Thảm họa phục chế tượng Phật ngàn năm tuổi ở Trung Quốc

09/08/2018 - 10:52

PNO - Diện mạo bức tượng Phật từ đời Tống (960-1279) ở huyện An Nhạc, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc sau khi được phục chế đã gây bão dư luận bởi người làm có lẽ đã “quá tay”, làm mới tượng với phong cách quá sặc sỡ.

Thật ra việc phục chế đã được thực hiện từ năm 1995 nhưng chính quyền dường như cho rằng mọi việc rất ổn. Cho đến khi hàng loạt bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội đi kèm thái độ không đồng tình với việc khoác “chiếc áo” mang phong cách hoạt hình sặc sỡ lên bức tượng cổ, chính quyền mới đưa ra lời giải thích.

Theo giải thích, việc phục chế tượng do nhóm người không chuyên, không phải là nghệ nhân thực hiện. 

Tham hoa phuc che tuong Phat ngan nam tuoi o Trung Quoc
Bức tượng Phật sau khi phục chế khiến nhiều người vô cùng phẫn nộ.

“Tai nạn phục chế” lần này tại Trung Quốc được anh Xu Xin chia sẻ trên trang Weibo cá nhân. Bài đăng của anh được mọi người chia sẻ lại hơn 15.000 lần, phần lớn là nội dung đầy tức giận, chỉ trích. Một người viết: “Đây không phải là phục chế mà là sự thay đổi thô bạo, không chấp nhận được, khiến bức tượng trông xấu xí vô cùng”.

Một người khác thì bình luận: “Vài trăm năm sau, thế hệ con cháu của chúng ta sẽ nhầm tưởng đây là thành tựu tốt đẹp nhất mà nền văn minh này có được”.

Xu Xin là người rất mộ đạo và thích tìm hiểu về văn hóa. Bốn năm qua, anh làm việc ở hang hang Dunhuang tại tỉnh Cam Túc. Đây là một trong những vùng đất có truyền thống thờ phụng nhiều tượng Phật nhất Trung Quốc.

Sau bài đăng của Xu Xin, một người khác cũng đăng lại ảnh phục chế tượng Phật giáo “khó đỡ” ở thành phố Quảng An, tỉnh Tứ Xuyên lên trang Weibo. Hàng loạt chia sẻ sau đó cho thấy thực tế có những nhóm người ở các địa phương tự nguyện gây quỹ phục chế tượng. Điều đáng tiếc là họ không hiểu thế nào là phục chế.

Anh Xu Xin cho rằng chính quyền cần có kế hoạch phục chế bài bản và thực thi nghiêm ngặt hơn quy định cấm người dân tự tiện phục chế tượng Phật giáo, làm mất sự tôn nghiêm của bức tượng, vốn là di vật đặc trưng cho từng địa danh.

Huyện An Nhạc có đến 230 địa danh lữu giữ hơn 100.000 kiến trúc tượng Phật giáo quý hiếm từ thế kỷ 10.

Theo Luật Hình sự và Luật Bảo tồn Di tích Văn hóa của Trung Quốc, bất cứ ai hủy hoại những di vật tôn giáo và văn hóa sẽ bị phạt gần 700 USD, bị phạt tù đến 10 năm.

Điều gây khó khăn trong quá trình áp dụng luật là những nhóm người phục chế không hề có ý định hủy hoại mà họ chỉ muốn tỏ lòng thành kính, muốn đóng góp tự nguyện nhưng không ngờ lại gây ra thảm họa như thế.

Hình ảnh bức tượng này khiến nhiều người nhớ tới bức tranh “Ecce Homo” (Hãy mục kích Người) từ thế kỷ 19 được họa sĩ người Tây Ban Nha Cecilia Gimenez nhận phục chế.

Hậu quả là bức tranh bị hủy hoại hoàn toàn, nhiều người châm biếm đặt tên bức tranh thành “Ecce Mono” (Hãy mục kích chú khỉ).

Tham hoa phuc che tuong Phat ngan nam tuoi o Trung Quoc  

Anh Thông (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI