu trong quản lý rủi ro thiên tai còn “yếu và chưa đầy đủ”. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Csaba Kőrösi tiết lộ, số người bị ảnh hưởng vì thảm họa khí hậu đã tăng gấp 80 lần kể từ năm 2015. Người đứng đầu Văn phòng LHQ về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Mami Mizutori lưu ý thêm rằng số quốc gia đề ra chiến lược về giảm thiểu rủi ro thiên tai đã tăng đáng kể nhưng tiến độ vẫn chưa đồng đều.

Rủi ro thiên tai trở thành thảm họa tiếp tục tác động không cân xứng đến các nước kém phát triển nhất thế giới, các quốc đảo nhỏ, các nước đang phát triển và các nước châu Phi. Dù số ca tử vong do thiên tai nhìn chung đã giảm do công tác quản lý thiên tai được cải thiện, biến đổi khí hậu khiến việc này trở nên khó khăn hơn nhiều qua các sự kiện cực đoan chưa từng có. Thật khó để nói liệu công tác bảo trì có thể ngăn chặn hoàn toàn vụ vỡ đập ở Libya hay không, nhưng rõ ràng là hoạt động của con người đã làm tăng thêm cả về mối đe dọa lẫn hậu quả từ thiên tai. 

Tấn Vĩ (theo UN, Bloomberg, DW)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI