Thảm họa môi trường sẽ đến nếu chúng ta không hành động

15/10/2021 - 22:06

PNO - Ngay cả khi các quốc gia thực hiện lời hứa của mình về các giải pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này.

Những lời hứa chưa thực hiện 

Sau một năm trì hoãn do COVID-19, Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu - COP26 dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 31/10 tại Glasgow (Scotland). Đại biểu từ gần 200 quốc gia sẽ hội đàm mục tiêu cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và làm chậm quá trình ấm lên của địa cầu.

Lãnh đạo các nước sẽ phải đối mặt trước áp lực của các nhóm môi trường, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà báo để “trả lời” bằng hành động thiết thực. Họ phải cụ thể hóa những lời hứa chưa được thực hiện từ hồi Hiệp định khí hậu Paris thông qua năm 2015. Khi đó, các nước đã đồng ý hợp tác cùng nhau giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này ở mức dưới 2oC.

Điều đó đã trở thành “tham vọng” tại COP26 lần này, khi mà nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng hơn 1oC, một số nơi lên đến 2oC.

 

CO2 tồn tại hàng thế kỷ trong khí quyển, khiến nhiệt độ trung bình của trái đất ngày càng tăng - ẢNH: REUTERS
CO2 tồn tại hàng thế kỷ trong khí quyển, khiến nhiệt độ trung bình của trái đất ngày càng tăng - Ảnh: REUTERS

Các nhà khoa học cho rằng, để giữ cho tình trạng ấm lên của trái đất ổn định, thế giới phải nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, quyết liệt tăng cường năng lượng tái tạo và tăng diện tích rừng vốn là hệ thống thiên nhiên có thể hấp thụ CO2 từ không khí. Hiệp định khí hậu Paris đã đưa ra một khuôn khổ tự nguyện để bảo đảm các quốc gia báo cáo minh bạch lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thải lượng công bằng về CO2, đồng thời, các quốc gia giàu chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu sẽ tài trợ các dự án để các nước nghèo hơn có thể đối phó tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhưng sau sáu năm, tất cả vẫn đang trong “quá trình hoàn thiện”. 

Một phân tích gần đây của LHQ cho thấy, ngay cả khi các quốc gia đáp ứng những lời hứa trong hiện tại, nhiệt độ trung bình của trái đất vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm 2,7oC vào cuối thế kỷ này. Tổng thư ký LHQ António Guterres mô tả đây là một “thảm họa”.

Mỹ đã tái gia nhập Hiệp định khí hậu Paris dưới thời Tổng thống Joe Biden, cam kết cắt giảm ít nhất một nửa lượng khí tạo hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Cùng với các đồng minh châu Âu, chính quyền Biden đã tìm cách thuyết phục nước phát thải lớn nhất là Trung Quốc và các quốc gia khác cam kết thực hiện các kế hoạch chi tiết hơn trước COP26. Ngoài “tham vọng” cắt giảm khí thải để duy trì mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất chỉ tăng ở mức 1,5oC, các nước giàu phải tăng cường thực hiện cam kết chưa hoàn thành. Cụ thể, huy động ít nhất 100 tỷ USD/năm để giúp các nước nghèo chống chọi tốt với thảm họa khí hậu và từ bỏ nhiên liệu hóa thạch…

Mỹ, Trung Quốc, Nga chiếm gần 40% lượng khí thải CO2

Chỉ riêng trong mùa hè qua, những đợt nắng nóng lịch sử đã bao trùm vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Những vụ cháy rừng dữ dội bùng phát từ California đến Canada, từ Hy Lạp đến Siberia. Lũ lụt gây chết người đã chia cắt vùng Đông Bắc Thái Bình Dương, hạn hán khắc nghiệt ở phía Tây Nam. Mùa màng khô héo do hạn hán nghiêm trọng ở Brazil, lũ lụt lớn khiến hàng trăm người ở Đức và Bỉ thiệt mạng… 

Tính cấp thiết được hội nghị COP26 năm nay nhấn mạnh rằng trên thực tế, biến đổi khí hậu không còn là chuyện tương lai mà đã thành một vấn đề của hiện tại. Tiến sĩ Simon Evans - Phó tổng biên tập trang Carbon Brief (Anh) - nhận định, các quốc gia có trách nhiệm về phần lớn lượng khí thải CO2 tích tụ trong khí quyển kể từ năm 1850.

Ông xem xét lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, sản xuất xi măng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp mà chủ yếu là hành vi phá rừng. Kết quả, Mỹ, Trung Quốc và Nga chiếm gần 40% lượng khí thải CO2 tích lũy từ đó đến nay. Brazil và Indonesia (xếp thứ tư và năm) chịu trách nhiệm cho 8,6% CO2 mà phần lớn là do nạn phá rừng trải dài trong nhiều thập niên. Đức, Ấn Độ, Anh, Nhật Bản và Canada có mặt trong top 10.

CO2 tồn tại hàng thế kỷ trong khí quyển đã giữ nhiệt và lượng khí thải này hằng năm cứ tiếp tục góp phần làm trái đất nóng lên. Theo tiến sĩ Evans, đến cuối năm nay, Mỹ thải ra hơn 509 tỷ tấn CO2 kể từ năm 1850, tương đương 20,3% tổng lượng khí thải toàn cầu, chiếm tỷ trọng lớn nhất và góp phần làm tăng khoảng 0,2oC nhiệt độ trái đất.

Thứ hai là Trung Quốc, với 11,4% lượng khí thải CO2 tích lũy cho đến nay và làm tăng khoảng 0,1oC. Nước này có lượng khí thải liên quan đến đất đai cao từ trước đó, nhưng sự bùng nổ ngành đốt than từ năm 2000 là nguyên nhân chính dẫn đến sản lượng CO2 tăng hơn gấp ba lần.

Nếu tính hằng năm thì Trung Quốc vượt qua Mỹ, trở thành nước phát thải lớn nhất thế giới, chịu trách nhiệm khoảng 28% lượng khí thải CO2 hằng năm của nhân loại so với 15% của Mỹ. Tổng cộng con người đã “bơm” khoảng 2.500 tỷ tấn CO2 vào bầu khí quyển kể từ cuối thế kỷ XIX. 

Với tốc độ phát thải CO2 hằng năm như hiện nay, thì tổng lượng khí thải CO2 được phép trong vòng một thập niên tới chỉ còn lại dưới 500 tỷ tấn, nếu thế giới muốn đạt mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình trái đất tăng dưới 1,5oC. 

Nam Anh (theo Washington Post, Straits Times)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI